Đơn giá xây dựng nhà xưởng và nhà máy có thể chênh lệch đáng kể tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau như loại hình nhà xưởng, thiết kế kết cấu, nguyên vật liệu…
Các chi phí chính liên quan đến xây dựng nhà xưởng sản xuất
Các chi phí chính liên quan đến xây dựng nhà xưởng bao gồm:
- Chi phí thuê/mua đất
- Chi phí thiết kế nhà xưởng
- Chi phí làm thủ tục xin phép xây dựng
- Chi phí xây dựng hạ tầng
- Chi phí cơ điện
- Chi phí giám sát chất lượng (nếu có)
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần có khoản chi phí dự phòng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng nhà xưởng như giá vật liệu xây dựng tăng, điều kiện thời tiết xấu ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
Việc lập dự toán giá xây dựng nhà xưởng nhà máy cần tính toán kỹ lưỡng và đầy đủ các khoản chi phí trên, vì độ chính xác càng cao thì dự án càng dễ triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ và đáp ứng ngân sách của chủ đầu tư.
Các yếu tố ảnh hưởng đến dự toán giá xây dựng nhà xưởng nhà máy
Loại hình nhà xưởng
Mỗi lĩnh vực, ngành nghề sản xuất sẽ có yêu cầu về kết cấu và vật liệu khác nhau, dẫn đến giá xây dựng nhà xưởng cũng sẽ khác nhau.
Đối với nhà xưởng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác thường gồm nhiều dây chuyền máy móc tải trọng lớn, yêu cầu sản xuất với độ chính xác cao, nên sẽ đòi hỏi nền móng kiên cố và chịu lực tốt. Do đó chi phí gia cố nền nói riêng và chi phí xây dựng nhà xưởng nói chung sẽ cao hơn so với nhà xưởng thông thường. Hay một số nhà xưởng đặc thù (thực phẩm, dược phẩm…) đòi hỏi phải có phòng sạch, cần sử dụng các vật liệu chống bụi và các thiết bị kiểm soát môi trường chuyên biệt, nên giá xây dựng cũng sẽ cao hơn.
Yếu tố địa chất
Yếu tố địa chất ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí thi công móng nhà xưởng. Tại những khu vực có nền đất yếu, nhất là các khu vực gần sông hồ có lớp bùn dày, móng cọc phải được ép sâu mới đạt đến lớp đất tốt, đủ khả năng chịu tải. Việc này khiến việc thi công móng cần thêm nhiều biện pháp gia cố hơn, chi phí khoan ép cọc gia tăng, dẫn đến tổng chi phí xây dựng tăng.
Thi công ép cọc tại nhà máy ở Hà Nam – một trong những nơi có hiện tượng cát chảy, nền đất yếu, lớp đất tốt có thể đặt mũi cọc nằm sâu gần 40m, khiến chi phí xử lý nền tăng lên khá nhiều.
Thiết kế nhà xưởng
Tùy thuộc vào thiết kế nhà xưởng đơn giản hay phức tạp sẽ có mức giá xây dựng khác nhau. Thiết kế càng phức tạp, chi phí thi công sẽ càng cao. Cụ thể, những nhà xưởng có kiến trúc phức tạp như thiết kế kính lớn, hoặc sử dụng cột tròn đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và kỹ thuật cao hơn, dẫn đến chi phí thi công cao hơn so với các thiết kế đơn giản như sử dụng tấm panel composite hoặc cột vuông. Hay với những thiết kế yêu cầu kỹ thuật và thẩm mỹ cao sẽ đòi hỏi đội ngũ kỹ sư và công nhân xây dựng có kinh nghiệm, tay nghề cao, chi phí nhân công cho những thiết kế này cũng sẽ cao hơn.
Lựa chọn một thiết kế phù hợp, sẽ giúp chủ đầu tư tối ưu chi phí và thời gian thi công, đồng thời đảm bảo chất lượng nhà xưởng, cũng như tiết kiệm chi phí bảo trì và nâng cấp sau này. Do đó, chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ giữa yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ và ngân sách để chọn thiết kế phù hợp.
Nhà máy 2 tầng Ắc quy GS Bình Dương do DELCO là Tổng thầu Design – Build
Biện pháp thi công
Các biện pháp thi công khác nhau sẽ sử dụng vật liệu và kỹ thuật riêng, dẫn đến sự chênh lệch về giá xây dựng nhà xưởng. Ví dụ, xây dựng nhà xưởng bằng thép tiền chế có thể giúp giảm thời gian thi công và chi phí nhân công, tiết kiệm một phần chi phí. Tương tự, thi công bằng bê tông đúc sẵn có thể rút ngắn tiến độ và giảm chi phí nhân công so với bê tông cốt thép, nhưng chi phí vận chuyển và sản xuất lại cao hơn. Do đó, chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương án thi công để chọn giải pháp phù hợp với chi phí và tiến độ.
Vật liệu xây dựng
Chi phí mua sắm vật liệu xây dựng thường chiếm 40 – 60% chi phí xây dựng nhà xưởng. Các loại vật liệu khác nhau sẽ có giá khác nhau, ví dụ, sàn epoxy thường có giá khá cao khoảng 500.000 – 900.000 VNĐ/m2 tùy loại, trong khi sàn vinyl có giá thấp hơn chỉ khoảng 300.000 VNĐ/m2. Vật liệu từ các thương hiệu lớn hoặc vật liệu cao cấp thường có giá thành cao hơn so với vật liệu thông thường. Tuy nhiên, chúng thường có chất lượng, độ bền và tính năng kỹ thuật tốt hơn, giúp chủ đầu tư giảm thiểu chi phí bảo trì và sửa chữa trong tương lai.
Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường nguyên vật liệu có thể làm phát sinh chi phí xây dựng. Do vậy, trong dự toán giá xây dựng nhà xưởng, yếu tố rủi ro thị trường vật liệu cần được tính toán kỹ và có kế hoạch quản lý, mua và tập kết nguyên vật liệu tại công trường cho phù hợp.
Xem thêm: Các giải pháp nền nhà xưởng phổ biến
Yêu cầu về tiến độ của chủ đầu tư
Đôi khi chủ đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ thi công để tránh mùa mưa bão, hoặc khu vực xây nhà xưởng nằm trong khuôn viên nhà máy đang sản xuất, cần phải thi công nhanh để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất… Để đáp ứng yêu cầu tiến độ, nhà thầu phải huy động thêm nhân lực và máy móc thiết bị, thậm chí trong những giai đoạn gấp gáp công nhân phải tăng ca, làm thêm giờ dẫn đến chi phí nhân công tăng, đẩy giá xây dựng nhà máy lên cao hơn. Ngoài ra, nếu chủ đầu tư yêu cầu sử dụng các phương pháp thi công nhanh như fast tracking, crashing sẽ cần phải có nguồn vốn lớn và có kế hoạch kiểm soát chi phí chặt chẽ để đảm bảo phân bổ ngân sách, nguồn lực hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ đồng nghĩa với việc vật liệu phải được cung ứng liên tục trong thời gian ngắn, dẫn đến tăng chi phí vận chuyển nhanh và lưu kho. Do vậy, chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa yêu cầu tiến độ và ngân sách dự án khi xây nhà xưởng.
Xem thêm: Bảng báo giá thiết kế thi công nhà xưởng trọn gói 2024, chi tiết các hạng mục
Xem thêm: Tiến độ vật liệu và tối ưu nguồn lực trong quản lý tiến độ thi công xây dựng