QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Giá xi măng đầu năm 2025 đồng loạt tăng 50.000đ/tấn

Từ ngày 1/1/2025, nhiều doanh nghiệp xi măng lớn tại Việt Nam đã đồng loạt điều chỉnh giá bán, với mức tăng trung bình 50.000 đồng/tấn, tương đương tăng 4,1% so với cuối năm 2024.

Các doanh nghiệp lớn công bố điều chỉnh giá

Cụ thể, các thương hiệu như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Tân Thắng… đều thông báo điều chỉnh tăng giá xi măng bao và xi măng rời các loại thêm 50.000 đồng/tấn từ ngày 1/1/2025. Riêng tập đoàn The Vissai điều chỉnh tăng 46.300 đồng/tấn cho các nhà máy trực thuộc, bao gồm Vissai Ninh Bình, Vissai Hà Nam, Xi măng Đồng Bành, Xi măng Sông Lam và Sông Lam 2.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá là do chi phí đầu vào sản xuất xi măng, bao gồm than, điện và nhân công, liên tục tăng trong thời gian qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025. Đáng chú ý, ngày 11/10/2024, Bộ Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%, ảnh hưởng đáng kể đến các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện như xi măng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá xi măng 2025 dự kiến sẽ tiếp tục tăng, gây áp lực lên cả doanh nghiệp sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Ngoài ra, thị trường bất động sản ảm đạm và tình trạng dư thừa nguồn cung xi măng đã khiến nhiều nhà máy gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến thua lỗ và nguy cơ phải dừng sản xuất. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, năm 2024, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) báo lỗ 1.402 tỷ đồng.

Áp lực cho ngành xây dựng

Trong bối cảnh giá điện tăng, thị trường bất động sản không mấy tích cực, không chỉ xi măng mà các ngành sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản khác như: thép, gạch, … đều gặp khó khăn và có nguy cơ phải tăng giá. Giá vật liệu xây dựng thường chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, do đó việc tăng giá vật liệu gây áp lực lớn lên các nhà thầu thi công, đặc biệt với những nhà thầu đã ký hợp đồng thi công trọn gói. Để giảm thiểu rủi ro thua lỗ, nhiều nhà thầu có thể chọn cách kéo dài tiến độ thi công để chờ giá vật liệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, cách làm này dễ dẫn đến chậm tiến độ bàn giao dự án. Một số nhà thầu khác có thể tìm cách cắt giảm nguyên vật liệu, nhưng điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và an toàn của công trình.

Cùng với xi măng, các vật liệu xây dựng cơ bản như thép, gạch… cũng có thể sẽ tăng giá trong năm 2025

Cùng với xi măng, các vật liệu xây dựng cơ bản như thép, gạch… cũng có thể sẽ tăng giá trong năm 2025

Không chỉ nhà thầu chịu áp lực, giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng khiến nhiều chủ đầu tư đau đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phục hồi chậm, việc tăng giá vật liệu xây dựng có thể tạo thêm áp lực tài chính, khiến các dự án mới phải xem xét lại kế hoạch đầu tư.

Nguồn thông tin: Báo Đầu tư

Xem thêm: Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đơn giá xây dựng nhà xưởng

Xem thêm: Thuật ngữ liên quan đến giá xây dựng nhà xưởng – Phần 1: Phân biệt BOQ và BOM

Chia sẻ