QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Khảo sát địa chất nhà máy: Nền tảng thiết kế và giải pháp chịu lực

Khảo sát địa chất giúp đánh giá chính xác các yếu tố địa chất, từ đó đưa ra các phương án thiết kế kết cấu và giải pháp chịu lực tốt nhất cho công trình, tối ưu chi phí và thời gian thi công nhà máy.

Khảo sát địa chất là gì?

Khảo sát địa chất cho nhà máy là quá trình nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên của nền đất nơi dự kiến xây dựng, thu thập các dữ liệu về cấu trúc đất, tính chất cơ lý của các lớp đất nền, các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến nền móng công trình. Tiêu chuẩn khảo sát địa chất cần được tuân thủ trong quy trình khảo sát để đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho công trình. Đối với những khu vực có địa hình phức tạp hoặc đất yếu, quá trình khảo sát còn giúp xác định các yếu tố tiềm ẩn như sụt lún, xói mòn hoặc lở đất. Những thông tin này là cơ sở để đưa ra phương án thiết kế, giải pháp thi công nền móng an toàn và hiệu quả.

Khảo sát địa chất cho nhà máy là quá trình nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên của nền đất nơi dự kiến xây dựng

Khảo sát địa chất gồm nhiều công đoạn, từ việc lấy mẫu đất, phân tích độ ẩm và độ rỗng của đất, cho đến các thí nghiệm tại hiện trường và phòng thí nghiệm để đo lường khả năng chịu tải,… Quy trình khảo sát địa chất cần tuân thủ một số tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng và độ an toàn trong thi công nhà máy.

Tại sao phải khoan khảo sát địa chất công trình?

Tính toán và thiết kế kết cấu, giải pháp chịu lực

Nhà máy là nơi đặt nhiều máy móc công nghiệp có tải trọng lớn. Khảo sát địa chất cung cấp các thông tin quan trọng để đánh giá độ ổn định và khả năng chịu tải của nền đất, từ đó đưa ra thiết kế kết cấu móng phù hợp và giải pháp chịu lực cho công trình nhà xưởng. Nếu không khảo sát địa chất, giả định cường độ đất để tính kết cấu móng là không có cơ sở, thiết kế móng sẽ không chuẩn xác, gây nhiều rủi ro cho nhà máy.

Tính toán và thiết kế kết cấu, giải pháp chịu lực khảo sát địa chất

Với nền đất yếu, như đất sét mềm hoặc đất bùn, dễ lún, có thể lựa chọn biện pháp thi công móng cọc sâu để truyền tải trọng công trình xuống các tầng đất chắc hơn, kết hợp với các biện pháp gia cố nền. Còn với nền đất cứng và ổn định, có thể áp dụng móng nông hoặc móng bè, vừa đảm bảo an toàn vừa tiết kiệm chi phí.

Tối ưu chi phí và thời gian thi công nền móng

Kết quả khảo sát địa chất là cơ sở để tính toán chính xác tải trọng nền nhà xưởng, sức chịu tải của cọc nền theo thời gian, tránh tính toán thiếu tải gây nguy hiểm cho công trình và tốn kém chi phí khắc phục, hoặc tính dư tải gây lãng phí thời gian và chi phí thi công nhà máy.

Khảo sát địa chất cho nhà máy có vai trò gì trong thiết kế giải pháp chịu lực?

Thực tế cho thấy, nhiều công trình không khảo sát địa chất có thể gặp phải rủi ro “tải trọng giả”: Khi ép cọc dựa vào đồng hồ tải trọng thì đạt yêu cầu thiết kế, nhưng theo thời gian, đất ổn định lại, tải trọng thực của cọc đã thay đổi, công trình vẫn bị nghiêng và lún nghiêm trọng. Hoặc có công trình gặp tình trạng ép cọc không đạt được độ dài cần thiết do gặp tầng đất sét cứng, nhiều đầu cọc phải cắt bỏ phần dư gây lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian, trong khi độ an toàn về nền móng vẫn không được đảm bảo.

Xác định rủi ro và giảm thiểu tác động

Bằng việc phân tích cấu trúc và tính chất nền đất, khảo sát địa chất còn giúp xác định các rủi ro khi xây dựng nhà máy có thể ảnh hưởng đến môi trường địa chất, nguồn nước ngầm,… cũng như nguy cơ biến đổi địa chất theo thời gian có thể gây ảnh hưởng đến an toàn và tuổi thọ nhà máy, như nứt tường, nghiêng, lún nền,… Ngoài ra, việc khảo sát địa chất công trình cũng giúp đánh giá tác động của việc xây dựng nhà máy ảnh hưởng đến hạ tầng các công trình lân cận, từ đó đưa ra giải pháp cải tạo hoặc gia cố phù hợp.

Dự án nào bắt buộc phải khảo sát địa chất?

Theo Thông tư 10/2014/TT-BXD, đối với các nhà máy sản xuất, nhà xưởng, nhà kho và các cơ sở công nghiệp, khảo sát địa chất là yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ xin phép xây dựng. Quy định về khảo sát địa chất công trình nêu rõ rằng nếu công trình quy mô nhỏ, liền bên cạnh là công trình khác đã có tài liệu khảo sát địa chất tin cậy, thì việc sử dụng tài liệu khảo sát địa chất bên cạnh để thiết kế nền móng và kiểm tra lại địa chất công trình của mình trong quá trình thi công, cũng là một phương pháp khảo sát địa chất nhưng độ tin cậy thấp.

Dự án nào bắt buộc phải khảo sát địa chất

Ngoài ra, đối với các dự án cải tạo, xây thêm tầng, tăng tải trọng hoặc mở rộng nhà xưởng, việc khảo sát địa chất vẫn cần thiết, giúp đánh giá liệu nền móng hiện tại có đáp ứng các thay đổi về cấu trúc và tải trọng mới của nhà xưởng không.

Thực hiện khảo sát địa chất khi nào và trong bao lâu?

Khảo sát địa chất cần được triển khai sớm ngay từ đầu dự án, trong quá trình chọn địa điểm xây dựng nhà máy, để có dữ liệu chính xác cho thiết kế và quy hoạch nhà máy. Thời gian thực hiện khảo sát địa chất phụ thuộc vào địa điểm xây dựng nhà máy, quy mô dự án, số lượng và chiều sâu hố khoan. Đối với các công trình nhà xưởng quy mô nhỏ dưới 1 ha, khảo sát địa chất thường mất 10 – 12 ngày, dự án từ 1-2 ha cần 12 – 18 ngày, dự án 2-5 ha cần 18-22 ngày… Việc khảo sát kỹ lưỡng không chỉ giúp đảm bảo độ chính xác trong thiết kế mà còn giúp tiết kiệm chi phí bảo trì, sửa chữa nhà xưởng sau này.

 

Xem thêm: Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà xưởng trong khu công nghiệp

Xem thêm: Dịch vụ tư vấn đầu tư xây dựng nhà máy

Chia sẻ