QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Đảm bảo an toàn và tiến độ xây dựng nhà xưởng mùa mưa bão

Nhà thầu cần tính đến yếu tố mưa bão như một rủi ro trong quản lý dự án xây dựng và luôn sẵn sàng có các biện pháp đề phòng phù hợp, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công xây dựng nhà máy mùa mưa bão theo đúng cam kết với Chủ đầu tư.

Ảnh hưởng của mưa bão đến thi công xây dựng

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà còn gây ra nhiều khó khăn, rủi ro trong quá trình thi công. 

  • Công tác san lấp, đào đất, móng cọc bị ảnh hưởng: mưa to, kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đất mềm khiến cho việc đào đất dễ bị sạt lở, sụt lún, nhà thầu phải bổ sung thêm các biện pháp gia cố làm tăng chi phí thi công.
  • Các công việc ngoài trời bị gián đoạn: các công việc ngoài trời như xây tường, đổ bê tông, sơn bả… sẽ phải dừng thi công nếu trời mưa to.
  • Vận chuyển nguyên vật liệu chậm trễ: vận chuyển vật liệu có thể bị chậm trễ do mưa bão khiến các phương tiện vận chuyển phải tạm ngừng hoạt động.
  • Tập kết vật liệu khó khăn hơn: khu vực tập kết cần có mái che và hệ thống thoát nước tốt để giữ vật liệu khô ráo, tránh ngập úng.
  • Mất an toàn lao động: mưa khiến mặt đất trơn trượt gây mất an toàn lao động, máy móc thiết bị dễ bị ẩm ướt, làm tăng nguy cơ mất an toàn về điện.

Ảnh minh họa

Giải pháp đảm bảo tiến độ thi công trong mùa mưa hiệu quả

Luôn tính đến yếu tố mùa mưa khi lập kế hoạch thi công

Tùy theo quy mô của nhà máy, thời gian xây dựng có thể kéo dài từ vài tháng đến cả năm, do đó quá trình thi công khó tránh khỏi mùa mưa bão. Chính vì vậy, khi lập kế hoạch thi công luôn phải tính đến yếu tố mùa mưa, thời lượng mưa và mức độ gió giật ở từng vùng để có kế hoạch tiến độ phù hợp. Ở miền Bắc, mưa bão thường tập trung vào tháng 7 và tháng 8, trong khi miền Nam có mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, nhà thầu nên cân đối, hạn chế triển khai các công việc quan trọng như đào móng, đổ bê tông… trong thời gian mưa bão cao điểm của từng vùng, đồng thời chuẩn bị các biện pháp ứng phó với thời tiết xấu, giảm thiểu rủi ro về chậm tiến độ thi công và mất an toàn lao động do mưa bão, ngập úng.

Sắp xếp các hạng mục công việc hợp lý

Trong trường hợp bắt buộc phải thi công trong mùa mưa, nhà thầu cần sắp xếp các hạng mục công việc hợp lý. Khi điều kiện thời tiết khô ráo, nên ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các hạng mục ngoài trời. Khi trời mưa có thể tiến hành thực hiện các công tác xây trát, hoàn thiện trong nhà, lắp đặt hệ thống điện… Việc phối hợp quản lý nhịp nhàng giữa các hạng mục ngoài trời và trong nhà sẽ giúp dự án hoàn thành đúng kế hoạch mà không bị gián đoạn bởi thời tiết, đảm bảo sử dụng tối ưu nguồn lực và thời gian thi công.

Có các biện pháp đề phòng rủi ro từ mưa bão 

Nhà thầu cần tính đến yếu tố mưa bão như một rủi ro trong quản lý dự án xây dựng nhà máy và luôn sẵn sàng có các biện pháp đề phòng phù hợp:

  • Căng bạt che chắn bê tông: tại những khu vực mới đổ bê tông, cần căng bạt che chắn đề phòng mưa lớn gây ảnh hưởng đến chất lượng của hạng mục.
  • Trong quá trình san lấp, đào móng nếu gặp mưa to cần tạm dừng công việc và có các biện pháp gia cố như tường chắn, cọc ván thép để giữ đất, ngăn ngừa sụt lún.
  • Sắp xếp mặt bằng thi công phù hợp, cho phép căng bạt che chắn vật liệu khi cần thiết.
  • Có phương án thoát nước cho công trường: Sử dụng các rãnh và hố lắng cát để thu gom và dẫn nước ra khỏi công trường, bố trí máy bơm công suất lớn để thoát nước khỏi các hố đào sâu.
  • Lên kế hoạch đặt hàng vật tư vật liệu máy móc phù hợp để không gây quá tải mặt bằng thi công.
  • Tổ chức fast track một số đầu việc để đáp ứng kịp tiến độ, bù đắp thời gian bị mất do ảnh hưởng của mưa bão.

Xem thêm: Trách nhiệm của tổng thầu xây dựng đối với công trình

Xem thêm: Các yếu tố giúp nhà đầu tư lựa chọn tổng thầu uy tín

Chia sẻ