Tùy vào vị trí và yêu cầu chống thấm, nhà đầu tư có thể lựa chọn các giải pháp thi công chống thấm phù hợp, giúp tối ưu chi phí và đảm bảo hiệu quả.
Chống thấm vị trí đường ống
Các vị trí đường ống xuyên qua thành bể nước, qua sàn khu vệ sinh, sàn mái như ống cấp nước, ống thoát nước đòi hỏi phải được chống thấm hiệu quả để tránh tình trạng nước bị rò rỉ gây ra ẩm mốc, làm hỏng kết cấu công trình.
Sử dụng vữa rót không co ngót và thanh trương nở
Kết hợp vữa không co ngót và thanh trương nở là giải pháp chống thấm hiệu quả được nhiều nhà thầu ứng dụng. Trong đó, vữa không co ngót là vữa xi măng thủy lực, khi đông kết trong điều kiện môi trường thích hợp sẽ không bị co lại, do đó nhà thầu có thể kiểm soát được sự giãn nở của vữa một cách chính xác. Sản phẩm này có khả năng chống thấm, chống ăn mòn cao, chịu lực tốt, cường độ chịu nén có thể đạt mức M400, M600, M800.
Bên cạnh đó, thanh trương nở thường được sản xuất từ cao su butyl kết hợp với các hóa chất có tính thủy trương như polymer hoặc muối bentonite trương nở. Khi tiếp xúc với nước, thanh trương nở sẽ giãn nở, tạo áp suất nén lên các vị trí của khe nối, ngăn không cho nước thấm sâu vào sâu bên trong. Ngoài ra, sản phẩm chịu được áp suất thủy tĩnh lớn lên tới 70m, có hiệu quả chống thấm lâu dài giúp nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí bảo hành bảo trì đáng kể.
Sử dụng lưới thủy tinh gia cường chống thấm
Lưới thủy tinh chống thấm là loại lưới được dệt từ các sợi thủy tinh thường được sử dụng kết hợp với các chất chống thấm lỏng. Lưới thủy tinh được ví như sợi cốt của màng chống thấm, làm cho nó có khả năng chịu lực kéo tốt hơn, chống lại việc bị rách trong trường hợp bề mặt cần chống thấm bị co ngót, nứt rạn.
Sản phẩm được thiết kế cho phép các chất chống thấm lỏng có thể xuyên qua và bao bọc tạo thành hệ thống màng hiệu suất cao, chịu lực tốt. Lưới thủy tinh chống thấm còn có khả năng chống oxy hóa, ngăn chặn sự ăn mòn của axit, chống kiềm và chịu nước hiệu quả. Sản phẩm có bề mặt bằng phẳng, khả năng định vị tốt, đảm bảo không bị biến dạng giúp vị trí chống thấm được cố định, chắc chắn.
Chống thấm bể nước
Để chống thấm bể nước đạt chuẩn, ta cần kết hợp chống thấm ngược và chống thấm thuận, đảm bảo nước không thể xâm nhập từ bên ngoài vào trong bể và ngược lại nước từ trong bể không thể rò rỉ ra bên ngoài.
Chống thấm bằng chất chống thấm dạng tinh thể
Để ngăn cản nước từ bên ngoài vào trong bể, việc sử dụng chất chống thấm tinh thể rắc dưới đáy bể hoặc trộn với bê tông là giải pháp tối ưu được nhiều người lựa chọn. Tinh thể chống thấm khi gặp nước sẽ phản ứng và tạo ra chất mới bịt kín các lỗ bị rỗ trong bê tông, giúp ngăn chặn nước xâm nhập và giảm thấm hiệu quả.
Bên cạnh đó, để chống thấm thành bể ta có thể sử dụng phương pháp quét màng chống thấm bằng vật liệu chuyên dụng nhằm đảm bảo bể nước được chống thấm từ đáy bể đến thành bể.
