Các biện pháp phòng chống cháy nổ cho nhà xưởng – khuyến cáo từ công an PCCC

Các biện pháp phòng chống cháy nổ theo khuyến cáo từ Công an PCCC và Đơn vị tổng thầu chất lượng cao DELCO giúp doanh nghiệp có thể chủ động ngăn ngừa, phòng chống và giảm thiệt hại do cháy nổ tại các cơ sở sản xuất.

Nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn từ hoạt động vận hành nhà xưởng

Năm 2023, cả nước xảy ra 3.440 vụ cháy. Đầu năm 2024, số vụ cháy có xu hướng giảm, tuy nhiên các vụ cháy nhà máy, nhà xưởng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản vẫn tiếp tục xảy ra. Tháng 3/2024, sự cố cháy nhà xưởng chuyên sản xuất, lắp ráp cáp điện, cáp viễn thông tại Đồng Nai do lửa từ đống rác, cỏ khô lan vào nhà xưởng gây thiệt hại lớn về tài sản. Tháng 5/2024, sự cố nổ lò hơi công suất 1000kg/h do lỗi kỹ thuật tại công ty sản xuất gỗ Bắc Giang khiến 6 người thiệt mạng. 

Nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn từ hoạt động vận hành nhà xưởng

Tại các công trình nhà xưởng, nhà máy, cháy nổ xảy ra chủ yếu do thiếu an toàn trong quá trình vận hành sản xuất: 

  • Cháy nổ do nguyên vật liệu gây cháy, bắt cháy: các nguyên liệu như xăng, dầu, khí gas, vật liệu dễ cháy như gỗ, giấy, nhựa… không được bảo quản, thu gom và xử lý đúng cách dẫn đến cháy nổ.
  • Cháy nổ do sự cố về điện: quá tải điện, mối nối không đảm bảo, các thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật gây chập điện và cháy nổ.
  • Không tuân thủ an toàn lao động: người lao động thiếu hiểu biết về các quy định phòng chống cháy nổ nhà xưởng, không được trang bị thiết bị bảo hộ, bỏ qua các bước làm việc an toàn khi sử dụng các đồ vật dễ cháy.

7 biện pháp phòng chống cháy nổ tại nhà xưởng theo khuyến cáo từ Công an PCCC và Tổng thầu xây dựng DELCO 

Tuyệt đối tuân thủ quy định PCCC trong thiết kế – thi công nhà xưởng

Nhà đầu tư cần quy hoạch và tuân thủ đầy đủ các quy định PCCC hiện hành như thiết kế khoang ngăn cháy, lối thoát hiểm, sử dụng vật liệu chống cháy, kết cấu chịu lửa… để ngăn cháy lan hiệu quả, giúp kéo dài thời gian, sơ tán công nhân kịp thời khi hỏa hoạn xảy ra. 

Bên cạnh đó, hệ thống báo cháy, chữa cháy phải được bố trí đầy đủ để kịp thời can thiệp trong trường hợp hỏa hoạn. Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về chất chữa cháy đặc thù cho từng khu vực sản xuất: khu vực phòng điện phải sử dụng hệ thống FM200, khí CO2 hay nitơ…; khu vực hóa chất phải sử dụng hệ thống chữa cháy bằng bọt foam hoặc bột, khí…

Thẩm định hệ thống PCCC tại nhà máy Dainese do DELCO là Tổng thầu Thiết kế - Thi công MEP

Thẩm định hệ thống PCCC tại nhà máy Dainese do DELCO là Tổng thầu Thiết kế – Thi công MEP

Thiết kế hệ thống điện an toàn

Hệ thống điện là cốt lõi vận hành sản xuất, vì vậy doanh nghiệp cần sử dụng hệ thống điện đúng kỹ thuật, tính toán đủ công suất đáp ứng nhu cầu hoạt động của nhà máy để ngăn chặn tình trạng quá tải, sụt áp xảy ra. Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra do quá tải hệ thống điện, dấu nối không đảm bảo giữa nhà xưởng mới và nhà xưởng cũ… dẫn đến chập cháy, hỏa hoạn. 

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện doanh nghiệp cần tránh để vật liệu dễ cháy gần nguồn điện, lắp đặt các thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện trong nhà xưởng, nhà máy, kho hàng và cho từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Doanh nghiệp nên bố trí tủ điện tại những khu vực cách xa nhà kho, đảm bảo hệ thống máng cáp được bố trí hợp lý, đường cáp trong tủ điện gọn gàng, đáp ứng các yêu cầu thẩm mỹ, an toàn cũng như dễ dàng kiểm tra và bảo trì định kỳ.   

