Năm 2023, Thái Bình thu hút FDI đạt gần 3 tỷ USD, xếp thứ 5/63 tỉnh thành trên cả nước và trở thành điểm đến mới đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ những chính sách phát triển, ưu đãi hấp dẫn cũng như quỹ đất dồi dào tại các khu công nghiệp ở Thái Bình.
Tình hình kinh tế tỉnh Thái Bình hiện nay
Năm 2023, Thái Bình đã thu hút vốn đầu tư FDI gần 3 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022 và xếp thứ 5/63 tỉnh thành trên cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp ở Thái Bình. Khác với các tỉnh có tỷ lệ lấp đầy ở các KCN cao như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… Thái Bình có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp, giá đất công nghiệp cạnh tranh giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí đầu tư hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thái Bình là tỉnh đang phát triển nên quỹ đầu tư vào hạ tầng lớn, nhiều khu công nghiệp mới ở Thái Bình được xây dựng, hệ thống giao thông liên tỉnh mở rộng giúp giao thương giữa các tỉnh trở nên thuận lợi hơn. Đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án trọng điểm như VSIP Thái Bình, nhà máy Pegavision Việt Nam và đặc biệt là dự án nhà máy Điện khí LNG với tổng vốn đầu tư lên tới 1,99 tỷ USD.
Thái Bình chấp nhận chủ trương đầu tư nhà máy nhiệt điện LNG với quy mô 1.500 MW – Ảnh minh họa
Tiềm năng phát triển kinh tế tại Thái Bình
Vị trí địa lý giáp biển, hệ thống giao thông hiện đại đang từng bước hoàn thiện
Thái Bình là tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, sở hữu bờ biển dài 52km với 5 cửa sông lớn cùng các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 và tuyến đường bộ ven biển… giúp rút ngắn thời gian và khoảng cách di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến các cảng biển nước sâu Đình Vũ, Lạch Huyện, sân bay Vân Đồn, cửa Khẩu Móng Cái…
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc gồm: cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 – Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế Thái Bình với thành phố Thái Bình và vùng kinh tế phía tây bắc thủ đô Hà Nội, giúp việc giao thương trở nên thuận tiện hơn. Ngoài ra, Thái Bình còn có nhiều điều kiện lấn biển để triển khai xây dựng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp thân thiện với môi trường phù hợp với xu hướng công nghiệp xanh hiện nay.
Tuyến đường bộ ven biển kết nối giao thương liên vùng giữa Thái Bình và các tỉnh ven biển
Hạ tầng khu công nghiệp được chú trọng đầu tư
Hiện nay, Thái Bình đang có 10 khu công nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với diện tích 30.583ha với khu công nghiệp Liên Hà Thái – khu công nghiệp lớn nhất ở Thái Bình đang được triển khai và đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn. Đặc khu kinh tế Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km…
Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 – 2025, Thái Bình dự kiến sẽ huy động khoảng 237.000 tỷ đồng và khoảng 577.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030 để đầu tư về kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các dự án lớn. Ngoài ra, Thái Bình sẽ xây dựng 3 khu bến cảng mới là khu bến Diêm Điền, khu bến Trà Lý và khu bến Ba Lạt, cũng như quy hoạch phát triển điện gió ven biển khu vực giáp khu du lịch Cồn Đen và giáp cửa Trà Lý.
KCN Liên Hà Thái thuộc khu kinh tế Thái Bình (Ảnh phối cảnh)
Tiềm năng khoáng sản
Thái Bình có nguồn năng lượng điện, than và khí đốt tự nhiên lớn; nguồn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, cát làm vật liệu xây dựng dồi dào. Trong đó, Tiền Hải sở hữu nhiều tài nguyên với trữ lượng lớn như mỏ khí đốt Tiền Hải được khai thác từ năm 1986 phục vụ cho sản xuất thủy tinh, đồ sứ, gạch ốp lát, xi măng trắng thuộc khu công nghiệp Tiền Hải, mỏ nước khoáng Tiền Hải có trữ lượng tĩnh khoảng 12 triệu m³, đã khai thác từ năm 1992 được thị trường biết đến với các nhãn hiệu nước khoáng Vital, nước khoáng Tiền Hải… Như vậy, với tài nguyên khoáng sản có sẵn, nhà đầu tư khi xây dựng nhà máy tại các kcn ở Thái Bình có thể sử dụng nguyên vật liệu ngay tại địa phương như cát, khí đốt… giúp giảm chi phí vận chuyển cũng như chi phí xây dựng, vận hành nhà máy.
