Theo báo cáo mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 15 năm qua. Đây không chỉ là kết quả của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn phản ánh rõ nét vị thế ngày càng vững chắc của Việt Nam trong chiến lược đầu tư dài hạn của nhiều tập đoàn quốc tế.
Tín hiệu tích cực từ nội lực ổn định
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, việc Việt Nam duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính linh hoạt và môi trường đầu tư dần cải thiện là những yếu tố giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm các năm 2021 – 2025 (Tỷ USD)
Điều đáng chú ý là không chỉ vốn đăng ký mới tăng trưởng mạnh, mà lượng vốn bổ sung và hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) cũng tăng vọt. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 9,29 tỷ USD, vốn điều chỉnh đạt 8,95 tỷ USD cao gần gấp đôi cùng kỳ năm trước, còn giá trị góp vốn và mua cổ phần đạt hơn 3,28 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm các năm 2021-2025 (tỷ USD)
Vốn thực hiện đạt khoảng 11,7 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 2020, thể hiện cam kết rõ ràng từ phía nhà đầu tư trong việc đưa dự án vào triển khai thực tế.
Dòng vốn hướng về ngành then chốt và vùng tăng trưởng mới
Sự thay đổi không chỉ nằm ở quy mô mà còn ở chất lượng dòng vốn. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu, thu hút gần 12 tỷ USD (hơn một nửa tổng vốn FDI). Đây là lĩnh vực đòi hỏi năng lực triển khai thực tế cao, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào chuỗi cung ứng tại chỗ, trình độ lao động và hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam trong chiến lược dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cùng với đó, bất động sản công nghiệp ghi nhận mức tăng đáng kể, với khoảng 5 tỷ USD vốn đăng ký. Nhu cầu tìm kiếm hạ tầng sẵn sàng, có thể triển khai nhanh chóng, đang thúc đẩy các nhà đầu tư dịch chuyển từ thị trường thăm dò sang các khu công nghiệp có khả năng vận hành thực tế trong 6 -12 tháng.
Về mặt địa lý, dòng vốn FDI đang có xu hướng phân tán, không còn tập trung tuyệt đối vào ba trung tâm truyền thống. Tuy Hà Nội, Bắc Ninh và TP.HCM vẫn giữ vị trí dẫn đầu với hơn 9,5 tỷ USD, nhưng nhiều địa phương như Gia Lai, Long An, Quảng Ninh đang dần nổi lên nhờ chiến lược phát triển công nghiệp rõ ràng, quỹ đất sạch và năng lực giải phóng mặt bằng nhanh.
Nhận định xu hướng dài hạn: Việt Nam điểm đến chiến lược FDI trong chu kỳ tăng trưởng mới
Có thể thấy, Việt Nam đang từng bước xác lập vị thế mới trong chiến lược đầu tư toàn cầu. Việc đạt được những tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại với Mỹ không chỉ mở rộng dư địa xuất khẩu, mà còn củng cố hình ảnh một nền kinh tế cởi mở, ổn định và đáng tin cậy.
Hình minh họa
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 81% doanh nghiệp FDI kỳ vọng điều kiện kinh doanh quý III sẽ ổn định hoặc cải thiện – mức cao nhất trong 3 năm qua. Đặc biệt, kế hoạch xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng, cùng chính sách phát triển lao động chất lượng cao và khung pháp lý mới cho các ngành chiến lược như AI, bán dẫn, công nghệ tài chính, đang tạo nền tảng vững chắc cho dòng vốn thế hệ mới.
Trong bối cảnh đó, cơ hội cũng đồng thời trở thành áp lực tái định vị cho các nhà phát triển hạ tầng công nghiệp. Đáp ứng về kỹ thuật thôi chưa đủ, họ cần chủ động thích nghi với tiêu chuẩn vận hành quốc tế, tích hợp ESG và các mô hình phát triển bền vững ngay từ giai đoạn thiết kế. Khi dòng vốn đang chọn lọc hơn, tiêu chuẩn không còn là tốc độ mà là đồng hành bền vững.
Nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Báo Điện tử Chính phủ
Xem thêm: Top 5 địa phương lý tưởng để đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam sau 01/07/2025
Xem thêm: Việt Nam xây dựng chính sách phát triển chuyên biệt cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Xem thêm: Làn sóng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam