Trong quá trình quản lý tiến độ dự án xây dựng nhà máy, bên cạnh các yếu tố về thời tiết khắc nghiệt, quản lý vật liệu – nhân công, phòng chống cháy nổ giai đoạn hoàn thiện… nhà thầu cần lưu ý thêm các yếu tố kiểm soát chất lượng, tiến độ dưới đây.
Công tác chuẩn bị mặt bằng
Công tác chuẩn bị mặt bằng là bước đầu tiên khi bắt đầu dự án. Các công việc chính bao gồm san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng tạm thời như công trình tạm, hệ thống điện, nước và giao thông nội bộ… để phục vụ cho việc thi công xây dựng. Quá trình chuẩn bị mặt bằng cần đảm bảo hoàn thành an toàn, đúng tiến độ, để các hạng mục sau đó được nhanh chóng triển khai, đảm bảo tiến độ xây dựng theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, với các dự án có quy mô lớn, nhà thầu cần làm việc chặt chẽ với chủ đầu tư để được bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ đã ký kết trên hợp đồng, đảm bảo các hạng mục phía sau không bị chậm trễ, trì hoãn gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Quản lý và giám sát tiến độ
Việc giám sát tiến độ không chỉ đơn thuần là theo dõi tiến độ công việc, mà còn phải liên tục đánh giá và dự báo các vấn đề có thể phát sinh như thay đổi thiết kế, sự cố kỹ thuật hay thiếu hụt nguyên vật liệu… Khi phát hiện những sai khác so với kế hoạch ban đầu, nhà thầu cần ngay lập tức đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất các phương án điều chỉnh kịp thời cho chủ đầu tư và đơn vị giám sát phê duyệt, từ đó nhanh chóng khắc phục các vấn đề phát sinh. Việc này đòi hỏi nhà thầu phải có kế hoạch giám sát và quản lý tiến độ dự án chặt chẽ, phù hợp với đặc thù quy mô, tính chất dự án.
Để quản lý tiến độ dự án hiệu quả, nhà thầu có thể sử dụng một số phần mềm quản lý dự án để chia nhỏ phạm vi công việc như Microsoft Excel, Microsoft Project, hay sử dụng biểu đồ Gantt để theo dõi chi tiết các mốc thời gian cụ thể của từng gói công việc. Việc này giúp nhà thầu có cái nhìn tổng quan về tiến độ dự án, cũng như dễ dàng phân bổ nguồn lực hiệu quả, tránh lãng phí thời gian và chi phí thi công.
Xem thêm: Quy trình quản lý tiến độ dự án xây dựng nhà máy
Quản lý và kiểm soát chất lượng
Chất lượng công trình không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành của nhà máy trong tương lai. Vì vậy, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công từng hạng mục là yếu tố quan trọng, đòi hỏi nhà thầu phải thực hiện song song với kiểm soát tiến độ.
Tại các dự án với vai trò là tổng thầu Design – Build, DELCO thường áp dụng quy trình nghiệm thu nội bộ theo hình thức cuốn chiếu, tức là nghiệm thu ngay sau khi hoàn thành từng hạng mục. Việc này giúp phát hiện và khắc phục sớm các lỗi kỹ thuật, đảm bảo dự án đáp ứng đúng tiến độ và chất lượng đã cam kết với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, với những dự án có tư vấn giám sát, DELCO luôn làm rõ các tiêu chí nghiệm thu của từng hạng mục với đơn vị giám sát. Điều này không chỉ giúp các bên liên quan bao gồm nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát thống nhất về các tiêu chí đánh giá chất lượng công trình, mà còn giúp quá trình nghiệm thu nhanh chóng, đảm bảo chất lượng và hạn chế tối đa các yêu cầu chỉnh sửa.
Phối hợp giữa các bên liên quan
Ngay từ giai đoạn lập kế hoạch thi công, các bên liên quan, bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát cần lập một kế hoạch theo dõi và báo cáo dự án rõ ràng, cụ thể. Các bên cần thống nhất về lịch gửi báo cáo tiến độ dự án theo ngày/tuần/tháng, lịch họp định kỳ và các kế hoạch phê duyệt vật liệu, kế hoạch điều chỉnh thiết kế cũng như kế hoạch nghiệm thu từng hạng mục… Từ đó giúp các bên liên quan nắm rõ trách nhiệm và quyền hạn của mình, tránh được các hiểu lầm, mâu thuẫn không đáng có.
Ngoài ra, việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ cho phép nhanh chóng thống nhất phương án xử lý khi dự án phát sinh vấn đề, chẳng hạn như thiếu hụt nguyên vật liệu hay ảnh hưởng từ thời tiết…Nhờ vậy, dự án có thể duy trì chất lượng và tiến độ theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Xem thêm: Tiến độ vật liệu và tối ưu nguồn lực trong quản lý tiến độ thi công xây dựng
Xem thêm: Đảm bảo an toàn và tiến độ xây dựng nhà xưởng mùa mưa bão