QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Các “siêu thủ phủ công nghiệp” sau sáp nhập: Cơ hội mới cho nhà đầu tư FDI tại Việt Nam

Sau quá trình sáp nhập, Việt Nam dự kiến hình thành ít nhất hai “siêu thủ phủ công nghiệp” lớn, đóng vai trò trung tâm sản xuất và logistics của cả nước.

Bắc Ninh – Bắc Giang: “Siêu thủ phủ công nghiệp” miền Bắc

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, việc sáp nhập Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ tạo nên một trung tâm công nghiệp lớn tại miền Bắc với diện tích khoảng 4.700 km² và dân số hơn 3,6 triệu người.

Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 dẫn đầu cả nước, đạt 13,85%. Trong quý I/2025, con số này tiếp tục đạt 14,02%. Tỉnh hiện sở hữu 16 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp, thu hút 2,23 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024 và quý I/2025.

Còn Bắc Ninh – dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng xếp thứ 9 về quy mô kinh tế, với GRDP năm 2024 đạt hơn 232.800 tỷ đồng và mức tăng trưởng quý I/2025 đạt 9,64%. Hiện tỉnh có 12 khu công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy trên 62%.

Cả Bắc Ninh và Bắc Giang đều là “điểm đến quen thuộc” của các tập đoàn điện tử lớn như Samsung, Foxconn, Canon, Luxshare… Với sự đồng nhất về định hướng phát triển công nghiệp, sự gần gũi về địa lý và khả năng liên kết hạ tầng, việc sáp nhập hai tỉnh này được kỳ vọng sẽ tạo nên một cực tăng trưởng sản xuất và công nghệ cao của miền Bắc, với hơn 20 khu công nghiệp đang hoạt động, hạ tầng logistics phát triển mạnh, và còn nhiều dư địa mở rộng cho giai đoạn tiếp theo.

TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa-Vũng Tàu: “Siêu thủ phủ công nghiệp” miền Nam

Cũng theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tạo nên một “siêu đô thị công nghiệp” có diện tích gần 6.800 km² và dân số vượt 13,7 triệu người.

TP.HCM từ lâu đã là trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất cả nước, nhưng hiện đang đối mặt với thách thức về quỹ đất và hạ tầng cảng biển hạn chế. Trong khi đó, Bình Dương – địa phương có diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước, sở hữu 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.700 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt tới 91%, sẽ giúp giải tỏa áp lực thiếu quỹ đất sản xuất cho TP.HCM. Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu với cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải cùng mạng lưới logistics ven biển, sẽ giúp khu vực này trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu có tính cạnh tranh cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội cho nhà đầu tư FDI

Việc sáp nhập các tỉnh không chỉ tinh gọn bộ máy quản lý mà còn tạo ra những vùng kinh tế có quy mô lớn, với quy hoạch tích hợp giữa công nghiệp – đô thị – dịch vụ – logistics. Đối với nhà đầu tư FDI tại Việt Nam, đây là cơ hội để tiếp cận những khu vực phát triển đồng bộ, thủ tục hành chính thống nhất, quỹ đất mở rộng và hạ tầng hoàn chỉnh.

Các “siêu thủ phủ công nghiệp” sau sáp nhập sẽ có diện tích rộng lớn, quy mô dân số và lực lượng lao động dồi dào, đủ lớn để trở thành trung tâm sản xuất và logistics chiến lược trong khu vực, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI trong thời gian tới.

Nguồn thông tin: Báo Tiền phong

Xem thêm: Bắc Ninh dẫn đầu xu hướng xây dựng nhà máy, nhà xưởng cho FDI

Xem thêm: Những lợi thế khi xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh

Chia sẻ