QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Quy trình và thủ tục thành lập nhà máy tại Việt Nam cho nhà đầu tư FDI – Cập nhật 2023

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết và toàn diện các quy trình, thủ tục thành lập nhà máy cho nhà đầu tư, đặc biệt là các cá nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, từ việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng đến các thủ tục cấp giấy phép môi trường, PCCC…

Các thủ tục thành lập nhà máy tại Việt Nam

Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Giấy chứng nhận đầu tư (IRC) là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện thủ tục thành lập nhà máy tại Việt Nam, thực hiện dự án đầu tư một cách hợp pháp, cũng như có quyền sử dụng đất, thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (theo mẫu);
  • Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu xác nhận tư cách pháp lý;
  • Bản đề xuất dự án đầu tư;
  • Bản sao tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ (nếu có)
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý

  • Nộp hồ sơ kê khai trực tuyến tại http://fdi.gov.vn hoặc http://dautunuocngoai.gov.vn
  • Trong vòng 15 ngày sau khi kê khai trực tuyến, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận đầu tư (IRC) trực tiếp tại Sở Kế hoạch và đầu tư.

Thời gian xử lý hồ sơ

15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Lệ phí

Không.

Một vài dự án đặc biệt, quy mô rất lớn và phức tạp như dự án xây nhà máy điện hạt nhân, dự án có vốn từ 5000 tỷ đồng trở lên, dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao… thì không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà bắt buộc phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh.

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thành lập công ty tại Việt Nam

Nhà đầu tư khi muốn làm thủ tục thành lập nhà máy sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, bắt buộc phải đăng ký doanh nghiệp, thành lập công ty tại Việt Nam, để có tư cách pháp nhân hợp lệ, hoạt động dưới quy định cũng như hưởng các quyền lợi và sự bảo vệ của pháp luật Việt Nam.

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

  • Giấy đề nghị Đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
  • Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
  • Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu xác nhận tư cách pháp lý;
  • Quyết định góp vốn và bổ nhiệm người quản lý; Danh sách người đại diện theo ủy quyền;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý

  • Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính

Thời gian xử lý hồ sơ

3 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Lệ phí

100.000 đồng/lần

Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty cho nhà đầu tư nước ngoài

Thủ tục đất đai để xây dựng nhà máy

Khi muốn xây dựng nhà máy, nhà xưởng trong khu công nghiệp, nhà đầu tư cần thực hiện các thủ tục thuê đất với Ban quản lý Khu công nghiệp. Trường hợp nhà đầu tư muốn xây dựng nhà xưởng trên đất ngoài khu công nghiệp (đất ở, đất nông nghiệp), bắt buộc phải tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thủ tục thành lập nhà máy trong khu công nghiệp

Hồ sơ thuê đất trong KCN
  • Hồ sơ thuê đất;
  • Hợp đồng đặt cọc giữ đất. 
  • Hợp đồng cho thuê đất chính thức với chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp;

Khi thuê đất trong KCN, Chủ đầu tư hạ tầng KCN sẽ chịu trách nhiệm tất cả các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư. Đây cũng là bước đệm để nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, kế hoạch để xin cấp phép đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tục thành lập nhà máy ngoài khu công nghiệp

Đất ở và đất nông nghiệp không thuộc phạm vi được phép xây dựng nhà xưởng công nghiệp, do đó nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Hồ sơ đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất
  • Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất (theo mẫu)
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 
Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý

Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi sử dụng đất.

Thời gian xử lý

Không quá 15 ngày.

Thủ tục xây dựng nhà máy và các thủ tục cấp phép liên quan

Sau khi hoàn thành các thủ tục thành lập nhà máy và có quyền sử dụng bất động sản công nghiệp, nhà đầu tư tiến hành lựa chọn nhà thầu thiết kế – thi công phù hợp. 

Để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các thủ tục xin cấp phép sau đây, nhà đầu tư chỉ nên thực hiện sau khi đã chọn được nhà thầu thiết kế, xây dựng phù hợp nhất và có phương án thiết kế kỹ thuật cuối cùng. Những tổng thầu xây dựng tại Việt Nam có uy tín và chất lượng có thể tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục xin phép xây dựng, thủ tục mở xưởng sản xuất nhanh, hiệu quả, đảm bảo tính pháp lý và chất lượng xây dựng sau này.

Thủ tục bảo vệ môi trường

Thủ tục bảo vệ môi trường là một trong những cơ sở để doanh nghiệp xin cấp phép xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào vận hành sau này. Qua quá trình cấp giấy phép môi trường, các cơ quan chức năng đánh giá tác động của dự án đến môi trường, đảm bảo doanh nghiệp có biện pháp xử lý, quản lý các nguồn thải ra môi trường nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.

Các thủ tục giấy phép môi trường ở Việt Nam chia làm 3 loại, tuỳ theo lĩnh vực sản xuất và quy mô của nhà máy: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Kế hoạch bảo vệ môi trường, Giấy phép môi trường.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường

Tất cả các dự án thuộc nhóm I và một số dự án thuộc nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo Luật Môi trường 2020… sẽ phải xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Hồ sơ ĐTM
  • 01 bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo mẫu);
  • 07 bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. 
  • 01 bản báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo dự án đầu tư.
Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý

Ủy ban nhân dân tỉnh; Bộ Tài nguyên và Môi trường

Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô nhỏ, phát sinh lượng nước thải từ 20 – 500 m3/ngày hoặc chất thải rắn từ 1 – 10 tấn/ngày hoặc khí thải từ 5.000 – 20.000 m3 khí thải/giờ, trong thủ tục thành lập nhà máy chỉ cần xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, không cần lập ĐTM.

