Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng tăng 6%. Việc tăng lương người lao động được dự đoán sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đề xuất tăng lương tối thiểu tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2022
Tâm lý người lao động Việt Nam giai đoạn hậu Covid
Đại dịch Covid đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội, người lao động lại phải trải qua giai đoạn có tỷ lệ thất nghiệp cao, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp. Trong tổng số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,9 triệu người bị mất việc, chiếm 1,2%; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 6,7%; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 7,6% và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 18,3% (theo Báo cáo tác động của dịch Covid đến tình hình lao động, việc làm Quý I năm 2022 của Tổng cục Thống kê).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bên cạnh đó, công nhân có tâm lý không còn thiết tha với việc làm cố định, hơn 200.000 người đã rút bảo hiểm 1 lần để chuyển sang làm tự do hoặc thời vụ. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, ước tính trong 4 tháng đầu năm, đã có trên 302.000 lao động trên cả nước rút BHXH một lần.
Giai đoạn gần đây, sự tăng lên của giá xăng (tăng lên gần 33.000 đồng/lít) còn kéo theo sự tăng thêm các chi phí sinh hoạt khác khiến người lao động khó khăn hơn với cuộc sống thường nhật. Đa số người lao động hiện nay đều có mong muốn các doanh nghiệp điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp lương và cải thiện các chế độ đãi ngộ khác cho phù hợp với bối cảnh kinh tế.
Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và đề xuất tăng mức lương tối thiểu giờ là việc làm cần thiết, phù hợp với bối cảnh thị trường lao động hiện nay. Đề xuất không chỉ góp phần cải thiện đời sống của người lao động, mà còn giúp phục hồi thị trường lao động, phục hồi sản xuất giai đoạn hậu Covid.
Phiên họp về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022
Xem thêm: 5 Đặc điểm tính cách lao động Việt Nam trong công việc
Đề xuất tăng lương tối thiểu tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2022
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng hoặc theo giờ.
Để đảm bảo mức sống của người lao động trong tình hình mới, hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam đã đề xuất các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành, cụ thể:
Đơn vị: đồng/tháng
Mức lương tối thiểu | Vùng I | Vùng II | Vùng II | Vùng IV |
Hiện tại | 4.420.000 | 3.920.000 | 3.430.000 | 3.070.000 |
Theo đề xuất | 4.680.000 | 4.160.000 | 3.640.000 | 3.250.000 |
Tác động của đề xuất tới môi trường lao động và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
Về mặt lý thuyết, đề xuất này không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp FDI bởi hầu hết họ đều đang trả cao hơn lương tối thiểu để thu hút lao động, trung bình từ 4 đến 9 triệu/tháng.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội, quý I, quý IV năm 2021 và quý I năm 2022
Nguồn: Tổng cục thống kê
Tuy nhiên xét trên thực tế, các doanh nghiệp FDI sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi:
Nhiều người lao động sẽ mong chờ được tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ nếu lương tối thiểu được tăng. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp, nếu không có chính sách hay giải pháp phù hợp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu suất làm việc của công nhân, gây khó khăn khi tuyển người mới cũng như giữ chân các nhân sự đã quen việc. Sau đại dịch, việc tuyển dụng lao động cũng khá khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu tăng sẽ làm tăng chi phí tuyển dụng cũng như nguồn chi thường xuyên của doanh nghiệp, đặc biệt với các nhà máy cần một lượng lớn công nhân. Lúc này, không chỉ lương tăng mà các khoản phúc lợi khác cũng phải tăng thêm, điều này có thể gây áp lực tài chính cho các doanh nghiệp.
Đứng trước một số thách thức đó, các doanh nghiệp nên quan tâm, xây dựng các chế độ đãi ngộ cũng như chính sách lương thưởng khuyến khích như thưởng tăng ca, thưởng hiệu quả sản xuất, chế độ phúc lợi công đoàn, bảo hiểm… Doanh nghiệp cũng cần tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh, đảm bảo sức khỏe và đời sống tinh thần của công nhân. Các phương án điều chỉnh về hạ tầng nhà máy như lắp đặt hệ thống chống nóng vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông, các lối đi bộ có mái hiên, hệ thống canteen thoáng mát, cây xanh… sẽ góp phần không nhỏ trong việc giữ chân lao động cũng như thu hút thêm nhân sự trong thời điểm này.
Xem thêm: Thủ tục xin visa đầu tư tại Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài