Lương Gross hay NET?
Lương gross là tổng thu nhập mà người lao động nhận được, bao gồm cả lương, phụ cấp, trợ cấp, hoa hồng… Người lao động nhận lương gross hàng tháng phải trích ra một khoản tiền theo quy định để đóng bảo hiểm xã hội (Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động phải đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ bảo hiểm y tế).
Để thu hút các công nhân có tay nghề, các công ty ở Việt Nam thường đặt mức lương gross trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Cơ cấu thu nhập gồm lương cơ bản, phụ cấp, thưởng năng suất…
Lương net là lương đã trừ đi các khoản như bảo hiểm, tiền thuế thu nhập cá nhân hoặc các khoản phải khấu trừ khác của người lao động.
Như vậy, lương gross = lương net + 10,5% tiền bảo hiểm; trong khi đó, lương net = lương gross – 10,5% tiền bảo hiểm. Lương gross là tổng thu nhập; lương net là lương thực nhận.
Tham khảo thêm: Lương cơ bản ở Việt Nam: những vấn đề nhà đầu tư cần biết
Những yếu tố ảnh hưởng đến lao động khi đàm phán lương
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng công nhân Việt Nam có thói quen so sánh mức lương của các nhà máy khác nhau, tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Điều này không sai. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh về nhân lực, bên cạnh lương và hứa hẹn tăng lương, công nhân lành nghề ở Việt Nam còn quan tâm đến các yếu tố khác như: điều kiện làm việc, cách thức quản lý… của nhà máy.
- Điều kiện làm việc: các cơ sở hạ tầng như hệ thống kí túc xá, nhà ăn, hệ thống điều hòa – thông gió – không gian làm việc… có đảm bảo chất lượng sống hay không? Điều kiện làm việc có được đảm bảo hay không…?
- Cách thức quản lý: cách thức quản lý – tính sản lượng của nhà máy có hợp lý hay không? Có đảm bảo tính công bằng không?
Vì vậy, bên cạnh quan tâm về phân phối lương / thu nhập, Chủ đầu tư cũng nên quan tâm về cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc… cũng như áp dụng một số công nghệ mới trong quản lý nhằm mang lại một hệ thống quản lý công bằng, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tham khảo: 5 Đặc điểm tính cách lao động Việt Nam trong công việc