Cấp giấy phép xây dựng là thủ tục quan trọng và là một trong những điều kiện để xây dựng hợp pháp nhà máy tại Việt Nam. Vậy nhà đầu tư cần chuẩn bị và lưu ý gì để có thể tiến vào thị trường này?
Việt Nam – điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư
Việt Nam là đất nước đáng để đầu tư xây dựng nhà máy khi có vị trí địa lý chiến lược tốt và có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Hiện nay, Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư lớn như Intel, Samsung, LG, Foxconn, Canon,…
Theo VnEconomy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vào 4 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu khởi sắc tích cực. Ngoài ra, cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đa dạng với đủ loại ngành nghề khác nhau.
Biểu đồ thể hiện tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 04 tháng đầu năm 2023 (đv: tỷ USD) (Nguồn: VnEconomy, 2023)
Tuy nhiên, hầu hết những doanh nghiệp đầu tư vào thị trường Việt Nam đều phải có những giấy tờ pháp lý liên quan để tiến hành xây dựng nhà máy trong đó bao gồm hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng. Dưới đây là cách xin giấy phép xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà máy tại Việt Nam: hồ sơ, quy trình, lệ phí
Tổng hợp hồ sơ tư vấn thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà máy tại Việt Nam
Giấy phép xây dựng là cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện việc hồ sơ thiết kế và tiến trình thành lập nhà máy của nhà đầu tư tuân thủ đúng các quy chuẩn, quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, giấy phép xây dựng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, công nhận tính pháp lý của công trình, là tài liệu bắt buộc phải có khi muốn nghiệm thu, vận hành nhà máy.
Căn cứ Điều 102 Luật Xây dựng 2014, quy trình xin phép xây dựng nhà máy gồm các bước dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà máy, nhà xưởng
Căn cứ Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà nhà xưởng, nhà máy bao gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép xây dựng nhà xưởng, nhà máy theo mẫu.
- Giấy tờ đầu tư, đăng ký kinh doanh của CĐT
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất (hợp đồng thuê đất, thuê nhà xưởng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…)
- Văn bản thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có)
- Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế
- Bản vẽ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đã được thẩm định
- Chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC và bản vẽ được thẩm duyệt PCCC kèm theo
- Giấy phép môi trường hoặc giấy tờ đăng ký môi trường của dự án
Bước 2: Nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng nhà máy tại Việt Nam?
Hầu hết các nhà máy, nhà xưởng với quy mô sản xuất tầm trung thường được quy định là công trình cấp III hoặc cấp IV. Theo đó, cơ quan có quyền cấp giấy phép xây dựng nhà máy, nhà xưởng sẽ là Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Ban quản lý khu công nghiệp, chi tiết phụ thuộc vào quy định riêng của từng tỉnh thành.
Trường hợp nhà máy, nhà xưởng có các lĩnh vực sản xuất đặc thù hoặc quy mô lớn, được tính là công trình cấp II thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhà máy là Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Thời hạn giải quyết hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà máy, nhà xưởng: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Trả kết quả
Trường hợp đến hạn cấp giấy phép nhưng vẫn cần xem xét thêm thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo và thời hạn giải quyết không quá 10 ngày.
Lệ phí thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà xưởng, nhà máy
Theo Thông tư 85/2019/TT-BTC , lệ phí cấp giấy phép xây dựng do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định. Do vậy, tùy vào vị trí tỉnh thành đặt nhà máy mà lệ phí xin cấp phép xây dựng ở mỗi nơi sẽ khác nhau.
Dưới đây là bảng tổng hợp mức thu lệ phí xin cấp phép xây dựng nhà máy tại các tỉnh, thành phố công nghiệp phổ biến để các nhà đầu tư tham khảo:
Các mức phạt nếu xây dựng nhà máy khi chưa có giấy phép xây dựng
Theo khoản 7, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi tổ chức, thi công xây dựng công trình không có giấy phép là từ 120.000.000 đến 140.000.000 triệu đồng. Ngoài ra, không chỉ bị xử phạt tiền, các công trình này sẽ không nghiệm thu được và bị buộc phá dỡ, buộc phải tuân thủ lại theo đúng luật lệ, quy định ở Điều 81 của Nghị định này.
Vào cuối năm 2022, tại Hải Dương, công ty K. Việt Nam đã bị phạt gần 400 triệu đồng do thi công tổ chức hàng loạt 3 công trình, nhà xưởng không phép: Nhà xưởng 7, Nhà xưởng 8 và nhà Kiểm tra.
Cùng với đó, tại Quảng Ngãi, Công ty Thương mại và dịch vụ T. bị xử phạt 165 triệu đồng và bị tháo dỡ vì không có giấy tờ xây dựng và các thủ tục pháp lý khác.
Những lưu ý về thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà máy tại Việt Nam
Trước khi xin giấy phép xây dựng thì nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý chuẩn bị những hồ sơ sau:
- Giấy tờ chứng nhận đầu tư (IRC), chứng minh quyền sử dụng đất
- Thẩm duyệt PCCC theo quy chuẩn từ QCVN 06:2022/BXD – Quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình
- Kết quả thực hiện thủ tục BVMT – theo quy chuẩn từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
- Hồ sơ được thiết kế đảm bảo theo QCVN 01:2021/BXD về mật độ xây dựng
Nếu hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà máy, nhà xưởng không đáp ứng được những quy chuẩn này thì các nhà đầu tư sẽ mất nhiều thời gian, chi phí để chỉnh sửa cho phù hợp, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và kế hoạch sản xuất tại Việt Nam.
— Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO® Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ hình ảnh, nội dung nào khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO®. —
Xem thêm: Thay đổi trong Thông tư 01/2021/TT-BXD về thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng
Xem thêm: Quy định về nhà thầu trong xây dựng