QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Những nỗ lực thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam sau COP26, COP28

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP), Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường và mong muốn chuyển đổi xanh. Nhìn lại sau 3 năm Việt Nam từng bước hiện thực hóa các cam kết này.

COP26: Việt Nam đặt mục tiêu net-zero vào năm 2050

Tại COP26 ở Glasgow năm 2021, Việt Nam đã cùng 148 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đồng thuận cam kết đạt mục tiêu net-zero vào giữa thế kỉ XXI, thể hiện nỗ lực của toàn thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam tại COP26: 

Các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam tại COP26:

  • Đến năm 2030:
    • Giảm 30% phát thải khí methane trên toàn cầu.
    • Giảm phát thải khí nhà kính 9% với nguồn lực trong nước và 27% khi có sự hỗ trợ quốc tế.
    • Chấm dứt tình trạng phá rừng, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
  • Đến năm 2040: Không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, cùng cam kết với hơn 45 quốc gia khác để chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào than.
  • Đến năm 2050: Đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

COP28: Cam kết làm mát toàn cầu và Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)

Tại COP28 ở Dubai năm 2023, Việt Nam cam kết tham gia tích cực vào mục tiêu làm mát toàn cầu, chính thức công bố kế hoạch triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), tập trung vào 8 lĩnh vực chính:

COP28: Cam kết làm mát toàn cầu và Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)

  • Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng;
  • Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch;
  • Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo;
  • Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
  • Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng;
  • Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải;
  • Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
  • Đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Những nỗ lực của Việt Nam sau COP26 và COP28

Điều chỉnh khung pháp lý về môi trường và biến đổi khí hậu

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam được hiện thực hóa cụ thể thông qua các quy định pháp lý mới nhất, tiêu biểu là Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường của từng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn, Nghị định, quy định chi tiết cũng được ban hành kịp thời, là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các cam kết COP26 và COP28. Tháng 8/2024, Việt Nam đã ban hành danh mục các lĩnh vực và cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, có 2.171 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê. Đây sẽ là căn cứ để doanh nghiệp xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, xác định nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ mới.

Phát triển năng lượng tái tạo

Việt Nam đang tích cực chủ động chuyển đổi năng lượng tái tạo, dự kiến từ 5 – 7% mỗi năm trong những năm tới. Theo báo cáo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), tổng công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam năm 2023 đạt 21,6 GW. Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đang hướng tới loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2050 và tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên 34%, tăng từ 23% so với năm 2022. Quy hoạch điện cũng dự báo mức lưu trữ năng lượng sẽ tăng lên 300 MWh vào năm 2030 và 26 GWh vào năm 2050.

Sản lượng điện sản xuất trong Quý 1/2024 của Việt Nam

Sản lượng điện sản xuất trong Quý 1/2024 của Việt Nam. Nguồn: EVN

Cũng theo IRENA, Việt Nam dẫn đầu các quốc gia ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời, thậm chí còn gần gấp đôi tổng công suất của các quốc gia trong khu vực ASEAN cộng lại. Nhiều “ông lớn” trong ngành năng lượng đã đầu tư đáng kể vào thị trường Việt Nam như First Solar (Mỹ); JA Solar Investment (Hong Kong); Trina Solar …

Chương trình tiết kiệm điện toàn quốc

Cùng với chuyển dịch năng lượng, Việt Nam thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Theo Bộ Công Thương, tại Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 19/9/2024, 60/63 tỉnh thành đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho giai đoạn 2020-2025/2030. Trong giai đoạn 2020-2023, chương trình tiết kiệm điện toàn quốc đã tiết kiệm hơn 2% năng lượng hàng năm. Đồng thời, tỷ lệ tổn thất điện năng cũng giảm từ 7,47% năm 2017 xuống còn 6,25% năm 2022.

Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiết kiệm điện toàn quốc đạt hơn 2.620 triệu kWh (tương đương với 2,38% lũy kế thương phẩm 5 tháng 2024). “Tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam còn rất lớn”, Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết.

Chương trình tiết kiệm điện toàn quốc

Việt Nam tiếp tục với Hội nghị COP29

Tiếp nối những thành công từ Hội nghị COP26, COP28, từ ngày 11/11 – 22/11/2024, Hội nghị COP29 sẽ được tổ chức tại Azerbaijan, nhấn mạnh vào tài chính khí hậu. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia đang phát triển tiếp cận thêm nguồn hỗ trợ cho các mục tiêu khí hậu và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của mình trong thời gian tới.

Hội nghị COP29

Nguồn thông tin: VNeconomy, Báo Công thương

Xem thêm: Những thay đổi quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đối với lĩnh vực xây dựng công nghiệp

Xem thêm: Các xu hướng thiết kế nhà máy xanh tại Việt Nam năm 2024

Chia sẻ