FDI vào Quảng Ninh trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,78 tỷ USD vốn FDI, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước, gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thu hút FDI tại Quảng Ninh đứng thứ 2 cả nước
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã thu hút gần 1,78 tỷ USD vốn FDI, gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ 2023. Với kết quả này, vốn FDI trong 8 tháng đầu năm của Quảng Ninh đã chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau Bắc Ninh. Đáng chú ý các dự án đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh thường có vốn đầu tư lớn và tập trung nhiều ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho tập đoàn Foxconn
Cụ thể, trong năm 2024 tỉnh đã thu hút được 2 dự án mới của tập đoàn Foxconn với tổng vốn lên tới 551 triệu USD, dự án tấm silic đơn tinh thể của Gokin Solar với tổng vốn 274,8 triệu USD. Bên cạnh đó, Tenma Việt Nam cũng đã đầu tư 56 triệu USD vào dự án sản xuất linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc; IKO Thompson Việt Nam triển khai dự án sản xuất vòng bi và thiết bị chuyển động tuyến tính với vốn đầu tư 57 triệu USD. Các dự án này đều phù hợp với mục tiêu, định hướng của Quảng Ninh là ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tiêu chí thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Đa dạng các giải pháp trong thu hút FDI
Trong giai đoạn 2021 – 2025 Quảng Ninh sẽ phấn đấu thu hút vốn FDI đạt 10 tỷ USD, giai đoạn 2026 – 2030 là 18,6 tỷ USD, bình quân mỗi năm thu hút trên 3,7 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu này Quảng Ninh đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp nhằm thu hút FDI hiệu quả.
Đầu tư hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại
Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phát triển 5 Khu kinh tế và 23 KCN, trong đó ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho 16 KCN còn lại theo quy hoạch với diện tích gần 12.000 ha. Đến nay, Quảng Ninh đã mở rộng diện tích 11 CCN lên 577,55 ha, trong đó 6 CCN đã hoàn thiện hạ tầng và đi vào hoạt động, 5 CCN khác đang trong giai đoạn chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật.
Ban hành chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư
Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đối với các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào KCN, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp FDI tại Quảng Ninh trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất và tiếp cận vốn tín dụng, giúp nhà đầu tư giảm thiểu thời gian và chi phí triển khai dự án hiệu quả.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế
Quảng Ninh đã tích cực mở rộng hợp tác quốc tế bằng cách tham gia nhiều hội chợ thương mại và triển lãm quốc tế như Hội chợ ASEAN – Trung Quốc, Hội chợ biên giới Trung – Việt, và hội chợ OCOP thường niên. Đồng thời, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa Quảng Ninh ra quốc tế, thu hút đầu tư từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khối ASEAN.
Xem thêm: Xây dựng nhà máy tại Quảng Ninh: Tiềm năng kinh tế, chính sách ưu đãi cho FDI và danh sách các KCN
Xem thêm: Tổng hợp các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam mới nhất