Hiểu rõ các quy định và lưu ý trong quá trình khảo sát địa chất công trình xây dựng cho nhà máy, từ việc định vị lỗ khoan, các thí nghiệm phổ biến, đến các thông số quan trọng,… giúp nhà đầu tư dễ dàng giám sát và đảm bảo chất lượng công trình.
Quy định về khảo sát địa chất công trình nhà máy
Việc khảo sát địa chất cho nhà máy, đặc biệt trong khu công nghiệp, cần lưu ý:
- Hoàn thành thủ tục thuê/mua đất công nghiệp trước khi khảo sát: Sau khi hoàn thành các thủ tục đất đai, có sơ đồ thửa đất và bản vẽ sơ bộ tổng mặt bằng quy hoạch, vị trí và số lượng hố khoan, chủ đầu tư thông báo với BQL KCN và đề nghị hợp tác về phương án khảo sát địa chất.
- Giám sát khảo sát xây dựng: Chủ đầu tư nên cử người có chuyên môn để giám sát công tác khảo sát hoặc thuê đơn vị tư vấn giám sát, để đảm bảo thực hiện khảo sát đúng quy trình, giảm thiểu sai sót, thu thập dữ liệu chính xác cho thiết kế và thi công.
- Công tác xử lý số liệu và báo cáo: Toàn bộ dữ liệu khảo sát phải được kiểm tra, hiệu chỉnh và lập thành báo cáo đầy đủ, bao gồm cả phần thuyết minh và phụ lục. Báo cáo này là căn cứ để tính toán và thiết kế kết cấu nền móng chịu lực cho công trình.
Quy trình khảo sát địa chất công trình xây dựng và những lưu ý quan trọng
Định vị các lỗ khoan
Định vị lỗ khoan địa chất là bước đầu tiên và là cơ sở để thu thập các dữ liệu địa chất. Vị trí, số lượng, và độ sâu các lỗ khoan cần tuân thủ chỉ dẫn từ đơn vị thiết kế. Bất kỳ sai lệch nào cũng có thể dẫn đến sai số trong việc đánh giá địa chất, gây rủi ro cho thiết kế và thi công.
Khoan lấy mẫu thí nghiệm
Sau khi khoan thăm dò và thu thập các lớp mẫu đất đá, các thí nghiệm tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm sẽ được tiến hành để xác định các tính chất cơ lý của đất.
Một số thí nghiệm tại hiện trường phổ biến như thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT) để đánh giá độ chặt và khả năng chịu tải của đất trực tiếp tại vị trí khoan địa chất; thí nghiệm cắt cánh để xác định sức kháng cắt của đất yếu, đặc biệt là đất sét bão hòa nước… Một số thí nghiệm tại phòng thí nghiệm để đánh giá độ ổn định và khả năng chịu tải thực tế của nền đất, phổ biến như thí nghiệm nén cố kết, thí nghiệm tĩnh điện và chịu tải…
Đo mực nước ngầm
Mực nước ngầm liên quan đến độ rỗng và khả năng chịu tải của các lớp đất. Đối với các công trình yêu cầu đào đắp sâu, nếu gặp phải mạch nước ngầm có thể làm tăng nguy cơ sụt lún. Do đó, đo mực nước ngầm trong các hố địa chất khoan nhằm đánh giá nguy cơ sạt lở và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho nền móng công trình.
Ngoài ra, với dự án xây dựng nhà máy ở các khu vực có địa hình phức tạp, tại các tỉnh miền núi như Phú Thọ hoặc Hòa Bình, nhà đầu tư nên khảo sát kỹ cao độ địa hình kết hợp với đo mực nước ngầm. Những khu vực này thường có nguy cơ cao xói mòn, sạt lở do mưa lớn, việc khảo sát kỹ địa hình và mực nước ngầm giúp đưa ra các giải pháp kịp thời như tường chắn đất, gia cố nền…
Dự án xây dựng nhà máy ở khu vực miền núi như Phú Thọ, Hòa Bình… cần chú trọng khảo sát địa hình cùng với mực nước ngầm để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Lập báo cáo khảo sát địa chất
Tất cả dữ liệu thu thập được từ quá trình khảo sát và thử nghiệm sẽ được tổng hợp trong báo cáo khảo sát địa chất. Báo cáo này cung cấp các thông số cần thiết để thiết kế nền móng, kết cấu chịu lực, và các giải pháp kỹ thuật liên quan.
Khảo sát địa chất là nền tảng cho thiết kế nhà máy và các giải pháp chịu lực cho nhà xưởng. Nhà đầu tư nên chọn những đơn vị có kinh nghiệm và năng lực để đảm bảo độ chính xác và tin cậy của kết quả. Ngay cả khi khu vực xây dựng có địa hình và địa chất đơn giản, việc khảo sát chi tiết vẫn là bước không thể thiếu để tránh các vấn đề phát sinh sau này.
Xem thêm: Khảo sát địa chất nhà máy: Nền tảng thiết kế và giải pháp chịu lực
Xem thêm: 7 hạng mục quan trọng cần lưu ý trong quá trình thiết kế nhà máy