Có rất nhiều yếu tố, từ chủ quan đến khách quan, ảnh hưởng đến báo giá xây dựng nhà máy quy định pháp luật thay đổi, thị trường giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến động,… Dưới đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến báo giá thi công nhà máy mà nhà đầu tư nên quan tâm.
Quy mô nhà máy, nhà xưởng
Quy mô nhà máy, nhà xưởng càng nhỏ, đơn giá xây dựng càng cao. Bởi nhà xưởng quy mô nhỏ hay lớn đều bao gồm các hạng mục cố định với chi phí tương đương nhau: phòng cháy chữa cháy, hạ tầng, bể ngầm, đường nội bộ, hàng rào,… Các hạng mục này được thực hiện chuyên biệt, số lượng nhân công, chi phí vật tư, vật liệu cho mỗi hạng mục phải đảm bảo để thi công chất lượng, không thể vì nhà xưởng nhỏ mà nhà thầu bỏ bớt số lượng nhân công hay cắt bớt chi phí. Vì vậy quy mô xưởng càng nhỏ, đơn giá xây dựng tính theo m2 càng cao, và ngược lại, quy mô nhà xưởng/nhà máy càng lớn, đơn giá sẽ càng tối ưu.
Yêu cầu kỹ thuật
Thiết kế nhà máy càng phức tạp, nhiều chi tiết, kết cấu yêu cầu chịu tải trọng lớn, hệ thống máy móc, dây chuyền tiêu thụ điện năng lớn… thì càng mất thời gian thi công, đòi hỏi đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công cần có nhiều kinh nghiệm, lành nghề. Chi phí quản lý cũng như chi phí nhân công cho những thiết kế phức tạp sẽ cao hơn các dự án thông thường.
Đặc thù ngành nghề sản xuất
Lĩnh vực sản xuất, các yêu cầu đặc thù ngành cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xây dựng nhà máy. Nhà máy sản xuất điện tử với những yêu cầu rất cao về độ tĩnh điện, phòng sạch,nên các vật liệu xây dựng thường dùng vật liệu cao cấp như sơn nền epoxy chống tĩnh điện hay gạch vinyl… Nhà máy thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm thì có những yêu cầu khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, việc thi công hạ tầng, sàn nhà, thoát nước, thông gió … của nhà máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn GMP, HACCP/ISO 22000… Do đó, giá thành xây dựng của các nhà máy này sẽ cao hơn nhà xưởng thông thường.
Yêu cầu về vật tư, vật liệu xây dựng
Trong xây dựng nhà xưởng, chi phí nguyên vật liệu xây dựng quyết định 60% chi phí đầu tư xây dựng nhà máy. Cùng là vật tư, vật liệu xây dựng, nhưng có rất nhiều thương hiệu để lựa chọn, rất nhiều chủng loại để cân nhắc: vật liệu cao cấp, vật liệu chất lượng trung bình nhưng giá rẻ… Tùy thuộc vào yêu cầu, sự kỹ tính của nhà đầu tư trong việc lựa chọn vật tư, vật liệu xây dựng, giá xây dựng nhà máy do đó cũng bị ảnh hưởng.
Yêu cầu về tiến độ thi công
Quá trình thi công nhà máy thường diễn ra rất nhanh, trung bình từ 3 – 6 tháng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Chủ đầu tư yêu cầu thời gian thi công cần được rút ngắn hơn nữa, tăng cường nhân công làm việc ban đêm, tiến độ gấp gáp… đòi hỏi nỗ lực rất cao từ phía nhà thầu xây dựng, cả về nhân lực, máy móc và biện pháp tổ chức thi công trên công trường, đồng thời đẩy giá xây dựng nhà xưởng công nghiệp lên cao hơn so với dự án thông thường.
Bên cạnh đó, thời gian thi công quá dài cũng dễ phát sinh nhiều rủi ro khách quan: giá cả thị trường, nguồn lực thi công … Thời gian thi công càng dài, chi phí quản lý dự án càng lớn, làm tăng chi phí đầu tư xây dựng.
Vì vậy, yêu cầu tiến độ thi công hợp lý sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí xây dựng. Tiến độ thi công phù hợp là khi nhà thầu tính toán tiến độ chung của dự án dựa trên tiến độ sử dụng nguyên vật liệu và nhân công, luân chuyển vật liệu và nhân công giữa các hạng mục công việc trong dự án một cách nhịp nhàng, duy trì tiến độ thi công ổn định, tránh dồn nhân lực, vật tư vật liệu vào cùng một thời điểm.
Yếu tố địa chất
Yếu tố địa chất tác động trực tiếp đến chi phí thi công móng nhà máy, bao gồm ép cọc, làm móng, lu nền… Nền đất càng yếu, đặc biệt các khu vực gần sông có lớp bùn yếu càng dày, hạng mục thi công cọc – móng càng phải sâu mới đạt đến lớp đất tốt, đủ khả năng chịu tải theo thời gian. Khi đó chi phí khoan ép cọc, thi công móng nhà máy, cải tạo hay gia cố nền sẽ rất tốn kém.
Các tổng thầu nhiều kinh nghiệm, với những đánh giá khách quan, tương đối chính xác về điều kiện địa chất của từng vùng, sẽ là đơn vị tư vấn xây dựng nhà xưởng uy tín, giúp tối ưu báo giá cho chủ đầu tư.
Năng lực của nhà thầu thi công
Mỗi đơn vị nhà thầu sẽ có năng lực, phương án và giải pháp thi công khác nhau, quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý chất lượng khác nhau, dẫn đến báo giá xây dựng khác nhau.
Các tổng thầu có đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm, có năng lực quản lý dự án tốt, thì báo giá xây dựng có thể cao hơn các đơn vị nhà thầu khác, nhưng tương xứng với chất lượng công trình, thi công đúng tiến độ, giúp nhà máy ổn định sản xuất và có thể tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí bảo trì – bảo hành, nâng cấp sau này.