QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Xây dựng nhà máy tại Bình Dương – địa phương dẫn đầu thu hút nguồn vốn FDI tại Việt Nam nhiều năm liền

Lũy kế đến nay Bình Dương đã thu hút được hơn 41,8 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 3 cả nước chỉ sau TP. HCM và Hà Nội. Dự kiến giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 toàn tỉnh sẽ có trên 40 KCN với cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp bền vững.

Ưu thế nổi bật về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông 

Bình Dương nằm trong Đông Nam Bộ, có lợi thế là cửa ngõ giao thương, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế của cả nước và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ ở Bình Dương rất phát triển, có nhiều tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3, vành đai 4, đường Xuyên Á. Từ Bình Dương có thể kết nối với sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển lớn trong vùng như Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải một cách thuận lợi. 

Song song với việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, Bình Dương cũng phát triển hệ thống giao thông đường sắt. Trong đó, tuyến Dĩ An – Lộc Ninh và tuyến TP HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ – Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ. Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang triển khai thi công, dự kiến năm 2024 sẽ đưa vào khai thác, sẽ giúp Bình Dương kết nối thuận tiện với TP HCM, Đồng Nai. 

Vị trí địa lý thuận lợi giúp Bình Dương có nhiều cơ hội phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội: dễ dàng lưu thông hàng hóa, trao đổi và buôn bán với TP.HCM và các vùng kinh tế lân cận, dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, nhân lực trong và ngoài nước. Địa hình bằng phẳng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng khu công nghiệp, xây dựng nhà máy sản xuất tại Bình Dương, phát triển thế mạnh công nghiệp của tỉnh.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Bên cạnh vị trí đắc địa, giao thông và hạ tầng phát triển, Bình Dương còn là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển các KCN xanh, bền vững. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới tại Bình Dương hướng đến kinh tế tuần hoàn đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Với xu hướng này, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư FDI lớn như tập đoàn Lego với dự án xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên có tổng vốn 1,3 tỷ USD; hay nhà máy Bia AB InBev đã vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, cung cấp 20% nhu cầu điện hàng năm của doanh nghiệp…

Nhà máy Lego tại Bình Dương là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn Lego

Trong các chỉ số thành phần PCI năm 2021, Bình Dương có 05 chỉ số tăng điểm gồm: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tỉnh đang chủ động mọi giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI ngày càng chất lượng và hiệu quả, chuẩn bị thật tốt các điều kiện như quỹ đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa. Thời gian qua, Bình Dương liên tục tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn các nước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương gặp mặt và làm việc với lãnh đạo tập đoàn Tokyu

Trong buổi gặp mặt và làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương và tập đoàn Tokyu, ông Hirohisa Fujiwara – Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn Tokyu cho biết: “Tập đoàn Tokyu đầu tư vào Bình Dương vì tiềm năng kinh tế lớn của tỉnh và môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả. Tập đoàn sẽ đẩy mạnh đầu tư các lĩnh vực khoa học – công nghệ bán dẫn, thương mại – dịch vụ, mô hình TOD (phát triển giao thông gắn với phát triển, quy hoạch đô thị) mà tỉnh đang ưu tiên phát triển trong thời gian tới”.

Với các chính sách khuyến khích đầu tư đúng đắn, môi trường đầu tư thông thoáng, công nghiệp tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Bình Dương đã đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Xem thêm: Giải pháp hỗ trợ, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất tại Bình Dương giai đoạn Covid-19

Phân bố các KCN tại Bình Dương

Bình Dương là một trong những thủ phủ công nghiệp của khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 12.662 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 93%.

Thành phố Thủ Dầu Một

Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Dương, có sông Sài Gòn chảy dọc theo phía Tây, thành phố Thủ Dầu Một có vị trí địa lý tiềm năng. Đây là thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh, là thành phố trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, của khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ Dầu Một có nhiều khu công nghiệp quy mô lớn:

– KCN Sóng Thần III: Quy mô 428,03 ha, thành lập năm 2005

– KCN VSIP II: Quy mô 1.323,74 ha, thành lập năm 2006

– KCN Đại Đăng: Quy mô 219,53 ha, thành lập năm 2005

– KCN Kim Huy: Quy mô 213,63 ha, thành lập năm 2006

– KCN Đồng An II: Quy mô 158,51 ha, thành lập năm 2006

– KCN công nghệ cao Mapletree Bình Dương: Quy mô 74,88 ha, thành lập năm 2005

– KCN Phú Tân: Quy mô 106,54 ha, thành lập năm 2005

Thành phố Thuận An

Thuận An là cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Thủ Dầu Một. Vị trí giáp nhiều quận huyện của Tp.HCM cũng như các khu vực trung tâm tỉnh Bình Dương, dân đông và thị trường lao động dồi dào là lợi thế rất lớn giúp Thuận An thu hút đầu tư.

Thuận An có nhiều khu công nghiệp hiện đại:

– KCN VSIP I: Quy mô 465,27 ha, thành lập năm 1996

– KCN Đồng An: Quy mô 139,58 ha, đi vào hoạt động năm 1996

– KCN Việt Hương: Quy mô 36,06 ha, đi vào hoạt động năm 1996

Dự án xây dựng nhà máy Ắc quy GS Việt Nam thứ 2 – giai đoạn 2

Nhà máy Ắc quy GS thứ 2 do DELCO làm Tổng thầu Design – Build và cung cấp giải pháp nhà máy thông minh tại KCN VSIP Bình Dương – một mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu và hiện đại mang tầm quốc tế.

