QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Các lỗi thường gặp khi thiết kế chiếu sáng nhà xưởng

Một số lỗi điển hình trong thiết kế chiếu sáng nhà xưởng và cách khắc phục, giúp tối ưu ánh sáng, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Vai trò của chiếu sáng trong nhà xưởng công nghiệp đặc biệt

Hệ thống chiếu sáng phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn ánh sáng nhà xưởng, là yếu tố quan trọng duy trì an toàn lao động trong nhà máy. Môi trường làm việc với ánh sáng thích hợp giúp công nhân duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, đảm bảo năng suất lao động. Môi trường làm việc với điều kiện ánh sáng tốt sẽ tác động tích cực đến tâm lý, giúp giảm căng thẳng và tăng cường sự tập trung của công nhân, giảm nguy cơ mắc lỗi, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Công thái học Công nghiệp năm 2018, hiệu suất làm việc của công nhân tăng lên đáng kể khi mức độ ánh sáng được điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, hệ thống đèn khẩn cấp và đèn thoát hiểm cũng là một trong những hệ thống chiếu sáng nhà xưởng quan trọng, đảm bảo khi có sự cố có thể tổ chức sơ tán nhanh chóng và an toàn. 

Chiếu sáng nhà xưởng

Các loại đèn chiếu sáng phổ biến trong nhà máy

Một số loại đèn chiếu sáng nhà xưởng được sử dụng phổ biến trong các nhà máy phải kể đến như:

  • Đèn pha, đèn cao áp: Chùm ánh sáng rộng, thường được sử dụng ngoài trời, phù hợp với các khu vực cần chiếu sáng tập trung như bãi đậu xe hoặc lối vào nhà máy.
  • Đèn LED Highbay: Loại đèn này cung cấp ánh sáng mạnh và đồng đều, phù hợp trong thiết kế ánh sáng nhà kho, nhà xưởng rộng lớn, trần cao từ 6-12m.
  • Đèn LED Lowbay: Phù hợp với những không gian trần thấp, dưới 6m, như khu vực văn phòng hoặc phòng kỹ thuật.
  • Đèn LED tube: Đèn hình ống nhỏ gọn, tạo dải ánh sáng dài và đều, phù hợp cho cả khu vực văn phòng, phòng họp, hoặc nhà xưởng.
  • Đèn LED panel: Loại đèn LED thiết kế phẳng, mỏng và thẩm mỹ, ánh sáng đồng đều, thường được lắp đặt cho trần khu vực văn phòng.
  • Đèn LED downlight: Đèn có ánh sáng dễ chịu, thường được lắp âm trần hoặc lắp nổi ở những khu vực đòi hỏi thẩm mỹ cao như văn phòng, phòng họp, showroom nhà máy, hành lang…
  • Đèn khẩn cấp và đèn thoát hiểm: Được lắp đặt ở các lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn khi có sự cố.

Hệ thống chiếu sáng văn phòng nhà máy Toyo Solar

Những vấn đề thường gặp khi thiết kế chiếu sáng nhà xưởng

Công suất chiếu sáng không phù hợp

Trong quá trình tính toán chiếu sáng nhà xưởng không kỹ lưỡng, sử dụng đèn có công suất quá cao có thể gây lãng phí năng lượng, gây chói mắt. Ngược lại,  nếu công suất đèn quá thấp, ánh sáng không đủ sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ, gây mỏi mắt và làm giảm hiệu suất lao động. Do đó, cần lựa chọn công suất ánh sáng phù hợp với tính chất từng khu vực công năng, chẳng hạn như ánh sáng mạnh hơn ở khu vực sản xuất chính và ánh sáng dịu hơn ở các khu vực văn phòng, canteen, nghỉ ca…

Chiều cao trần ảnh hưởng đến độ sáng

Chiều cao nhà xưởng trung bình từ 4-12m, một số nhà xưởng có thể cao đến 20m hoặc hơn. Độ rọi của đèn sẽ bị ảnh hưởng bởi chiều cao lắp đặt của nó, trần nhà càng cao thì độ rọi tổng thể càng thấp. Vì vậy, đối với các nhà xưởng lớn, trần nhà cao đòi hỏi sử dụng đèn có công suất lớn như đèn HighBay, hoặc điều chỉnh chiều cao lắp đặt để đảm bảo độ rọi thích hợp, hạn chế các khu vực tối.

Hệ thống chiếu sáng nhà xưởng Dorco

Chọn cấp độ IP của đèn không phù hợp với môi trường sản xuất

Một số khu vực nhà máy nhiều bụi bẩn, ẩm ướt, hoặc tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…, việc sử dụng đèn có cấp độ bảo vệ IP (Ingress Protection) thấp có thể làm giảm độ bền, tăng chi phí bảo hành – bảo trì, và không đảm bảo an toàn sản xuất. Tùy tính chất và đặc điểm từng khu vực, cần chọn đèn có cấp độ IP phù hợp. Ví dụ như khu vực xưởng cơ khí yêu cầu đèn có IP65 trở lên để chống bụi xâm nhập. Hay khu vực có độ ẩm cao như nhà máy chế biến thực phẩm thường sử dụng đèn có IP66 trở lên để chịu được tia nước từ quy trình vệ sinh và chống hư hỏng do ẩm. Khu vực nhà kho hóa chất hoặc nhiên liệu sẽ đòi hỏi đèn chuyên dụng có khả năng chống cháy nổ theo tiêu chuẩn quốc tế, cùng với cấp IP từ 67 trở lên.

Tiết kiệm năng lượng và tích hợp giải pháp thông minh

Do hoạt động ở cường độ cao, hệ thống chiếu sáng trong nhà xưởng công nghiệp chiếm một phần không nhỏ trong chi phí tiêu thụ năng lượng của nhà máy. Nhà đầu tư có thể cân nhắc đến các giải pháp sử dụng đèn LED để giảm tiêu thụ điện năng và kéo dài tuổi thọ thiết bị, hoặc các giải pháp thiết kế kiến trúc tận dụng chiếu sáng tự nhiên, kết hợp với chiếu sáng nhân tạo để tiết kiệm điện. Ngoài ra, các giải pháp tích hợp công nghệ thông minh như cảm biến chuyển động, hoặc hệ thống điều chỉnh ánh sáng tự động cũng giúp tối ưu chiếu sáng theo nhu cầu thực tế, giảm chi phí vận hành và tiết kiệm năng lượng.

Xem thêm: Tiêu chuẩn chiếu sáng nhà xưởng tại Việt Nam

Xem thêm: Những lưu ý khi thiết kế và thi công hệ thống cơ điện nhà máy

Chia sẻ