V-E là giải pháp giúp nhà đầu tư tối ưu ngân sách trong quá trình báo giá thi công xây dựng dự án, nhưng các phương án V-E có làm ảnh hưởng chất lượng và độ bền công trình?
V-E là gì? Vai trò của V-E trong dự án xây dựng
V-E, hay value engineering, là phương pháp tối ưu giá trị dự án, tối ưu chi phí xây dựng bằng cách đề xuất các phương án vật liệu, biện pháp thi công thay thế. V-E trong xây dựng tập trung phân tích bản vẽ thiết kế, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến giá xây dựng nhà xưởng như nguyên vật liệu, biện pháp thi công… để tìm giải pháp tối ưu.
Thông qua các đề xuất thay thế vật liệu – thiết bị, thay đổi biện pháp thi công và quy trình thi công, V-E có thể giúp giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí nhân công, hoặc tối ưu chi phí vận hành sau này. Các phương án V-E đều phải được lựa chọn cẩn thận, đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế, đồng thời duy trì chất lượng thi công cũng như độ bền vững của công trình.
V-E được thực hiện như thế nào và những lưu ý?
Các phương án tối ưu chi phí xây dựng với V-E
- Đề xuất vật liệu – thiết bị thay thế: Sau khi nghiên cứu kỹ bản vẽ kiến trúc và kết cấu, nhà thầu có thể đề xuất vật liệu – thiết bị thay thế có tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự và chi phí, thời gian giao hàng tối ưu hơn. Việc này có thể giúp tiết kiệm chi phí hoặc thời gian thi công, rút ngắn tiến độ dự án.
- Đề xuất biện pháp thi công thay thế: Dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn, nhà thầu có thể đề xuất các giải pháp thi công tốt hơn, vừa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, vừa tối ưu hiệu quả dự án. Ví dụ, ứng dụng công nghệ hiện đại để rút ngắn thời gian thi công, hoặc cải tiến phương pháp thi công để thi công nhanh hơn, chất lượng và an toàn hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
- Đề xuất cải tiến công nghệ: Sử dụng công nghệ tiên tiến, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể tăng, nhưng các giải pháp công nghệ thường mang lại giá trị sử dụng cao hơn và tỷ suất đầu tư tốt hơn, tối ưu hiệu quả vận hành trong dài hạn. Các đề xuất về cải tiến công nghệ thường tập trung vào tiết kiệm năng lượng, tăng tuổi thọ sử dụng, tối ưu quy trình quản lý, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo trì trong tương lai…
Thời điểm thực hiện V-E
V-E có thể được thực hiện trong các giai đoạn:
- Giai đoạn thiết kế sơ bộ và thiết kế chi tiết: Tối ưu các lựa chọn về vật liệu và phương pháp thi công ngay từ giai đoạn đầu của dự án.
- Giai đoạn đấu thầu: Đề xuất giải pháp V-E tối ưu chi phí và đảm bảo chất lượng công trình có thể là một trong những tiêu chí quan trọng để chủ đầu tư chọn nhà thầu phù hợp nhất.
- Giai đoạn thi công: V-E có thể tiếp tục được áp dụng trong quá trình thi công, điều chỉnh biện pháp hoặc thay đổi vật liệu để phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường.
Áp dụng V-E hiệu quả nhất là khi nó được thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong giai đoạn thiết kế và đấu thầu, vì việc thay đổi sau khi đã bắt đầu thi công có thể gặp phải nhiều khó khăn, phát sinh chi phí, dẫn đến khó quản lý chi phí xây dựng.
Lưu ý cho chủ đầu tư khi đánh giá các giải pháp V-E
Trong quá trình chấm thầu xây dựng, chủ đầu tư sẽ nhận được rất nhiều đề xuất V-E giúp tối ưu chi phí. Tuy nhiên, cần có phương án đánh giá các đề xuất kỹ thuật này để đảm bảo các điều chỉnh là hợp lý, không ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng.
V-E không được làm giảm chất lượng công trình
Các đề xuất V-E cần đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (specifications) tương đương hoặc vượt trội so với thiết kế ban đầu. Chủ đầu tư có thể cân nhắc từ chối các phương án V-E nếu nghi ngờ ảnh hưởng chất lượng xây dựng, ví dụ:
- Sai khác về tiêu chuẩn kỹ thuật vật tư: Độ dày panel, độ dày tôn tường, khả năng chống gió giật của tôn mái, bậc chịu lửa vật liệu, tính chống nước của sơn, khả năng cách nhiệt của vật liệu…
- Sai khác về tiêu chuẩn thiết bị: Chỉ số làm mát và công suất của điều hòa, khả năng hút gió và lưu lượng nước của hệ thống PCCC, cam kết bảo hành thiết bị…
- Nghi ngờ biện pháp thi công thay thế không đảm bảo chất lượng:
- Thay đổi liên quan đến phương án cọc nền (số lượng và chiều dài cọc), kỹ thuật xử lý nền móng…;
- Thay đổi liên quan đến khả năng chịu tải của sàn, liên quan đến kết cấu thép…;
- Thay đổi liên quan đến thẩm mỹ – kiến trúc nhà máy;
- Thay đổi liên quan đến hệ thống PCCC;
- …
Tính khả thi của giải pháp và minh bạch các thông số kỹ thuật
Chủ đầu tư cần đánh giá tính khả thi của các giải pháp V-E, bao gồm khả năng áp dụng về mặt kỹ thuật và triển khai thực tế tại dự án. Các phương án này cần được trình bày rõ ràng trong bảng V-E đề xuất, với đầy đủ thông tin về thông số kỹ thuật, nguồn gốc, chủng loại vật tư và thiết bị thay thế, kèm theo các tài liệu và tính toán để chứng minh các phương án đề xuất này không làm ảnh hưởng chất lượng dự án.
Nếu thiếu các thông tin này, chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu bổ sung, làm rõ trước khi tiếp tục chấm thầu, đảm bảo tính công bằng trong quá trình đấu thầu và chất lượng thi công dự án.
Tài chính và giá cả
Báo giá đi kèm các đề xuất V-E cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối giữa chi phí, tiến độ thi công và chất lượng công trình. Chi phí sau khi V-E có thể được tối ưu khá nhiều, nhưng không thể bị cắt giảm đến mức thiếu thực tế. Chủ đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng để chọn phương án tối ưu, vừa đảm bảo chất lượng, vừa kiểm soát giá xây dựng nhà xưởng hiệu quả.
V-E được gửi đúng hạn, tuân thủ quy định đấu thầu
V-E cần được gửi đúng hạn theo yêu cầu của chủ đầu tư, đảm bảo quá trình chấm thầu khách quan minh bạch. Nếu nhà thầu gửi các phương án bổ sung sau thời hạn, chủ đầu tư có quyền nghi ngờ tính minh bạch của V-E này và từ chối hồ sơ V-E bổ sung.
Xem thêm: Bảng báo giá thiết kế thi công nhà xưởng trọn gói 2024, chi tiết các hạng mục
Xem thêm: Biện pháp quản lý và kiểm soát chất lượng, tiến độ trong xây dựng nhà máy