QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Đông Nam Á trở thành trung tâm công nghệ mới trong thời đại Trump 2.0

Trong những năm gần đây, Đông Nam Á đã vươn lên như một trung tâm kinh tế mới của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn, linh kiện điện tử và trung tâm dữ liệu. Sự kiện tái đắc cử của tổng thống Donald Trump, kèm theo cam kết siết chặt chính sách thuế quan đối với Trung Quốc, đã khiến nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Apple và Google chuyển hướng đầu tư sang khu vực Đông Nam Á.

Nguyên nhân dòng vốn FDI công nghệ chảy vào Đông Nam Á

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn hậu đại dịch, đà phục hồi chậm, nguy cơ suy thoái kinh tế và xung đột chính trị ở nhiều quốc gia, Đông Nam Á nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng cho các tập đoàn công nghệ lớn từ Mỹ.

Đông Nam Á trở thành trung tâm công nghệ mới trong thời đại Trump 2.0

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khởi đầu từ năm 2018, đang tiếp tục leo thang khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế suất lên đến 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu các động thái trả đũa tương tự, như việc tiến hành điều tra NVIDIA và cấm xuất khẩu một loạt nguyên vật liệu thô có ứng dụng trong quân sự.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang

Trong bối cảnh đó, nhiều tập đoàn công nghệ đang chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. NVIDIA gần đây đã ký thỏa thuận hợp tác với chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển AI, hỗ trợ sản xuất chip. Tương tự, Apple cũng có kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Indonesia nhằm đa dạng chuỗi cung ứng.

Bất ổn chính trị tại châu Âu và Trung Đông

Chiến tranh Nga – Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, khiến giá nhiên liệu tăng vọt và đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái kinh tế. Hệ quả là chi phí sản xuất và vận hành tại khu vực này trở nên đắt đỏ, tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp và xuất khẩu.

Ở Trung Đông, các mâu thuẫn leo thang và những biến động chính trị phức tạp đã tác động tiêu cực đến giá dầu toàn cầu, làm gia tăng chi phí vận chuyển và sản xuất. Điều này không thúc đẩy các tập đoàn công nghệ Mỹ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro từ các thị trường bất ổn.

Đông Nam Á với môi trường chính trị tương đối ổn định và kinh tế đang phát triển nhanh chóng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ lớn.

CEO Apple Tim Cook trong chuyến thăm Singapore, Indonesia và Việt Nam hồi tháng 4/2024

CEO Apple Tim Cook trong chuyến thăm Singapore, Indonesia và Việt Nam hồi tháng 4/2024

Vị trí chiến lược và chính sách ưu đãi FDI từ Đông Nam Á

Đông Nam Á giữ vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ vị trí chiến lược quan trọng, kết nối các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, và Myanmar triển khai nhiều chính sách ưu đãi FDI hấp dẫn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam triển khai nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp FDI như: miễn thuế CIT trong vòng 2-4 năm đầu, giảm 50% thuế trong vòng 4-9 năm tiếp theo, miễn thuế xuất nhập khẩu, miễn tiền thuê đất trong vòng 5 năm… Tương tự, Indonesia cũng đưa ra các chương trình ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài như chương trình nghỉ thuế (tax holiday) từ 5 – 20 năm, thời hạn cho thuê đất lên đến 95 năm. Thái Lan cũng thực hiện chính sách miễn giảm CIT, thuế xuất nhập khẩu từ 3 – 8 năm cho các doanh nghiệp FDI hàm lượng công nghệ cao, phát triển và gia tăng giá trị cho nền kinh tế nội địa. Các ưu đãi hấp dẫn này giúp các quốc gia Đông Nam Á thu hút dòng vốn từ các tập đoàn lớn trên toàn cầu.

