Bài viết tổng hợp những thông tin cần thiết giúp nhà đầu tư nước ngoài nắm rõ được các quy định về hình thức đầu tư, các quyền lợi của nhà đầu tư, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư (IRC)… theo Luật đầu tư Việt Nam mới nhất.
Quy định về điều kiện đầu tư
Luật đầu tư vào Việt Nam đang áp dụng trong năm 2023, thực chất là Luật đầu tư năm 2020 được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào ngày 17/06/2020 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Các hình thức đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện đầu tư gián tiếp hoặc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các hình thức đầu tư theo quy định về đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
– Thực hiện dự án đầu tư.
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
– Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Việt Nam.
Quy định về phạm vi hoạt động đầu tư
Nhà đầu tư được phép đầu tư kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực, trừ các ngành nghề mà Luật đầu tư 2020 cấm bao gồm: kinh doanh ma túy, các loại hóa chất và khoáng vật, các mẫu vật thực vật, động vật hoang dã; mại dâm; mua bán bộ phận cơ thể con người; kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính; pháo nổ hoặc dịch vụ đòi nợ.
Tổng hợp các ngành đầu tư kinh doanh bị cấm trong Luật đầu tư 2020
Quy định về sở hữu vốn điều lệ
Nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế về sở hữu vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế. Trừ những trường hợp:
- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại công ty, tổ chức kinh doanh, quỹ đầu tư chứng khoán.
- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
- Trường hợp không thuộc 2 trường hợp trên, thì thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia làm thành viên.
Quyền và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài
Quyền sở hữu và sử dụng đất đai
Các nhà đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam thì doanh nghiệp của họ sẽ nhận quyền sử dụng đất thông qua các hình thức:
– Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
– Nhận quyền sử dụng đất thông qua việc nhà nước cho thuê đất.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình hay cá nhân thì phải đề nghị với cơ quan có thẩm quyền và thỏa thuận với các hộ gia đình, cá nhân đó, để nhà nước tiến hành thu hồi đất và bồi thường. Sau đó nhà nước sẽ cho thuê hoặc giao đất cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Quyền của nhà đầu tư nước ngoài đối với đất thuê
Các quyền của nhà đầu tư đối với đất thuê theo luật đầu tư 2020
Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuê như sau:
– Thanh toán tiền thuê hàng năm.
– Thanh toán một lần tiền thuê trong suốt thời hạn cho thuê.
– Có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuê.
– Có quyền cho thuê lại đất, tài sản gắn liền với đất thuê.
– Có quyền đóng góp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
– Có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản cho các tổ chức tín dụng ở Việt Nam trong thời hạn của hợp đồng thuê.
Các ưu đãi thuế đầu tư
Các ưu đãi thuế đầu tư dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài
Khi đầu tư vào Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc đầu tư kinh doanh:
– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: áp dụng mức thuế suất 10% với thời hạn lên đến 15 năm và 20% cho thời hạn lên đến 10 năm. Miễn, giảm thuế với thời hạn tối đa đến 9 năm và cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ khi tính doanh thu chịu thuế trong vòng 5 năm.
– Miễn thuế nhập khẩu: các nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật.
– Miễn, giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định pháp luật.
– Khấu hao nhanh chóng, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư (IRC) tại Việt Nam
Các nhà đầu tư nước ngoài cần xin cấp giấy chứng nhận đầu tư (hay còn gọi là giấy phép đầu tư, giấy đăng ký chứng nhận đầu tư – IRC) tại Việt Nam, gồm các loại giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị
- Tài liệu xác nhận tư cách pháp lý
- Đề xuất dự án đầu tư
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất
- Giải trình sử dụng công nghệ
Nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế. Các trường hợp khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tuân theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều chỉnh và giải quyết tranh chấp đầu tư
Luật đầu tư 2020 đã quy định chi tiết về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh:
– Tranh chấp về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Nếu không thương lượng, hòa giải được thì được giải quyết theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 14 Luật đầu tư 2020.
– Tranh chấp giữa các nhà đầu tư có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết tại một trong những cơ quan sau: Tòa án Việt Nam, trọng tài Việt Nam, trọng tài quốc tế, trọng tài nước ngoài hoặc trọng tài được thỏa thuận thành lập bởi các bên tranh chấp.
– Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước được giải quyết tại Tòa án Việt Nam hoặc tại Trọng tài Việt Nam.
Đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài
Các nhà đầu tư nước ngoài được bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật tại Việt Nam:
– Trường hợp văn bản pháp luật mới quy định ưu đãi đầu tư cao hơn, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo quy định mới trong thời gian hưởng ưu đãi còn lại. Trừ những ưu đãi đặc biệt đối với dự án đầu tư được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 20 của Luật đầu tư 2020.
– Trường hợp văn bản pháp luật mới có ưu đãi thấp hơn, nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
Các ưu đãi đầu tư được đảm bảo bao gồm các ưu đãi được quy định trong giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các văn bản do cơ quan nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp ưu đãi trên không áp dụng cho thay đổi vì lý do an ninh quốc phòng, an toàn trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Nhà đầu tư không được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật đầu tư 2020 thì sẽ được giải quyết bằng cách được khấu trừ thiệt hại vào phần thu nhập chịu thuế, điều chỉnh lại mục tiêu hoạt động của dự án, hỗ trợ khắc phục thiệt hại mà nhà đầu tư phải hứng chịu.
Khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển các tài sản ra nước ngoài bao gồm: Vốn và các khoản thanh lý đầu tư, thu nhập từ hoạt động đầu tư, tiền và tài sản khác hợp pháp của nhà đầu tư.
Hội nghị giữa các doanh nghiệp FDI ngày 16/10/2023
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo mang lại những quyền lợi tốt nhất.
Trong hội nghị với các doanh nghiệp FDI ngày 16/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ba cam kết quan trọng của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong mọi trường hợp, luôn đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài hoạt động lâu dài tại Việt Nam và cuối cùng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Trên đây là các quy định về đầu tư nước ngoài được quy định rõ ràng trong Luật đầu tư 2020 mà các nhà đầu tư nước ngoài cần biết khi đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn: Luật đầu tư 2020 , Văn bản hợp nhất 28/VBHN-VPQH, Bộ Tư pháp
Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – cập nhật 2023
Xem thêm: Quy trình và thủ tục thành lập nhà máy tại Việt Nam cho nhà đầu tư FDI – Cập nhật 2023