Danh sách các FTA đang có hiệu lực tại Việt Nam, update 2024

Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được triển khai, giúp các doanh nghiệp FDI được miễn, giảm thuế xuất/nhập khẩu lên tới 100% trên nhiều thị trường quốc tế lớn như Anh, châu Âu, khu vực Đông Nam Á…

Doanh nghiệp FDI hưởng lợi từ các hiệp định thương mại

Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn từ các hiệp định thương mại tự do như miễn, giảm thuế xuất/nhập khẩu lên tới 100%, đơn giản hóa thủ tục hải quan, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu, ASEAN… Như vậy, có thể thấy các hiệp định thương mại đang triển khai ở Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp FDI giảm bớt thủ tục, chi phí và thời gian thông quan, mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc các nước thành viên công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết quả kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm cũng giúp đẩy nhanh quá trình xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số hiệp định thương mại nổi bật tại Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

EVFTA có hiệu lực từ 01/08/2020, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tại Việt Nam khi hợp tác với 27 quốc gia là thành viên của EU. Hiệp định này miễn giảm thuế nhập khẩu tới 99% số dòng thuế với lộ trình trong vòng 10 năm, giúp các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản… tăng sức cạnh tranh trên thị trường châu Âu. Đồng thời, sản phẩm nhập khẩu từ EU như máy móc, thiết bị công nghiệp và dược phẩm… cũng được miễn, giảm thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tối ưu chi phí, mở rộng hoạt động sản xuất hiệu quả.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

CPTPP là hiệp định thương mại giữa 11 quốc gia bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Canada, Chile, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019, 65,8% số dòng thuế đã được đưa về mức 0%, con số này sẽ tăng lên 86,5% vào năm thứ 4 và đạt 97,8% vào năm thứ 11. Nhờ đó, các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam như hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm điện tử… được hưởng lợi lớn khi thâm nhập vào thị trường CPTPP. Ngược lại, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng có thể dễ dàng nhập khẩu nguyên liệu dệt may, hóa chất, máy móc, thiết bị và công nghệ cao từ các nước thành viên mà không gặp bất kỳ rào cản thuế quan nào.

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (AFTA)

AFTA có hiệu lực từ năm 1993, đã thiết lập lên khu vực thương mại tự do giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN bao gồm: Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Lào, Brunei, Myanmar và Philippines. Với việc giảm thuế nhập khẩu xuống chỉ còn 0 – 5% cho hầu hết các loại hàng hóa, AFTA đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong khu vực. Điều này giúp các sản phẩm như hàng tiêu dùng, nông sản, điện tử, linh kiện, ô tô và phụ tùng ô tô, thực phẩm chế biến… được luân chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia, tăng cường cơ hội hợp tác và phát triển kinh tế khu vực. Nhờ những ưu đãi này, doanh nghiệp FDI khi xây nhà máy tại Việt Nam có thể tối ưu hóa chi phí, mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường ASEAN.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA)

Hiệp định thương mại tự do UKVFTA đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, ngay sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. UKVFTA kế thừa các cam kết từ EVFTA, mang đến lợi thế lớn cho doanh nghiệp đầu tư  FDI tại Việt Nam khi Vương quốc Anh xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong vòng 6 năm. Điều này mở ra cơ hội to lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Anh với chi phí thấp hơn, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Tổng hợp các hiệp định thương mại đang triển khai tại Việt Nam

Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do đang được triển khai, mang lại nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp FDI. Những hiệp định này giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường quốc tế và tận dụng tối đa các ưu đãi về thuế quan.

STTTên hiệp địnhTình trạngCác thành viên
1AFTACó hiệu lực từ 1993ASEAN
2ACFTACó hiệu lực từ 2003ASEAN, Trung Quốc
3AKFTACó hiệu lực từ 2007ASEAN, Hàn Quốc
4AJCEPCó hiệu lực từ 2008ASEAN, Nhật Bản
5VJEPACó hiệu lực từ 2009Việt Nam, Nhật Bản
6AIFTACó hiệu lực từ 2010ASEAN, Ấn Độ
7AANZFTACó hiệu lực từ 2010ASEAN, Australia, New Zealand
8VCFTACó hiệu lực từ 2014Việt Nam, Chi Lê
9VKFTACó hiệu lực từ 2015Việt Nam, Hàn Quốc
10VN – EAEU FTACó hiệu lực từ 2016Việt Nam, Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan
11CPTPPCó hiệu lực từ 14/1/2019Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Vương quốc Anh
12AHKFTACó hiệu lực với toàn bộ các nước thành viên từ ngày 12/02/2021.ASEAN, Hong Kong (Trung Quốc)
13EVFTACó hiệu lực từ 01/08/2020Việt Nam, EU
14UKVFTACó hiệu lực chính thức từ 01/05/2021Việt Nam, Vương quốc Anh
15RCEPCó hiệu lực từ 01/01/2022ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và New Zealand
16VIFTAChính thức ký kết ngày 25/07/2023Việt Nam, Israel

Tổng hợp các hiệp định FTA đang trong giai đoạn đàm phán

  1. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EFTA
    • Khởi động đàm phán tháng 5/2012
    • Các thành viên: Việt Nam và các nước Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein
  2. Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada
    • Tái khởi động đàm phán tháng 11/2021
    • Các thành viên: ASEAN – Canada
  3. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – UAE
    • Đang trong quá trình khởi động đàm phán
    • Các thành viên: Việt Nam và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất

Xem thêm: Việt Nam xây dựng chính sách phát triển chuyên biệt cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Xem thêm: Những điểm mới trong Luật đất đai 2024 ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư FDI

Chia sẻ