Thành phố Dĩ An

Dĩ An tiếp giáp với TP. Biên Hòa (Đồng Nai), là cửa ngõ thông thương với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Dĩ An có nhiều KCN có quy mô lớn và đem lại giá trị cao cho sự phát triển kinh tế của vùng:

– KCN Sóng Thần I: Quy mô 178,01ha, thành lập năm 1995

– KCN Sóng Thần II: Quy mô 279,09 ha, thành lập năm 1996

– KCN Tân Đông Hiệp A: Quy mô 50,44 ha, thành lập năm 2000

– KCN Tân Đông Hiệp B: Quy mô 142,30 ha, đi vào hoạt động năm 2001

– KCN Bình An: Quy mô 24,78 ha, thành lập năm 2003

– KCN Bình Đường: Quy mô 16,5 ha, đi vào hoạt động năm 1994

Thị xã Bến Cát

Bến Cát nằm ở trung tâm của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với TP. Thủ Dầu Một, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và huyện Củ Chi của TP.HCM, có sông Sài Gòn chảy qua, địa hình thích hợp cho việc phát triển công nghiệp – nông nghiệp và du lịch.

Bến Cát là vùng đất của cao su, dù hiện tại kinh tế phát triển đa dạng hơn thì giống cây công nghiệp này vẫn chiếm vị thế quan trọng trong nền kinh tế, với các khu công nghiệp:

– KCN Mỹ Phước: Quy mô 376,92 ha, thành lập năm 2002

– KCN Mỹ Phước II: Quy mô 477,39 ha, thành lập năm 2005

– KCN Mỹ Phước III: Quy mô 984,64 ha, thành lập năm 2006

– KCN Quốc tế Protrade (An Tây): Quy mô 494,94 ha, đi vào hoạt động năm 2007

– KCN Rạch Bắp: Quy mô 638,6 ha, thành lập năm 2005

– KCN Việt Hương II: Quy mô 198,75 ha, thành lập năm 2003

– KCN Thới Hòa: Quy mô 202,4 ha, thành lập năm 2004

Xem thêm: Các khu công nghiệp tại Bình Dương thu hút 1,9 tỉ USD vốn FDI, ‘khát’ lao động

Thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên

Thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên có vị trí địa lý tiếp giáp với Đồng Nai, TX Bến Cát, huyện Phú Giáo và Bàu Bàng, có nhiều KCN lớn như:

– KCN VSIP III: Quy mô 1000 ha, thành lập năm 2008

– KCN Tân Bình: Quy mô 352,5 ha, thành lập năm 2012

– KCN KSB (Đất Cuốc): Quy mô 523,22 ha, thành lập năm 2007

Huyện Bàu Bàng

Là một huyện mới, Bàu Bàng đang trong giai đoạn bước đầu hình thành và phát triển. Nhờ có vốn đầu tư nước ngoài, Bàu Bàng là vùng đất tiềm năng thu hút doanh nghiệp, lao động và các dự án bất động sản. KCN Bàu Bàng là địa điểm lý tưởng thu hút nhà đầu tư trong những năm gần đây: Quy mô 997,74 ha, tỷ lệ lấp đầy chỉ 17,16%, tập trung thu hút các ngành nghề công nghệ như điện tử, tin học, truyền thông và viễn thông, công nghệ ô tô và các ngành phụ trợ… Ngoài ra huyện còn có KCN Cây Trường với diện tích khoảng 700 ha, quy mô lao động 35.000 người.

 

Các KCN dự kiến thành lập tại Bình Dương giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050

  1. KCN Tân Lập I
    Diện tích: 200 ha
    Địa điểm: huyện Bắc Tân Uyên
  2. KCN Lai Hưng
    Diện tích: 600 ha
    Địa điểm: huyện Bàu Bàng
  3. KCN Vĩnh Lập
    Diện tích: 750 ha
    Địa điểm: huyện Phú Giáo
  4. KCN Bình Dương Riverside ISC
    Diện tích: 600 ha
    Địa điểm: Thị xã Bến Cát
  5. KCN Bàu Bàng 3
    Diện tích: 1.146 ha
    Địa điểm: huyện Bàu Bàng
  6. KCN Bàu Bàng 4
    Diện tích: 500 ha
    Địa điểm: huyện Bàu Bàng
  7. KCN Bắc Tân Uyên 1
    Diện tích: 786 ha
    Địa điểm: TP. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên
  8. KCN Bắc Tân Uyên 2
    Diện tích: 425 ha
    Địa điểm: huyện Bắc Tân Uyên
  9. KCN Bắc Tân Uyên 3
    Diện tích: 288 ha
    Địa điểm: huyện Bắc Tân Uyên
  10. KCN Dầu Tiếng 1A
    Diện tích: 800 ha
    Địa điểm: huyện Dầu Tiếng
  11. KCN Dầu Tiếng 4
    Diện tích: 782 ha
    Địa điểm: huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng
  12. KCN Dầu Tiếng 5
    Diện tích: 500 ha
    Địa điểm: huyện Dầu Tiếng
  13. KCN Phú Giáo 1
    Diện tích: 550 ha
    Địa điểm: huyện Phú Giáo
  14. KCN Phú Giáo 4
    Diện tích: 1.000 ha
    Địa điểm: huyện Phú Giáo

Các KCN dự kiến thành lập sau năm 2030 tại Bình Dương

  1. KCN Bắc Tân Uyên 4
    Diện tích: 770 ha
    Địa điểm: huyện Bắc Tân Uyên
  2. KCN Bắc Tân Uyên 5
    Diện tích: 500 ha
    Địa điểm: huyện Bắc Tân Uyên
  3. KCN Bàu Bàng 5
    Diện tích: 1.000 ha
    Địa điểm: huyện Bàu Bàng
  4. KCN Phú Giáo 3
    Diện tích: 500 ha
    Địa điểm: huyện Phú Giáo

 

 

 

 

Nguồn: Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương

Chia sẻ