Trách nhiệm của tổng thầu xây dựng đối với công trình

Với công trình xây dựng có nhiều bên tham gia, quyền lợi và trách nhiệm của tổng thầu xây dựng được nêu rõ trong hợp đồng ký kết và được quy định rõ ràng theo Luật Xây Dựng của Việt Nam, đặc biệt là trong Nghị Định 37/2015/NĐ-CP.

Trách nhiệm của tổng thầu xây dựng trong quá trình thi công

Lập kế hoạch và tổ chức thi công xây dựng

Sau khi tiếp nhận mặt bằng xây dựng, tổng thầu xây dựng có trách nhiệm lập hệ thống quản lý thi công; nêu rõ sơ đồ tổ chức, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác quản lý thi công và thông báo đến nhà đầu tư và các bên liên quan.

Bên cạnh đó, nhà thầu cần trình chủ đầu tư chấp thuận các kế hoạch như: kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động, các biện pháp kiểm soát chất lượng vật liệu, thiết bị sử dụng cho công trình; biện pháp thi công; tiến độ thi công xây dựng; kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công trình và các nội dung khác trong hợp đồng.

kiem tra cac hang muc

Sau khi được nhà đầu tư chấp thuận, nhà thầu tiến hành tổ chức thi công theo đúng thiết kế và kế hoạch đã đưa ra.

Quản lý tiến độ và chất lượng công trình

Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn bao gồm việc đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ thi công và hoàn thành các hạng mục và bàn giao cho chủ đầu tư theo hợp đồng đã ký kết.

Trong quá trình thi công tổng thầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện các công tác kiểm tra, thử nghiệm và kiểm định vật liệu, thiết bị công trình trước và trong khi thi công theo yêu cầu thiết kế và quy định hợp đồng.

Ngoài ra, trách nhiệm của tổng thầu xây dựng còn bao gồm lập nhật ký thi công xây dựng công trình và sử dụng chi phí về an toàn lao động trong thi công xây dựng đúng mục đích. Sau khi công trình được nghiệm thu, trách nhiệm của tổng thầu xây dựng là hoàn trả mặt bằng, di chuyển máy móc thiết bị, vật tư của mình ra khỏi công trường theo hợp đồng đã ký kết.

Đảm bảo an toàn lao động

Theo quy định về tổng thầu xây dựng, người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đã được chủ đầu tư chấp thuận. Nhà thầu cần phối hợp với các bên liên quan để kiểm tra, rà soát kế hoạch và các biện pháp đảm bảo an toàn từ đó đề xuất các phương án điều chỉnh phù hợp với thực tế.

rà soát kế hoạch và các biện pháp đảm bảo an toàn

Nhà thầu có trách nhiệm hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp phòng tránh tai nạn khi thi công xây dựng; kiểm tra, giám sát và quản lý số lượng người lao động trên công trường đảm bảo người lao động tuân thủ đúng các yêu cầu về an toàn lao động.

Khi phát hiện ra các vi phạm, các sự cố gây mất an toàn lao động, người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu phải có biện pháp xử lý kịp thời, quyết định tạm dừng thi công đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ các quy định về an toàn lao động.

Trách nhiệm của tổng thầu xây dựng đối với chủ đầu tư

Đảm bảo chất lượng và tiến độ bàn giao theo hợp đồng

Đối với chủ đầu tư, trách nhiệm của tổng thầu xây dựng là thi công theo đúng hợp đồng, thiết kế và giấy phép xây dựng; báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường theo quy định của hợp đồng. Trong quá trình thi công, nhà thầu cần kịp thời thông báo cho chủ đầu tư nếu có sự sai khác giữa hồ sơ thiết kế so với điều kiện thực tế; kiểm soát chất lượng thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng. Ngoài ra, hồ sơ quản lý chất lượng của từng hạng mục xây dựng cũng phải phù hợp với thời gian thi công thực tế tại công trường.

Đảm bảo chất lượng và tiến độ bàn giao theo hợp đồng

Khắc phục sai sót những hạng mục nhà thầu đảm nhiệm

Tổng thầu có trách nhiệm khắc phục các sự cố sai sót đối với những công việc do mình đảm nhiệm, thực hiện hoạt động thí nghiệm xây dựng, trắc đạc, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế và kiểm tra chạy thử đơn động và liên động theo kế hoạch trước khi đề nghị nghiệm thu.

Bảo hành, bảo trì theo quy định hợp đồng

Tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật Việt Nam về kỹ thuật, chất lượng xây dựng công trình và các cam kết khác trong thời gian được quy định tại hợp đồng. Riêng đối với các thiết bị máy móc thời gian bảo hành theo hãng sản xuất. Trong trường hợp các bên khác do chủ đầu tư chỉ định tác động vào các hạng mục công trình nhà thầu đã thi công thì nhà thầu sẽ không chịu trách nhiệm bảo hành hạng mục đó.

Bảo hành, bảo trì theo quy định hợp đồng

Trách nhiệm của tổng thầu xây dựng đối với nhà thầu phụ

Tổng thầu có trách nhiệm quản lý thầu phụ, kiểm tra công tác thi công xây dựng đối với các hạng mục do nhà thầu phụ thực hiện, đảm bảo công tác thi công của thầu phụ không ảnh hưởng đến chủ đầu tư, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung.

Tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ cũng như các sai sót trong công việc do nhà thầu phụ đảm nhận. Ngoài ra, tổng thầu không được giao lại toàn bộ công việc cho nhà thầu phụ; đảm bảo tiến độ, chất lượng các hạng mục mà thầu phụ thực hiện đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định pháp luật và hợp đồng xây dựng.

 

Xem thêm: Các yếu tố giúp nhà đầu tư lựa chọn tổng thầu uy tín

Xem thêm: Luật lao động Việt Nam và Nhật Bản khác nhau như thế nào?

Chia sẻ