Xây dựng nhà máy tại Đà Nẵng, nhà đầu tư FDI được hưởng nhiều chính sách ưu đãi chuyên biệt như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ không hoàn lại chi phí khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tài chính và lãi suất, hỗ trợ đổi mới công nghệ…
Tại sao nhà đầu tư FDI lựa chọn xây nhà máy ở Đà Nẵng
Vị trí địa lý đắc địa
Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam và có lợi thế địa chính trị quan trọng khu vực miền Trung Việt Nam. Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh khi nằm ở trung tâm của Việt Nam, là điểm giao thoa giữa 2 miền Bắc – Nam. Cụ thể, Đà Nẵng cách Hà Nội 764 km và TP.HCM là 964 km, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các trung tâm kinh tế lớn trong nước chỉ với khoảng hơn 1 giờ bay.
Thành phố cũng là cửa ngõ của Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) dài 1.450 km, kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanmar. Từ Đà Nẵng đến các thị trường lớn trong khu vực ASEAN như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur chỉ mất 2-3 giờ bay. Những yếu tố này giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics quan trọng của Việt Nam nói riêng và của khu vực Đông Nam Á nói chung.
Hạ tầng giao thông hiện đại
Đà Nẵng là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực ASEAN khi hội tụ đủ cả 5 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội bộ, đường biển và đường hàng không.
Đường bộ: Đà Nẵng kết nối với các tỉnh 2 miền Bắc – Nam thông qua các trục đường chính như quốc lộ 1A, quốc lộ 14B, đường cao tốc Bắc – Nam và có đường hầm Hải Vân dài 6,28km, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đáng kể. Ngoài ra, thành phố cũng sở hữu hệ thống giao thông hiện đại như hầm chui phía Tây sông Hàn, cầu vượt 3 tầng Ngã Ba Huế, hệ thống cầu qua sông dày đặc… tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, giao thương của doanh nghiệp.
Đường sắt: tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua Đà Nẵng với chiều dài khoảng 30km, bao gồm các ga tàu Kim Liên, Thanh Khê, Đà Nẵng, Hải Vân Nam…giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện, nhanh chóng.
Đường thủy nội địa: Đà Nẵng sở hữu hệ thống sông dài 63,2km, trong đó có 19,9km đường thuỷ nội địa quốc gia. Hiện nay, Đà Nẵng đã quy hoạch và phát triển 09 tuyến vận tải đường thủy nội địa phục vụ du lịch. Một số tuyến đường thủy nội địa lớn như: sông Hàn – Cù Lao Chàm (50km); sông Hàn – Ngũ Hành Sơn (13,5km); sông Hàn – Cẩm Lệ – Túy Loan – Thái Lai (20,2km)…
Đường biển: Đà Nẵng là trung tâm vận tải hàng hải lớn của Việt Nam, sở hữu nhiều cảng biển nước sâu như cảng Tiên Sa, cảng Đà Nẵng với công suất xử lý hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm. Đặc biệt, theo kế hoạch trong 2025, cảng Liên Chiểu sẽ hoàn thành với công suất khai thác lên đến 50 triệu tấn/năm, giúp rút ngắn thời gian và chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp.
Hàng không: Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay lớn nhất Việt Nam, với công suất xử lý hơn 200.000 tấn hàng hóa/năm và 13 triệu lượt khách/năm, dự kiến mở rộng lên 28 triệu lượt khách vào năm 2030. Sân bay này có hơn 30 tuyến bay quốc tế, kết nối trực tiếp Đà Nẵng với các thị trường thế giới như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur và Seoul… góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực.
Tỉnh dẫn đầu trong việc phát triển công nghiệp xanh
Phát triển công nghiệp xanh là xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm và chú trọng đầu tư. Để đón làn sóng FDI, Đà Nẵng đã dẫn đầu xu hướng phát triển này và trở thành một trong những tỉnh thành đầu tiên của Việt Nam phát triển khu công nghiệp sinh thái, hướng tới sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường. Cụ thể, tại KCN Hòa Khánh đã triển khai một số hoạt động như hỗ trợ đánh giá RECP cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện từ năm 2016 – 2020. Việc áp dụng các giải pháp ước tính này giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm, giảm gần 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.
Nguồn nhân lực chất lượng cao
Đà Nẵng hiện đang sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển mạnh mẽ, với 60 cơ sở GDNN trên toàn thành phố. Trong đó, có 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 25 cơ sở đang hoạt động trong lĩnh vực này. Các cơ sở này có quy mô tuyển sinh gần 75.000 học sinh, sinh viên, đào tạo 286 ngành nghề khác nhau, bao gồm các lĩnh vực chủ chốt như thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp. Trung bình mỗi năm, hệ thống giáo dục của Đà Nẵng tuyển sinh hơn 38.000 học sinh, sinh viên ở các cấp trình độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lao động có tay nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Đây cũng là lợi thế lớn cho các công ty lựa chọn thiết kế thi công nhà xưởng tại Đà Nẵng khi họ có thể dễ dàng tuyển dụng và đào tạo nhân lực tại chỗ.
Các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI đầu tư vào Đà Nẵng
Các chính sách thu hút nhà đầu tư FDI
Để thu hút nhà đầu tư FDI đến xây dựng nhà máy tại Đà Nẵng, thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2024 – 2026 như:
- Hỗ trợ tài chính và lãi suất: Đà Nẵng triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, bao gồm việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục vay vốn.
