Trong 7 tháng đầu năm 2024, các dự án FDI tại Việt Nam đạt 1.816 dự án, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc dẫn đầu với 540 dự án, chiếm 29,7% tổng số FDI
FDI vào Việt Nam có thể đạt 40 tỷ USD trong năm 2024
7 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số lượng dự án FDI cũng tăng mạnh, đạt 1.816 dự án, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với gần 6,52 tỷ USD, theo sau là Hong Kong với hơn 2,19 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Tuy nhiên, xét về số lượng dự án mới, Trung Quốc lại là quốc gia dẫn đầu với 540 dự án, chiếm tới 29,7% tổng số dự án FDI tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đứng thứ 25/60 quốc gia thu hút vốn FDI hấp dẫn nhất thế giới, với nền kinh tế ổn định khi duy trì chỉ số CPI ở mức 4% và lạm phát cơ bản chỉ hơn 2%. Việc này đã tạo nên một môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn, giúp Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư lớn. Từ những tín hiệu tích cực của 7 tháng đầu năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kỳ vọng thu hút FDI trong cả năm 2024 có thể đạt mức 39 – 40 tỷ USD. Trong đó, dự kiến khoảng 80% vốn FDI sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như sản xuất công nghiệp và năng lượng tái tạo.
Ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Các dự án FDI nổi bật của Việt Nam trong năm 2024
Dự án nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO
Dự án nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai được đầu tư tại KCN Phú Mỹ II, có diện tích khoảng 25ha với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD. Nhà máy sẽ sản xuất sản phẩm sinh học 1,4-Butanediol sinh học (Bio-BDO) với công suất lên tới 220.000 tấn mỗi năm, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026. Đây là nhà máy sản xuất sợi sinh học từ đường thô đầu tiên tại Việt Nam và châu Á sử dụng công nghệ mới thay thế hoàn toàn nguyên liệu thô truyền thống như than đá. Bên cạnh dự án Bio-BDO, Hyosung cũng đang đẩy mạnh đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu với 1,3 tỷ USD vào nhà máy Hyosung Vina Chemical và khoảng 500 triệu USD vào nhà máy sợi Carbon.
Nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO tại Đồng Nai
Nhà máy Foxconn – Singapore
Ngày 3/7/2024, tập đoàn Foxconn đã chính thức được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép đầu tư cho hai dự án sản xuất các sản phẩm giải trí thông minh và thiết bị hệ thống thông minh với tổng vốn 551 triệu USD. Trong đó, dự án sản xuất sản phẩm giải trí thông minh được đầu tư tại KCN Sông Khoai (Amata), có diện tích 21,5ha với tổng vốn đầu tư 263,7 triệu USD. Nhà máy sẽ sản xuất máy trò chơi Nintendo Switch của công ty điện tử Nintendo – Nhật Bản, bao gồm các bộ phận như tay cầm điều khiển, đế sạc, dây đeo… với công suất thiết kế 4,18 triệu sản phẩm/năm.
Trong khi đó, dự án sản xuất thiết bị hệ thống thông minh có vốn đầu tư đạt 287,2 triệu USD, được xây dựng tại KCN Bắc Tiền Phong (Deep C) với diện tích 12,4ha, công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm. Với hai dự án này, tổng số vốn Foxconn đầu tư xây dựng nhà máy tại Quảng Ninh đã gần chạm mốc 1 tỷ USD, khẳng định tầm quan trọng của địa phương trong chiến lược phát triển của tập đoàn.
KCN Sông Khoai, Quảng Yên, Quảng Ninh – nơi nhà máy Foxconn triển khai dự án
Dự án Công ty TNHH Trina Solar Cell Việt Nam
Trong năm 2024, Thái Nguyên cũng đã thu hút được nhiều dự án FDI lớn, trong đó phải kể đến dự án Công ty TNHH Trina Solar Cell Việt Nam của tập đoàn pin mặt trời Trung Quốc. Dự án được triển khai tại KCN Yên Bình, thành phố Phổ Yên với tổng vốn đầu tư khoảng 11.067 tỷ đồng, tương đương 454 triệu USD. Dự án có quy mô sản xuất lớn với công suất 11.570 tấn thanh silic đơn tinh thể/năm, 555 triệu tấm silic đơn tinh thể/năm và 560 triệu tấm pin năng lượng mặt trời/năm. Đây là dự án thứ 3 Trina Solar Cell xây dựng nhà máy tại Thái Nguyên, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn tại tỉnh lên 932 triệu USD.
Dự án Gokin Solar Hải Hà Việt Nam
Dự án sản xuất tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện của công ty Gokin Solar Hồng Kông – Trung Quốc được triển khai tại KCN Texhong Hải Hà, Quảng Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 275 triệu USD, với công suất thiết kế gần 1,4 tỷ sản phẩm mỗi năm. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thiện hạ tầng và đi vào hoạt động vào tháng 10/2025.
KCN Texhong Hải Hà, Quảng Ninh
Dự án nhà máy Electronic Tripod
Tháng 3/2024, Bà Rịa – Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy Electronic Tripod của Đài Loan với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Dự án được triển khai xây dựng tại KCN Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu, có diện tích trên 18 ha, trở thành dự án có quy mô lớn nhất tại KCN này. Nhà máy Electronic Tripod sẽ tập trung sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử, với công suất cả 2 giai đoạn là 1.800 tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý III/2026, giai đoạn 2 từ quý IV/2029 với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực khoảng 1.700 người.
Dự án nhà máy Pandora Production Việt Nam
Với quyết định mở rộng hoạt động ra ngoài Thái Lan, Pandora – hãng trang sức lớn nhất thế giới từ Đan Mạch đã chọn Việt Nam làm điểm đến cho nhà máy sản xuất mới. Vào tháng 5/2024, Pandora chính thức khởi công xây dựng nhà máy tại Bình Dương mang tên Pandora Production Việt Nam tại khu công nghiệp VSIP 3, với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD, tương đương khoảng 3.800 tỷ đồng. Đây là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng bên ngoài Thái Lan và cũng là cơ sở sản xuất thứ ba của tập đoàn. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2026, với công suất sản xuất 60 triệu món trang sức/năm, giúp nâng cao năng lực sản xuất toàn cầu của Pandora lên khoảng 50%, đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược phát triển của tập đoàn.
Nhà máy Pandora Production Việt Nam sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo. Trong ảnh là nhà máy sử dụng điện mặt trời của Pandora tại Thái Lan.
Xem thêm: Những điểm mới trong Luật đất đai 2024 ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư FDI
Xem thêm: Tổng hợp các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam mới nhất