Xu hướng phát triển lĩnh vực chế xuất tại Việt Nam 2024: phát triển bền vững, tập trung đẩy mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao.

Năm 2023 khối doanh nghiệp FDI đóng góp 259,95 tỷ USD, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, lĩnh vực chế xuất trở thành lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam nhờ những ưu đãi thuế hấp dẫn.

Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành lĩnh vực chế xuất

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, tính đến tháng 12/2023 trị giá xuất khẩu của cả nước là 337,62 tỷ USD. Trong đó 7 mặt hàng thuộc lĩnh vực chế xuất là hàng điện tử và linh kiện; dệt may, da giày, đồ gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy tính sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD đã đạt chiếm 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp chế xuất

Các dự án FDI lớn đã đóng góp mạnh mẽ vào lĩnh vực chế xuất và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây. Năm 2023, khối doanh nghiệp FDI đóng góp 259,95 tỷ USD, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm 99,6% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại; hơn 98% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính; 93% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc, hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may..

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có 414 khu công nghiệp trong đó có 4 khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích đất 128.126 ha, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn đến đặt nhà máy chế xuất như Toyota, Samsung, Adidas, Apple…

Tại sao các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực chế xuất tại Việt Nam

Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp chế xuất (EPE) bởi có nền kinh tế – chính trị ổn định, phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công giá rẻ, đây là yếu tố quan trọng để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư FDI. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam thuộc top đầu các quốc gia có chi phí nhân công cạnh tranh nhất hiện nay với mức lương trung bình của người lao động là 334 USD/tháng. Mức lương này thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan là 603 USD/tháng, Malaysia 982 USD/tháng, Campuchia là 543 USD/tháng, Singapore là 5.600 USD/tháng…

Mức lương trung bình của lao động Việt Nam so với các nước khác (usd/tháng)

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do như FTA, ATIGA giúp các doanh nghiệp được miễn giảm thuế xuất khẩu sang các nước EU và ASEAN. Đặc biệt các doanh nghiệp chế xuất đầu tư tại Việt Nam còn được hưởng các chính sách ưu đãi của chính phủ như:

  • Miễn thuế xuất/nhập khẩu: doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạo tài sản cố định và được miễn thuế xuất khẩu đối với hàng hóa từ khu chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.
  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có kinh tế – xã hội khó khăn được hưởng thuế suất ưu đãi 20% trong thời gian 10 năm. Các doanh nghiệp còn được miễn thuế bổ sung trong 2 hoặc 4 năm, giảm 50% thuế từ 4 – 9 năm theo nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
  • Ưu đãi tiền sử dụng đất: Doanh nghiệp chế xuất được miễn tiền thuê đất lên tới 7 năm theo nghị định 46/2014/NĐ-CP.

Các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam

Ngoài ra, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc bị tăng thuế, các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc dần rút khỏi thị trường này và một số doanh nghiệp lớn đã chuyển dịch một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Hơn hết, xu hướng tiêu dùng của thế giới đang thay đổi theo hướng chú trọng đến các sản phẩm xanh, sản phẩm bền vững. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng phát triển công nghiệp xanh khi Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách thu hút và xây dựng các khu chế xuất sinh thái, thân thiện với môi trường. Điều này cũng là yếu tố hấp dẫn nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực chế xuất tại Việt Nam.

Xu hướng phát triển của lĩnh vực chế xuất tại Việt Nam

Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam đã đưa ra định hướng phát triển cho ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực chế xuất nói riêng theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững; tập trung vào các ngành công nghệ cao và khu chế xuất công nghệ sinh học. Việt Nam từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; từ chủ yếu dựa trên số lượng chuyển sang dựa trên chất lượng.

Xu hướng phát triển của lĩnh vực chế xuất tại Việt Nam

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Đối với các khu chế xuất mới thành lập, yêu cầu phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án có kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động và tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh lớn trên thị trường.

Các dự án quy hoạch và mở rộng các khu chế xuất, hoàn thiện hạ tầng giao thông được chú trọng. Việt Nam đẩy mạnh phát triển các khu chế xuất tại các tỉnh có vị trí hạ tầng thuận lợi, tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam.

Những thách thức lĩnh vực chế xuất tại Việt Nam đang phải đối mặt

Bên cạnh những thuận lợi đang có, lĩnh vực chế xuất tại Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với khá nhiều thách thức như phải cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu với các nước trong khu vực và thế giới có thương hiệu và dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Việc đáp ứng yêu cầu về xanh hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam còn khá chậm, trong khi yêu cầu về vấn đề môi trường, phát thải ngày càng trở nên cấp bách, xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sản phẩm bền vững ngày một gia tăng.

nhà máy công nghiệp chế xuất tại Việt Nam

Ngoài ra, các ngành, sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, nội lực của ngành công nghiệp còn yếu phải phụ thuộc nhiều vào các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, trình độ khoa học công nghệ của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Để khắc phục những khó khăn mà lĩnh vực chế xuất đang đối mặt, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách phát triển bền vững như nghị quyết 50-NQ/TW, quyết định 667/QĐ-TTg… nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư FDI, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực chế xuất của Việt Nam.

Xem thêm: Những điều nhà đầu tư nước ngoài cần biết về Luật đầu tư Việt Nam – Cập nhật 2023

Xem thêm: Báo cáo thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam 2023: tiếp đà tăng trưởng, hấp dẫn nhà đầu tư trên toàn thế giới

Chia sẻ