Có nên đầu tư vào Việt Nam?
Việt Nam được đánh giá là đang phát triển rất nhanh và trong một vài năm tới, có thể vượt qua nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á về kinh tế, điều này đã mang đến rất nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều ưu thế khác thu hút các nhà đầu tư nước ngoài:
Dân số trẻ, nguồn lao động phong phú
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới với 98 triệu dân. Dự đoán đến năm 2030, dân số sẽ đạt trên 105 triệu dân, không chỉ là nguồn lao động dồi dào mà còn là thị trường tiêu dùng vô cùng tiềm năng.
Xem thêm: Lương cơ bản ở Việt Nam
Vị trí địa lý chiến lược, chính trị ổn định
Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á và vành đai châu Á – Thái Bình Dương, có đường biên giới gần với nhiều quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Mianmar, Lào, Campuchia… đồng thời từ Việt Nam dễ dàng di chuyển đến Phillipines, Đài Loan, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore…
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thể chế chính trị ổn định, hoà bình, rất thích hợp để giao thương, mở rộng sản xuất. Chính phủ Việt Nam cũng đã xây dựng rất nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như chính sách miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh nghiệp và thuế sử dụng đất cho một số lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng phát triển
Cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng. Trong những năm vừa qua, chính phủ Việt Nam chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước như: đường cao tốc, sân bay quốc tế, cảng biển… Cơ sở hạ tầng phát triển đồng nghĩa với việc vận tải hành khách và hàng hoá trong nước trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn nhiều.
Cơ hội đầu vào tại Việt Nam?
Quá trình dịch chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng toàn cầu về những nơi có chi phí nhân công rẻ, tài nguyên dồi dào đã mang đến nhiều cơ hội đầu tư trong ngành linh kiện điện tử, sản xuất vật liệu, công nghiệp phụ trợ… tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, thu hút nhà đầu tư trong các lĩnh vực như: công nghệ, sản xuất vật liệu composit/vật liệu nhẹ, giáo dục, năng lượng tái tạo, y tế…
Khó khăn khi đầu tư tại Việt Nam là gì?
Bên cạnh các tiềm năng, Việt Nam cũng còn tồn tại những thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các vấn đề như sự quan liêu, thiếu minh bạch, nhiều thủ tục giấy tờ… gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, các vấn đề khác như tỷ lệ lạm phát cũng rất đáng lưu tâm.
Chính phủ Việt Nam nhận thức được các khó khăn này của nhà đầu tư, vì vậy đã đưa ra nhiều phương án cải cách thủ tục đầu tư cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Các lĩnh vực nào bị cấm đầu tư tại Việt Nam?
Chính phủ Việt Nam hạn chế, cấm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh một số lĩnh vực như:
- Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức.
- Đánh bắt hoặc khai thác hải sản.
- Dịch vụ điều tra và an ninh.
- Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên.
- Dịch vụ nổ mìn.
- Sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
- Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành, trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
- …
Tham khảo thêm các ngành nghề hạn chế, cấm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Nghị định 31/2020/NĐ-CP.
Bài viết tham khảo từ: Cekindo, Luật Việt Nam