Giàn khoan mỏ khí Thái Bình
Nguồn lao động trẻ, dồi dào
Thái Bình là một trong những tỉnh có nguồn lao động trẻ, dồi dào với dân số gần 1,9 triệu người, trong đó có trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Đặc biệt những năm gần đây, tỉnh chú trọng đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu về trình độ của các nhà đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó có 3 trường cao đẳng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nghề cung ứng cho khu công nghiệp đạt khoảng 61%.
Xem thêm: 5 Đặc điểm tính cách lao động Việt Nam trong công việc
Các chính sách, ưu đãi thu hút đầu tư
Các chính sách phát triển
Nhằm thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp ở Thái Bình, tỉnh đã đã đưa ra các chính sách phát triển cụ thể như đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Thái Bình đã xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hình thức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực của người lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ thông tin, chú trọng đầu tư hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin của tỉnh.
Ưu đãi đầu tư cho các khu công nghiệp ở Thái Bình
Ngoài những chính sách thuận lợi, xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp ở Thái Bình chủ đầu tư còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế suất như:
- Áp dụng thuế suất thu nhập 20% trong thời gian 10 năm,
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 2 năm
- Giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo theo quy định của nhà nước.
Bên cạnh đó, khi đầu tư tại khu kinh tế Thái Bình, nhà đầu tư còn được hưởng những ưu đãi riêng khác như:
- Được áp dụng tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất là 0,6% đối với các dự án đầu tư thuộc ngành nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh.
- Được hỗ trợ san lấp mặt bằng trong vòng 5 năm với mức hỗ trợ từ 35.000 – 80.000 đồng/m2 trên tổng diện tích thực hiện san lấp tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
- Được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND của tỉnh Thái Bình.
Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty cho nhà đầu tư nước ngoài
Thái Bình có bao nhiêu khu công nghiệp? Danh sách các khu công nghiệp ở Thái Bình
Thái Bình hiện có 10 KCN, bao gồm 2 KCN thành lập mới và 8 KCN đã và đang được đầu tư xây dựng với tổng diện tích quy hoạch đạt 1.930ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 53%. Trong đó, có 3 KCN đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% gồm: KCN Phúc Khánh, KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Gia Lễ; 5 KCN còn lại vẫn đang tiếp tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm KCN Sông Trà, Cầu Nghìn, Tiền Hải, Liên Hà Thái và Thaco – Thái Bình.
Các khu công nghiệp đang hoạt động
-
Khu công nghiệp Sông Trà
- Diện tích: 150,48 ha
- Địa điểm: huyện Vũ Thư và thành phố Thái Bình
- Thời gian vận hành: 50 năm (2012 – 2062)
-
Khu công nghiệp Tiền Hải
- Diện tích: 466 ha
- Địa điểm: huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
- Thời gian vận hành: 50 năm (2017 – 2067)
-
Khu công nghiệp Cầu Nghìn
- Diện tích: 211,52 ha
- Địa điểm: huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
- Thời gian vận hành: 50 năm (2012 – 2062)
-
Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh
- Diện tích: 75,06 ha
- Địa điểm: thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
- Thời gian vận hành: 50 năm (2004 – 2054)
-
Khu công nghiệp Gia Lễ
- Diện tích: 84,7 ha
- Địa điểm: huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
- Thời gian vận hành: 50 năm (2011 – 2061)
-
Khu công nghiệp Phúc Khánh
- Diện tích: 159,03 ha
- Địa điểm: thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
- Thời gian vận hành: 50 năm (2002 – 2052)
-
Khu công nghiệp Liên Hà Thái
- Diện tích: 588,84 ha
- Địa điểm: huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
- Thời gian vận hành: 50 năm (2021 – 2071)
-
Khu công nghiệp Thaco – Thái Bình
- Diện tích: 194,36 ha
- Địa điểm: huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
Các khu công nghiệp thành lập mới
-
Khu công nghiệp Hải Long
- Diện tích: 296,97 ha
- Địa điểm: huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
-
Khu công nghiệp VSIP Thái Bình
- Diện tích: 333,4 ha
- Địa điểm: huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Xem thêm: Xây mới hay thuê nhà xưởng: các yếu tố nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi quyết định
Liên hệ: Tư vấn đầu tư xây dựng nhà máy – Chuẩn hóa quy trình đầu tư, tối ưu chi phí tổng thể