Chống thấm thuận bằng quét màng chống thấm
Một trong những biện pháp chống thấm tối ưu để ngăn chặn tình trạng nước bên trong bể bị rò rỉ ra ngoài là sử dụng chống thấm màng lỏng. Vật liệu chống thấm màng lỏng có nhiều loại khác nhau, nhà đầu tư có thể lựa chọn loại gốc bitum, gốc xi măng hay gốc silicate… tùy vào yêu cầu của từng vị trí chống thấm.
Đối với bể nước ăn, chất chống thấm cần đáp ứng được nhu cầu không độc hại, an toàn cho sức khỏe con người. Lựa chọn chất chống thấm có chứng nhận an toàn đối với sức khỏe do một tổ chức uy tín cấp là một việc cần thiết mà nhà đầu tư cần chú ý.
Chống thấm tường và nền tầng hầm
Chống thấm tường bằng biện pháp quét màng chống thấm
Sử dụng sơn chống thấm như sơn epoxy, acrylic là những phương pháp chống thấm phổ biến và hiệu quả. Các loại sơn này có khả năng chịu nước cao, độ bám dính tốt, khi thi công các lớp sơn sẽ thẩm thấu sâu vào bên trong bề mặt vữa, phủ kín các vết nứt bằng hợp chất các gốc chống nước, từ đó chống thấm hiệu quả cho tường tầng hầm.
Sử dụng băng cản nước chống thấm
Chống thấm nền tầng hầm có thể áp dụng phương pháp sử dụng chất chống thấm tinh thể giống quy trình thi công chống thấm đáy bể nước. Tuy nhiên đối với nền tầng hầm, đòi hỏi nhà thầu cần phải sử dụng thêm băng cản nước để chống thấm các vị trí mạch ngừng.
Băng cản nước thường được làm từ nhựa PVC có độ co giãn tốt, độ bền cao và chống được ăn mòn từ hóa chất/kim loại. Vật liệu này được chèn vào khe các mạch ngừng bê tông để ngăn chặn nước từ bên ngoài thấm qua các vị trí này gây ra ẩm mốc, hư hại cho công trình.
Chống thấm sàn mái, sàn khu vệ sinh
Sử dụng màng khò chống thấm
Màng khò chống thấm được sản xuất từ hỗn hợp bitum và Atactic Polypropylene, bên trong là lưới Polyester. Sản phẩm có khả năng chống thấm và chịu nhiệt tốt, độ bền cao, khả năng chịu tải trọng lớn phù hợp để chống thấm sàn mái của các công trình lớn, công trình ngoài trời, cũng như phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Tuy nhiên do có độ dày và kích thước lớn nên tại những vị trí không bằng phẳng, khúc khủy cần phải cắt ghép màng, đòi hỏi đội ngũ thi công phải có kỹ thuật cao, thực hiện đúng cách để tránh tình trạng dễ dàng bong tróc sau một thời gian sử dụng.
Sử dụng bê tông chống thấm với phụ gia penetron
Penetron là phụ gia chống thấm tinh thể có thành phần gồm xi măng/cát tinh thạch anh và các hoạt chất chuyên biệt khác. Các hoạt chất này sẽ phản ứng với nước bên trong bê tông tạo ra cấu trúc tinh thể không hòa tan giúp hàn gắn các vết nứt trong bê tông. Do đó bê tông sẽ được bịt kín thường xuyên giúp ngăn chặn sự thâm nhập của nước và các tác nhân khác. Sản phẩm có khả năng kháng hóa, chống xâm thực cao và không chứa hàm lượng hữu cơ dễ bay hơi, vô cùng an toàn cho người sử dụng.
Penetron sẽ được trộn vào xe bồn chở bê tông ngay tại công trường trước thời điểm xả vào máy bơm. Phụ gia này sẽ được hòa lẫn với nước và xi măng rồi đổ vào phễu của xe bồn, tiến hành quay nhanh trong thời gian từ 2-3 phút để cho các thành phần được trộn lẫn vào nhau.
Xem thêm: Những lưu ý khi thiết kế và thi công hệ thống cơ điện nhà máy
Xem thêm: Xu hướng xây dựng nhà máy công nghiệp 2024