- Đổi mới công nghệ và chuyển đổi số: Thành phố khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, áp dụng chuyển đổi số thông qua các chương trình hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính.
- Hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo: Đà Nẵng cung cấp các chương trình đào tạo, tư vấn khởi nghiệp và hỗ trợ các dự án sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp mới.
- Hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị và phát triển nguồn nhân lực: Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ưu đãi đầu tư dành cho doanh nghiệp FDI
Ngoài những ưu đãi chung của nhà nước, Đà Nẵng còn có những ưu đãi đầu tư riêng để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Các ưu đãi này có hiệu lực từ 1/1/2025:
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đối với:
- Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… trên địa bàn Đà Nẵng.
- Cá nhân và tổ chức có thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo chưa thực hiện chào bán chứng khoán theo quy định pháp luật.
- Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, cá nhân làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tại thành phố.
Hỗ trợ không hoàn lại:Bao gồm chi phí tổ chức tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, tiền lao động trực tiếp, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, chi phí ươm tạo, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Định hướng phát triển công nghiệp của Đà Nẵng
Trong năm 2024, Đà Nẵng đặt mục tiêu tạo ra những bứt phá quan trọng để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8 – 8,5%. Thành phố xác định công nghiệp công nghệ cao là đòn bẩy chính cho nền kinh tế, với trọng tâm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ số.
Đà Nẵng cũng đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp xanh, hướng đến một nền kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường. Một số KCN được Đà Nẵng khuyến khích áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải như KCN Hòa Khánh mở rộng và KCN Liên Chiểu… Theo kế hoạch đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ chuyển đổi 1 KCN thành KCN sinh thái, 100% KCN và CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn yêu cầu kỹ thuật môi trường, 100% doanh nghiệp cam kết đăng ký ISO 14000 và thực hiện thu gom, xử lý chất thải theo quy định.
Danh sách các khu công nghiệp tại Đà Nẵng
Các KCN đang hoạt động tại Đà Nẵng
-
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
- Diện tích: 1.129,76 ha
- Vị trí: Huyện Hòa Vang
- Lĩnh vực đầu tư:
+ Công nghệ sinh học phục vụ y tế, nông nghiệp, thủy sản
+ Công nghệ vi điện tử, cơ điện tử và quang điện tử
+ Tự động hóa và cơ khí chính xác
+ Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng mới
+ Công nghệ thông tin, truyền thông; phần mềm tin học
+ Công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu và một số công nghệ đặc biệt khác.
-
Khu công nghiệp Đà Nẵng
- Diện tích: 50.00 ha
- Vị trí: Quận Sơn Trà
- Lĩnh vực đầu tư:
+ Cơ khí lắp ráp
+ Công nghiệp hóa chất, nhựa, sản phẩm sau hóa dầu
+ Chế biến nông, lâm, hải sản
+ Sản xuất giấy và bao bì
+ Sản xuất vật liệu xây dựng
-
Khu công nghiệp Hòa Khánh
- Diện tích: 395.72 ha
- Vị trí: Quận Liên Chiểu
- Lĩnh vực đầu tư:
+ Cơ khí lắp ráp, điện tử, may mặc
+ Sản phẩm sau hóa dầu như bao bì, nhựa
+ Chế biến nông, lâm, hải sản
+ Vật liệu xây dựng cao cấp với quy mô trung bình và nhỏ
-
Khu công nghiệp dịch vụ Thủy Sản Đà Nẵng
- Diện tích: 57.90 ha
- Vị trí: Quận Sơn Trà
- Lĩnh vực đầu tư:
+ Công nghiệp chế biến thủy sản
+ Dịch vụ hậu cần cảng cá.
-
Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng
- Diện tích: 212.12 ha
- Vị trí: Dọc quốc lộ 1A, thuộc quận Liên Chiểu
- Lĩnh vực đầu tư:
+ Cơ khí lắp ráp
+ Công nghiệp hóa chất, nhựa, sản phẩm sau hóa dầu
+ Chế biến nông, lâm, hải sản
+ Sản xuất giấy và bao bì
+ Sản xuất vật liệu xây dựng
-
Khu công nghiệp Liên Chiểu
- Diện tích: 289.35 ha
- Vị trí: Phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu
- Lĩnh vực đầu tư:
+ Công nghiệp nặng
+ Công nghiệp chế tạo
+ Công nghiệp hóa chất
+ Sản xuất vật liệu xây dựng
+ Kho ngoại quan
-
Khu công nghiệp Hòa Cầm
- Diện tích: 136.73 ha
- Vị trí: Quận Cẩm Lệ
- Lĩnh vực đầu tư:
+ Thiết bị điện và điện tử
+ Linh kiện, sản phẩm cơ khí chính xác
+ May mặc
Các KCN trong quy hoạch giai giai đoạn 2021 – 2023
-
Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2
- Diện tích: 120,019 ha
- Vị trí: quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang
- Lĩnh vực ưu tiên đầu tư: lắp ráp cơ khí; chế tạo phụ tùng điện, điện tử; sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng…
-
Khu công nghiệp Hòa Nhơn
- Diện tích: 360,1 ha
- Vị trí: xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang
- Lĩnh vực ưu tiên đầu tư: công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp…
-
Khu công nghiệp Hòa Ninh
- Diện tích: 400,02 ha
- Vị trí: xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang
- Lĩnh vực ưu tiên đầu tư: công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất dược phẩm…