Theo các báo cáo số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam, tính đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt hơn 610 tỷ USD, kỳ vọng sẽ chạm mốc kỷ lục 800 tỷ USD vào cuối năm 2024.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh tại các thị trường chủ lực
Theo Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính đến 15/10, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt 610,56 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 315,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với bốn nhóm hàng vượt mốc tỷ USD: máy tính – linh kiện điện tử đạt 55,2 tỷ USD; điện thoại – linh kiện đạt 43,94 tỷ USD; máy móc dụng cụ đạt 40,16 tỷ USD; và dệt may đạt 28,85 tỷ USD.
Số liệu xuất nhập khẩu một số nhóm hàng lớn tại Việt Nam tính đến ngày 15/10/2024 theo Tổng cục Hải Quan
Nhu cầu đơn hàng xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước tăng cũng đã thúc đẩy kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, sắt thép các loại, vải các loại… Lũy kế hết 15/10, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD, tăng 17,5%, đưa thặng dư thương mại lên 21,24 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với dữ liệu xuất nhập khẩu vượt 90 tỷ USD và thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ vượt ngưỡng 100 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm 2024. Cũng trong thống kê 9 tháng, số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt 50,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 38,13 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, giúp kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng.
Cơ hội cho các tháng cuối năm và dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam 2024
Từ nay đến hết năm, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU… với nhiều lễ hội lớn vẫn đang tăng, tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt với các ngành hàng may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản… Riêng xuất khẩu dệt may, Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi ngắn hạn nhờ xu hướng dịch chuyển đơn hàng dệt may từ Bangladesh sang các quốc gia ổn định chính trị hơn như Việt Nam.
Ngoài ra, nhập khẩu hàng hóa thời gian qua cũng tăng trưởng mạnh, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu, tư liệu phục vụ sản xuất. Sự gia tăng này cho thấy việc đẩy mạnh sản xuất và hoàn toàn có thể mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu giai đoạn cuối năm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Nếu các doanh nghiệp có sự nỗ lực cố gắng từ nay đến cuối năm, thì trong cả năm 2024 khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc kim ngạch xuất khẩu khoảng 770-780 tỷ USD. Trong trường hợp thuận lợi, thậm chí có thể đạt đến 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục số liệu xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022. Đây là con số cao, nhưng hoàn toàn có thể đạt được”.
Nguồn thông tin: Báo Đầu tư, Báo Nhân dân,Tổng cục Hải quan Việt Nam
Xem thêm: Tổng hợp các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam mới nhất
Xem thêm: Phát triển công nghiệp phụ trợ: Mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất nội địa