Tủ điện công nghiệp

Tủ điện do Tổng thầu DELCO thi công

Xem thêm: Những lưu ý khi thiết kế và thi công hệ thống cơ điện nhà máy

Vận hành thiết bị an toàn, bảo trì đúng hạn

Doanh nghiệp cần đào tạo và giám sát chặt chẽ, đảm bảo người lao động vận hành các thiết bị máy móc đúng cách, an toàn, đúng quy trình. Người lao động cần phải tắt nguồn các thiết bị điện, máy móc dây chuyền khi không sử dụng. Khi thực hiện các công việc tạo ra hạt lửa điện nhỏ như hàn xì phải đeo đồ bảo hộ và che chắn, tránh xa các khu vực nguyên vật liệu, nguồn điện…

Bên cạnh đó, máy móc thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng trong thời gian dài không được bảo trì, hoạt động quá tải có thể dẫn đến phát sinh nhiệt, hoặc rò rỉ nhiên liệu, gây cháy nổ. Do vậy, doanh nghiệp cần kiểm tra và bảo trì thường xuyên để phát hiện kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn, cũng như kéo dài tuổi thọ cho thiết bị. Khi tiến hành bảo trì, doanh nghiệp cần tuân thủ tuyệt đối quy định an toàn lao động, tiến hành khóa cầu dao, ngắt nguồn điện và có cảnh báo không được tự ý mở nguồn điện trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa. Tại khu vực thực hiện bảo dưỡng phải có biển báo, nhân viên bảo dưỡng phải được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân và thao tác theo đúng kỹ thuật, đúng quy trình theo quy định. 

Các biện pháp phòng chống cháy nổ cho nhà xưởng - khuyến cáo từ công an PCCC

Kiểm tra định kỳ thiết bị PCCC

Doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra, bảo trì định kỳ thiết bị PCCC để đảm bảo tính sẵn sàng và khả dụng của hệ thống PCCC. Các thiết bị thuộc hệ thống báo cháy, chữa cháy phải được kiểm tra ít nhất một năm một lần, việc bảo dưỡng toàn bộ hệ thống phải được tổ chức ít nhất 2 năm một lần. Việc kiểm tra và bảo dưỡng các thiết bị cần phải tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và theo TCVN 5738:2021 và TCVN 3890:2023.

Sắp xếp, bảo quản hàng hóa đúng cách

Để phòng chống cháy nổ nhà xưởng, công an PCCC khuyến cáo doanh nghiệp cần sắp xếp hàng hóa, vật liệu theo đúng quy định, luôn đảm bảo có lối đi, lối thoát hiểm khẩn cấp, cũng như tạo khoảng trống chống cháy lan theo quy định… Hàng hóa cần được phân loại theo tính chất dễ cháy và lưu kho tương ứng. Đối với kho chứa hàng hóa, nguyên vật liệu, dung môi dễ cháy phải được quy hoạch và trang bị thiết bị PCCC theo đúng quy định tại QCVN 06:2022. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thường xuyên dọn dẹp, tổ chức vệ sinh nhà xưởng; thu gom, tái chế hoặc tiêu hủy các rác thải, phế phẩm sản xuất như mùn cưa, giấy vụn, vải vụn… theo đúng quy định phòng cháy chữa cháy nhà xưởng và phòng cháy chữa cháy với kho hàng để ngăn chặn trường hợp các vật liệu này bắt lửa gây ra cháy nổ.

Sắp xếp bảo quản hàng hóa đúng cách phòng cháy cháy nổ nhà xưởng kho hàng

Tiến hành xử lý bụi dễ cháy đối với các nhà xưởng đặc thù

Tại các nhà xưởng đặc thù như nhà xưởng chế biến gỗ, sản xuất kim loại, sản xuất nhựa, giấy… thường chứa nhiều bụi dễ cháy như mùn cưa, nhựa, bụi kim loại… Đây đều là những vật liệu dễ bắt lửa khi tiếp xúc với nguồn nhiệt cao. Do đó, doanh nghiệp cần tiến hành vệ sinh nhà xưởng thường xuyên, lắp đặt hệ thống thông gió, hệ thống hút bụi tại nguồn phát sinh, cũng như sử dụng các thiết bị tách bụi đạt chuẩn để giảm nồng độ bụi dễ cháy trong nhà xưởng.

Xây dựng kịch bản chữa cháy, cứu nạn và tổ chức diễn tập thường xuyên

Doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo, xây dựng kịch bản chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, tổ chức diễn tập nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động về nguy cơ cháy nổ, giúp người lao động nắm rõ kiến thức cơ bản về PCCC, cũng như sử dụng thành thạo các thiết bị chữa cháy tại nhà xưởng và nắm rõ quy trình chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo người lao động tuân thủ tuyệt đối các quy trình làm việc, các quy định về phòng chống cháy nổ nhà xưởng, nhà máy như ngắt nguồn điện khi tan làm, nghiêm cấm mang các chất cháy nổ, hút thuốc trong nhà xưởng… 

Đào tạo PCCC tại công trường DELCO

Đào tạo PCCC tại công trường DELCO

Xem thêm : Những điểm mới quan trọng của quy chuẩn an toàn cháy trong lĩnh vực xây dựng nhà máy – Cập nhật 2024

Xem thêm: Xu hướng xây dựng nhà máy công nghiệp 2024

Chia sẻ