Hồ sơ xác nhận kế hoạch BVMT
  • 03 bản kế hoạch bảo vệ môi trường (theo mẫu)
  • 01 báo cáo đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý

Ủy ban nhân dân cấp huyện

Xin cấp giấy phép môi trường

Trừ các dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường thuộc nhóm IV theo luật Bảo vệ môi trường 2020, tất cả dự án đều phải xin cấp giấy phép môi trường.

Hồ sơ xin cấp GPMT
  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường (theo mẫu);
  • Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;
  • Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư.
Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Sau khi hoàn thành các thủ tục thành lập nhà máy cũng như hoàn thiện thi công xây dựng, doanh nghiệp cần báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.

Xin phê duyệt giấy phép phòng cháy chữa cháy

Xin phê duyệt Giấy phép phòng cháy chữa cháy là một bước rất quan trọng trong thủ tục thành lập nhà máy, quyết định dự án đã đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật, có thể được cấp phép xây dựng.

Hồ sơ xin thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC)

  • Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp PCCC của chủ đầu tư (theo mẫu)
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
  • Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC
  • Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp PCCC
  • Dự toán xây dựng công trình
  • Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC. Hồ sơ thiết kế phải tuân thủ các quy chuẩn 06:2020 và 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy 

  • Bản sao hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC đã được đóng dấu của cơ quan Cảnh sát PCCC;
  • Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC;
  • Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống PCCC;
  • Các bản vẽ hoàn công hệ thống PCCC và các hạng mục liên quan phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
  • Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống PCCC; 
  • Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến PCCC;
  • Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống PCCC.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy 

  • Đơn đề nghị cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy” (theo mẫu);
  • Bản sao chứng thực giấy chứng nhận thẩm quyền về PCCC; Văn bản nghiệm thu PCCC;
  • Bản thống kê toàn bộ phương tiện PCCC và phương tiện cứu người đã trang bị (theo mẫu);
  • Các phương án chữa cháy;
  • Quyết định về việc thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở kèm danh sách cá nhân đã qua đợt huấn luyện về PCCC.

Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý

Cục Cảnh sát PCCC hoặc Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh.

Thời gian xử lý hồ sơ:

15 – 20 ngày tùy tình hình thực tế.

Lệ phí: 

Tối thiểu là 500.000đ/dự án; tối đa là 150.000.000đ/dự án

Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng

Giấy phép xây dựng là bước cuối cùng trong thủ tục thành lập nhà máy, đảm bảo công trình nhà máy tuân thủ đúng các quy chuẩn, quy định của pháp luật Việt Nam. Không có giấy phép xây dựng, nhà đầu tư có thể bị phá dỡ công trình, không được nghiệm thu và đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất hợp pháp.

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà máy:

  • Đơn xin cấp giấy phép xây dựng nhà xưởng, nhà máy theo mẫu.
  • Giấy tờ đầu tư, đăng ký kinh doanh của CĐT
  • Giấy tờ về quyền sử dụng đất (hợp đồng thuê đất, thuê nhà xưởng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…)
  • Quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư
  • Văn bản thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có)
  • Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế
  • Bản vẽ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đã được thẩm định
  • Chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC và bản vẽ được thẩm duyệt PCCC kèm theo
  • Giấy phép môi trường hoặc giấy tờ đăng ký môi trường của dự án
  • Giấy giới thiệu nộp hồ sơ

Nơi nộp hồ sơ / Cơ quan xử lý:

Hầu hết các nhà máy, nhà xưởng với quy mô trung bình thuộc công trình cấp III hoặc cấp IV, cơ quan cấp phép xây dựng là Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Ban quản lý khu công nghiệp.

Nhà máy, nhà xưởng thuộc ngành sản xuất đặc thù, quy mô lớn, là công trình cấp II thì cơ quan cấp phép xây dựng là Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Thời gian xử lý hồ sơ:

Không quá 20 ngày kể từ khi nộp hồ sơ hợp lệ.

Lệ phí:

Tùy quy định của từng địa phương.

Xem thêm: Thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà máy tại Việt Nam

Sau khi được cấp Giấy phép môi trường, Giấy phép PCCC và Giấy phép xây dựng, nhà đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm thi công lắp đặt công trình, hoàn thành nghiệm thu công trình với cơ quan chức năng đạt yêu cầu theo giấy phép đã được cấp. Khi đó nhà máy mới được phép vận hành hoạt động.

Đâu là nơi có quỹ bất động sản công nghiệp phát triển nhất để xây dựng nhà máy?

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), top 5 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất cả nước là Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Long An và Bắc Ninh. 

Theo dự thảo Quy hoạch các tỉnh thành thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên là tỉnh có quỹ đất dự kiến cho phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước với 15.798 ha, đồng thời hứa hẹn nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư khi tiến hành thủ tục thành lập nhà máy tại đây.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, từng là tổng thầu thiết kế – thi công của nhiều nhà máy FDI thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau tại nhiều khu công nghiệp lớn ở Việt Nam, DELCO am hiểu và có thể tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục thành lập nhà máy, đảm bảo đưa công trình đi vào hoạt động theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. 

— Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO® Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ hình ảnh, nội dung nào khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO®. — 

Chia sẻ