Chính sách về thuế tối thiểu chính thức được áp dụng từ ngày 01/01/2024, theo đó doanh nghiệp FDI có tổng doanh thu từ 750 triệu USD trở lên trong 2 năm sẽ chịu mức thuế tối thiểu 15%. Liệu điều này có ảnh hưởng đến tình hình thu hút FDI tại Việt Nam – quốc gia đang triển khai rất nhiều ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài?
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
Thuế tối thiểu toàn cầu, do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD khởi xướng, quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ phải chịu thuế thu nhập ít nhất là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EURO (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Nếu được hưởng mức thuế thấp hơn 15% tại quốc gia đang đầu tư thì doanh nghiệp sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại cho quốc gia mà họ có trụ sở chính để đủ mức 15%. Dự kiến, loại thuế này sẽ được áp dụng từ 01/01/2024. Hiện nay, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng chính sách này ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Thuế, Việt Nam có khoảng 335 dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, các khu kinh tế và các khu công nghệ cao có khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu như: Samsung, Intel, Sharp, Bosch,…Tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này hiện đang chiếm gần 30% tổng số vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD). Theo các chuyên gia, Việt Nam nên có biện pháp sớm ứng phó với tình trạng này để có lợi thế về cạnh tranh trong việc thu hút FDI và không ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các dự án khác.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu có ảnh hưởng đến sức hút của các nhà đầu tư FDI
Cơ hội cho Việt Nam để phát triển những lợi thế cạnh tranh khác
Trái với một số dự đoán bi quan, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến tình hình đầu tư FDI tại Việt Nam. Đây còn là cơ hội để Việt Nam cải thiện các yếu tố về thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để thu hút các nhà đầu tư tốt hơn.
Từ năm 1991 đến nay, mức thuế thu nhập doanh nghiệp không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Vào giai đoạn 2004, khi thuế TNDN dành cho doanh nghiệp FDI tăng từ 25% lên 28%, vốn FDI vẫn tăng mạnh. Ngoài ra khi thuế TNDN giảm vào 2009 thì vốn FDI thực hiện có xu hướng đi ngang.
Thay đổi trong thuế TNDN cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tính đến năm 2023
(Nguồn dữ liệu: Saigontimes và Tổng Cục thống kê, 2023)
Ngoài thuế, các yếu tố khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn. Về cơ bản, Việt Nam là nước có tình hình an ninh, chính trị ổn định, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát tốt. Hơn nữa, Việt Nam còn có một vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới gần kề với chuỗi cung ứng Châu Á và điều này thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Việt Nam cũng luôn có những chính sách kinh doanh mở rộng đối với các doanh nghiệp FDI trong nước.
Theo các cuộc khảo sát của JETRO và các tổ chức khác, Việt Nam là thị trường 100 triệu dân có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, nhân công giá rẻ và có năng lực. Bên cạnh đó, mức lương tại các nhà máy của Việt Nam cũng chỉ bằng ½ Trung Quốc trong khi năng suất làm việc của nhân công Việt Nam và Trung Quốc là tương đương nhau.
Nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào, mức lương chỉ bằng ½ Trung Quốc
Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ hiện tượng “friendshoring”, trong đó các công ty đa quốc gia có xu hướng đầu tư vào các quốc gia có ít rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Sau chuyến thăm của ông Antony Blinken và các phái đoàn lớn của Mỹ, cùng với cuộc điện đàm của tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã trở thành một điểm đến thu hút đầu tư “friendshoring”.
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng là cơ hội để Việt Nam cải thiện những yếu tố về thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng. Số liệu từ báo cáo của EuroCham vào quý 4 năm 2022, cho thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp FDI từ châu Âu mong muốn Việt Nam cải thiện thủ tục hành chính (70%) và phát triển cơ sở hạ tầng (53%) nhằm tăng khả năng thu hút FDI. Đồng quan điểm, Báo Saigontimes nhận định, Việt Nam cần cải cách triệt để môi trường đầu tư nhằm giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài, gồm tinh giản thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Môi trường đầu tư và các yếu tố cần cải thiện để thu hút FDI
(Nguồn dữ liệu: Saigontimes và EuroCharm2022)
Tổng hợp thông tin từ: Saigontimes, Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ, Tổng cục thống kê, VnEconomy, VTV
Bài viết do đội ngũ nội dung của DELCO Construction thực hiện. Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ nội dung khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO.