Mức giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2024 đạt 25,35 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 9,4% so với năm 2023.
Tổng quan tình hình thu hút FDI vào Việt Nam
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút FDI nhiều nhất năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần năm 2024 tại Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút dòng vốn lớn nhất, với 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký. Bất động sản đứng thứ hai với 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5%.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Năm 2024, Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước với tổng vốn FDI thu hút đạt 5,12 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với năm 2023. Các dự án của các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn như Amkor Technology, Foxconn, Goertek, Victory Giant Technology… tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về thu hút FDI của tỉnh.
Xếp thứ 2 và 3 lần lượt là Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh với 4,94 tỷ USD và 3,04 tỷ USD vốn FDI. Những địa phương này không chỉ có hạ tầng hiện đại, đồng bộ mà còn triển khai nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Các đối tác nổi bật đầu tư vào Việt Nam năm 2024 gồm Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. Singapore là quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất năm 2024 với 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn FDI đăng ký, tăng 31,4% so với năm trước. Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ hai với số vốn 7,06 tỷ USD. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Vốn giải ngân cao kỷ lục, FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng vốn FDI giải ngân đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Điều này phản ánh niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh ổn định tại Việt Nam.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
FDI tiếp tục là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ các doanh nghiệp FDI (bao gồm dầu thô) đạt gần 290,8 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm trước, chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt gần 241,6 tỷ USD, tăng 15,5%, chiếm 63,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Mức xuất siêu gần 49,2 tỷ USD (bao gồm dầu thô) từ khu vực FDI đã giúp Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 23,8 tỷ USD, bù đắp nhập siêu từ khu vực doanh nghiệp trong nước.
Nguồn thông tin: Tổng cục Thống kê, VTV
Xem thêm: Danh sách các dự án FDI tỷ đô vào Việt Nam trong năm 2024
Xem thêm: Các loại thuế ở Việt Nam và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI