QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Quy trình quản lý tiến độ dự án xây dựng nhà máy

Để quản lý tiến độ dự án hiệu quả, cần xác định rõ phạm vi công việc, phân chia đầy đủ và chi tiết từng hạng mục công việc, tính toán chính xác trình tự cũng như thời gian thi công… Một kế hoạch quản lý tiến độ tốt không chỉ tăng khả năng thuyết phục nhà đầu tư, mà còn giúp tối ưu chi phí và nguồn lực hiệu quả.  

Mục tiêu xây dựng kế hoạch quản lý tiến độ dự án

Kế hoạch quản lý tiến độ dự án được xây dựng chi tiết, trong đó, chi phí và thời gian cho từng hạng mục được dự toán chính xác, nguồn lực được tối ưu và phân bổ hợp lý, giúp dự án được hoàn thành đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách đã định. Ngoài ra, một kế hoạch tiến độ khoa học, sắp xếp công việc và nhân sự hợp lý sẽ giúp đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng cũng như đảm bảo tốt chất lượng công trình.

Thế nào là một kế hoạch quản lý tiến độ tốt?

Để giúp chủ đầu tư tối ưu ngân sách và tiến độ thi công nhà máy hiệu quả đòi hỏi kế hoạch quản lý tiến độ phải đảm bảo:

  • Chi tiết: kế hoạch phải đảm bảo rõ chi tiết, xác định rõ ràng các bước công việc, thời gian hoàn thành và nguồn lực cần thiết cho từng giai đoạn.
  • Logic: các công việc phải được sắp xếp theo trình tự hợp lý dựa trên mối quan hệ phụ thuộc giữa chúng, tránh xung đột và lãng phí thời gian.
  • Tối ưu nguồn lực: đảm bảo nhân lực, vật liệu và thiết bị được sử dụng hiệu quả, phân bổ hợp lý, tránh lãng phí.
  • Luôn có kế hoạch kiểm soát chất lượng, chạy thử máy móc thiết bị.
  • Thời gian làm việc hợp lý, luôn phải tính đến các yếu tố về thời tiết để có phương án xử lý linh hoạt. 
  • Có khoảng thời gian dự trù phù hợp: dự án luôn phải có thời gian dự phòng để ứng phó với những vấn đề phát sinh. 

Các bước quản lý tiến độ dự án xây dựng nhà máy hiệu quả 

Xác định phạm vi dự án

Xác định đầy đủ phạm vi dự án (define scope of work) là bước đầu tiên trong quá trình lên kế hoạch quản lý tiến độ dự án. Nhà thầu xây dựng cần xác định cụ thể phạm vi công việc, làm rõ các thắc mắc liên quan đến phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, yêu cầu vật liệu… cũng như quy định về tiến độ, tiêu chí đánh giá chất lượng, quy trình nghiệm thu với Chủ đầu tư. Phần việc này sẽ giúp nhà thầu có đánh giá rõ ràng về toàn bộ dự án, từ đó xây dựng kế hoạch quản lý dự án phù hợp, chính xác. 

Tính toán các hạng mục chi tiết của dự án

Chia nhỏ phạm vi công việc là quá trình xác định rõ ràng và chi tiết các công việc cần thực hiện trong dự án. Có nhiều công cụ để chia nhỏ phạm vi công việc như mindmap, WBS (work breakdown structure)… tuy nhiên công cụ phổ biến trong quản lý tiến độ dự án xây dựng là Microsoft Excel và Microsoft Project. Dù sử dụng công cụ nào, nhà thầu cũng cần đảm bảo liệt kê đầy đủ các gói công việc trong từng hạng mục cũng như đầy đủ hạng mục cần thiết cho dự án, bởi mỗi sai sót hoặc nhầm lẫn trong giai đoạn này đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình lên kế hoạch và triển khai quản lý tiến độ dự án.

Lên trình tự thi công nhà máy hợp lý

Một số hạng mục cần thực hiện tuần tự như ép cọc, thi công móng máy, rồi xây – trát tường, tường phải đạt độ ẩm mới tiến hành sơn lót, sơn màu… Trong khi đó, một số hạng mục khác có thể thi công song song, như xây tường ngăn phòng, thi công cơ điện và thi công hoàn thiện có thể được thực hiện song song … Sơ đồ mạng PDM (Precedence Diagramming Method) là một trong những phương pháp hữu ích để thể hiện mối quan hệ giữa các hạng mục và các gói công việc chi tiết, giúp nhà thầu lên trình tự thi công hợp lý và quản lý tiến độ hiệu quả.

Ước tính thời gian thi công xây dựng nhà máy

Ước tính chính xác thời gian thi công xây dựng nhà máy là một trong những yêu cầu quan trọng khi quản lý tiến độ. Ước tính thừa có thể làm lãng phí nguồn lực dự án, gây tốn kém chi phí. Ước tính thiếu có thể ảnh hưởng đến thời gian kỹ thuật của từng hạng mục và làm giảm chất lượng thi công. Bottom-up là một kỹ thuật ước tính thời gian thi công phổ biến trong xây dựng công nghiệp, ước tính chính xác đến từng giai đoạn, từng gói công việc nhỏ nhất, tuy nhiên nó đòi hỏi nhà thầu giàu kinh nghiệm và phải thực sự am hiểu dự án. Ngoài ra, kế hoạch quản lý tiến độ dự án cũng cần tính đến và dự phòng các yếu tố rủi ro như thời tiết xấu không thuận lợi cho thi công, khan hiếm vật tư vật liệu xây dựng, hoặc khó khăn trong việc huy động nhân công.

Xây dựng tiến độ chi tiết

Dựa trên trình tự thi công và ước tính thời gian thi công của từng hạng mục, nhà thầu xây dựng bảng tiến độ chi tiết. Biểu đồ Gantt là một trong những công cụ thường dùng để theo dõi và quản lý tiến độ một cách trực quan, chi tiết, từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc của từng gói công việc, các giai đoạn thi công, các mốc kiểm tra và nghiệm thu chất lượng công trình… Dựa vào đó, nhà thầu lập kế hoạch huy động nguồn nhân lực cần thiết, máy móc thiết bị cho mỗi hạng mục. Nhà thầu có thể sử dụng các kỹ thuật như smoothing, leveling để phân bổ đều các nguồn lực cho từng giai đoạn, tránh phân bổ quá dày hoặc quá mỏng đều làm ảnh hưởng không tốt đến tiến độ dự án cũng như phát sinh chi phí không đáng có.

Kiểm soát tiến độ dự án 

Kiểm soát và quản lý tiến độ dự án là một quá trình liên tục từ lúc bắt đầu triển khai dự án đến khi hoàn thành bàn giao nhà máy, đòi hỏi sự cẩn trọng và tỉ mỉ của nhà thầu. Nhà thầu cần theo dõi sát sao các hạng mục công việc, thường xuyên cập nhật tiến độ thực tế, quản lý các vấn đề phát sinh và luôn sẵn sàng các phương án đối phó với rủi ro, bám sát kế hoạch tiến độ.

Xem thêm: Đảm bảo an toàn và tiến độ xây dựng nhà xưởng mùa mưa bão

Xem thêm: Các biện pháp thi công chống thấm cho nhà máy phổ biến hiện nay

Xem thêm: Bảng báo giá thiết kế thi công nhà xưởng trọn gói 2024, chi tiết các hạng mục

 

Chia sẻ