Thi công xây dựng trong giai đoạn nắng gắt khắc nghiệt đòi hỏi các biện pháp quản lý tiến độ như điều chỉnh thời gian làm việc phù hợp, quản lý vật liệu và thiết bị đúng cách, giám sát sức khỏe thường xuyên…
Thi công trong giai đoạn mùa hè nắng gắt không hiếm gặp ở các dự án xây dựng nhà máy, đặc biệt là các nhà máy lớn. Những năm gần đây, hiện tượng El Nino và hiệu ứng nhà kính gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, với những ngày hè nắng nóng có thể lên tới 40 – 42 độ C. Thời gian nắng dài và gay gắt không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe công nhân mà còn tác động xấu đến tiến độ và chất lượng công trình. Vì vậy, thi công trong giai đoạn nắng gắt đòi hỏi nhà thầu cần có kế hoạch quản lý dự án và quản lý an toàn lao động chuyên biệt, đảm bảo sức khỏe công nhân và chất lượng, tiến độ dự án.
Nguy cơ khi thi công trong thời tiết nắng nóng
Nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân mà còn làm giảm hiệu suất lao động, chất lượng công việc và an toàn lao động tại công trường.
- Nguy cơ mất an toàn lao động: Nắng nóng gay gắt làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như say nắng, sốc nhiệt, kiệt sức… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động, cũng như tăng nguy cơ xảy ra tai nạn trong quá trình thi công.
- Giảm hiệu suất lao động: Thời tiết nắng nóng làm người lao động mất nước, mệt mỏi, dẫn tới hiệu suất lao động giảm đáng kể, đặc biệt là các hạng mục ngoài trời.
- Ảnh hưởng vật liệu xây dựng và chất lượng thi công: Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của một số vật liệu xây dựng. Ví dụ, quá trình đông kết của bê tông gặp nhiệt độ quá cao sẽ làm giảm độ bền của bê tông, gia tăng nguy cơ nứt, gãy. Các vật liệu như sắt, thép, gỗ… có thể giãn nở gây ra hiện tượng cong vênh.
- Tăng nguy cơ cháy nổ: các khu vực lưu trữ hóa chất, vật liệu dễ cháy khi gặp nhiệt độ quá cao có thể bốc cháy, dễ bén lửa từ tia lửa điện. Các thiết bị điện dễ bị chập cháy do nhiệt độ cao, động cơ quá tải nhiệt.
- Các máy móc công suất lớn tiêu hao năng lượng nhiều hơn: Nhiệt độ cao khiến các thiết bị, máy móc công suất lớn phải tiêu thụ nhiều năng lượng hơn để duy trì hiệu suất và tản nhiệt, dẫn đến gia tăng chi phí vận hành và giảm tuổi thọ thiết bị.
Các biện pháp quản lý an toàn, đảm bảo tiến độ thi công mùa nắng nóng
Điều chỉnh lịch làm việc phù hợp
Trong những giai đoạn nắng nóng cao điểm, nhiệt độ lên đến 38 – 41 độ C, nhà thầu cần điều chỉnh lịch thi công phù hợp để tránh khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày, có thể bắt đầu công việc từ sáng sớm khi nhiệt độ còn mát mẻ, nghỉ trưa dài hơn và làm việc muộn hơn vào buổi chiều hoặc buổi đêm. Thời gian nghỉ giữa ca của công nhân cần được sắp xếp hợp lý, linh hoạt vào giữa buổi.
Cải thiện môi trường làm việc
Nhà thầu cân nhắc trang bị thêm áo điều hòa, quạt công nghiệp… để cải thiện môi trường làm việc dưới thời tiết nắng nóng. Trên công trường cần có các trạm nước uống đặt ở các vị trí thuận tiện, để cung cấp nước uống đầy đủ và liên tục cho công nhân. Đồng thời, cần bố trí các khu vực nghỉ ngơi có mái che, đảm bảo công nhân có thể tránh nắng và ngồi nghỉ trong bóng mát.
Quản lý vật liệu và thiết bị thi công đúng cách
Tùy tính chất của mỗi loại vật liệu, nhà thầu nên có các biện pháp lưu kho phù hợp. Các vật liệu dễ bị giãn nở, biến dạng do nhiệt độ cao như gỗ, vật liệu hoàn thiện, đường ống nhựa… cần được bảo quản tại những nơi khô ráo, có mái che. Đồng thời, với các máy móc thiết bị thi công lớn, cần tăng cường kiểm tra, bảo trì để đảm bảo hoạt động ổn định, tránh hỏng hóc đột ngột gây gián đoạn tiến độ.
Bảo dưỡng bê tông và tường xây
Việc thi công bê tông nên triển khai vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, để tránh nhiệt độ cao gây thoát nước nhanh, làm giảm độ sụt của bê tông, ảnh hưởng đến việc thi công hoàn thiện như thi công lớp tăng cứng (hardener), đánh mặt. Sau khi đổ bê tông cần sử dụng các biện pháp giữ ẩm như trải bạt tưới nước, phun sương, sử dụng chất bảo dưỡng bề mặt chuyên dụng… để giảm khả năng mất nước do bay hơi, gây nứt nẻ bề mặt bê tông.
Bên cạnh đó, khi thi công xây tường cần tiến hành tưới ẩm đủ cho gạch xây, để tránh việc gạch khô hút nước trong vữa làm giảm khả năng bám dính của vữa với gạch. Sau khi thi công xong khoảng 2-3 tiếng cần tiến hành phủ ẩm hoặc phun sương, tưới nước… để giảm khả năng nứt tường do co ngót.
Tăng cường phòng chống cháy nổ tại công trường
Để phòng chống cháy nổ hiệu quả, vật liệu trên công trường cần được sắp xếp gọn gàng, hóa chất được bảo quản an toàn, đúng cách tại khu vực riêng biệt. Các hoạt động hàn, cắt cần được che chắn kỹ để ngăn chặn tia lửa gây hỏa hoạn. Ngoài ra, công trường phải được trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy, đảm bảo nhân viên được đào tạo và nắm rõ cách sử dụng, cũng như có các buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy định kỳ.
Xem thêm: Các biện pháp phòng chống cháy nổ cho nhà xưởng – khuyến cáo từ công an PCCC
Sẵn sàng kế hoạch quản lý an toàn sức khỏe
Để đối phó với thời tiết nắng nóng, nhà thầu cần chủ động lên kế hoạch giám sát sức khỏe thường xuyên, cũng như có người giám sát chuyên trách để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề do thời tiết nắng nóng gây ra. Nhà thầu nên tổ chức đào tạo, diễn tập các tình huống khẩn cấp tại công trường, sơ cứu cơ bản, đặc biệt là các kỹ năng xử lý say nắng, kiệt sức… Tại công trường nên bố trí tủ thuốc ở những vị trí thuận tiện, trang bị đầy đủ các thiết bị sơ cứu, đảm bảo luôn có phương tiện liên lạc với cơ quan y tế gần nhất, cùng với danh sách các bệnh viện, trạm y tế và số điện thoại khẩn cấp để liên hệ ngay khi cần.
Xem thêm: Quy trình quản lý tiến độ dự án xây dựng nhà máy
Xem thêm: Đảm bảo an toàn và tiến độ xây dựng nhà xưởng mùa mưa bão