CEO Apple Tim Cook trong chuyến thăm Singapore, Indonesia và Việt Nam hồi tháng 4/2024

NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác với chính phủ Việt Nam về xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ sản xuất chíp

Ngoài ra, các hiệp định thương mại lớn như RCEP và CPTPP giúp giảm chi phí và rút ngắn thủ tục xuất nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN đến các đối tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brunei, Úc, New Zealand, Mexico, Chile…

Xem thêm: Tổng hợp các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam 

Xem thêm: Danh sách các FTA đang có hiệu lực tại Việt Nam

Cơ hội và thách thức đối với ASEAN trong thời kỳ Trump 2.0

Cơ hội phát triển kinh tế và lợi ích chính trị

Tổng thống Donald Trump tái đắc cử có thể mang đến hy vọng cho nhiều quốc gia ASEAN, cả về cơ hội phát triển kinh tế và lợi ích chính trị. Nhiều chuyên gia nhận định, các quốc gia như Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia tin rằng sự trở lại của tổng thống Trump sẽ giúp cân bằng và kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Trên khía cạnh kinh tế, số đông tin rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ chính sách Trung Quốc +1, khi dòng vốn FDI, đặc biệt là ngành công nghệ, sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận như Việt Nam, Indonesia, tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Donald Trump điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm

Chỉ vài ngày sau khi tái đắc cử, Tổng thống Donald Trump điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, trao đổi về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Đây là động thái thể hiện mức độ quan tâm của Tổng thống Trump đối với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung

Các lo ngại về thuế quan và đứt gãy chuỗi cung ứng

Thách thức thuế quan

Bên cạnh những cơ hội lớn về phát triển kinh tế, khu vực ASEAN cũng phải đối mặt với các thách thức về thuế quan và đứt gãy chuỗi cung ứng do các chính sách kinh tế trong thời đại Trump 2.0. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ thực hiện các chính sách thuế quan mạnh tay nhằm giảm thâm hụt thương mại, phục hồi việc làm, biến Mỹ trở thành quốc gia sản xuất, giảm sự phụ thuộc với các nhà cung cấp nước ngoài. Chính sách này có thể làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các quốc gia ASEAN – vốn là đối tác lớn thứ tư của Mỹ trên thế giới, trong các mặt hàng như: dệt may, ô tô, điện tử…

Lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng do những chính sách đáp trả của Trung Quốc

Không thể phủ nhận rằng các quốc gia Đông Nam Á vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc, cả trên phương diện kinh tế và chính trị. Chính vì vậy, căng thẳng xung đột Mỹ – Trung trong giai đoạn 2.0 có thể mang đến những thách thức về ngoại giao và thương mại cho khu vực này, cụ thể là nỗi lo giảm kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu vào Trung Quốc, cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng trong các ngành dệt may, thiết bị điện, máy móc, công nghệ điện tử, máy tính…

Dự đoán xu hướng tăng trưởng vốn FDI công nghệ tại Đông Nam Á

Các tập đoàn công nghệ lớn tiếp tục đầu tư mạnh vào Đông Nam Á

Các tập đoàn lớn dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Đông Nam Á để tận dụng vị trí chiến lược và môi trường kinh doanh thuận lợi. NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác với chính phủ Việt Nam, tuyên bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về Trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ sản xuất chip tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghệ cao. Gã khổng lồ Google cũng đã công bố kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Thái Lan, với chi phí đầu tư 1 tỷ USD, phục vụ cho nhu cầu số hóa ngày càng lớn của khu vực.

Đầu tư bền vững và công nghệ xanh

Bên cạnh việc tăng cường sản xuất và cơ sở hạ tầng, xu hướng đầu tư trong tương lai sẽ tập trung vào các dự án bền vững và công nghệ xanh. Các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến năng lượng tái tạo mà còn tích hợp các giải pháp giảm phát thải carbon để phù hợp với mục tiêu giảm phát thải, phát triển bền vững.

Tăng cường hợp tác khu vực

Đông Nam Á dự kiến sẽ phát huy vai trò điều phối của ASEAN để thúc đẩy hợp tác kinh tế và xây dựng chuỗi cung ứng khu vực. Các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, và Thái Lan đang hợp tác chặt chẽ để phát triển chuỗi cung ứng linh kiện điện tử, tạo lợi thế cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới. Điều này không chỉ tăng cường liên kết kinh tế mà còn giúp Đông Nam Á khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế và công nghệ mới trên bản đồ toàn cầu.

 

— Bài viết do đội ngũ nội dung của DELCO® Construction thực hiện. Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO® Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ nội dung nào khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO®. —

 

Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Xem thêm: Danh sách các dự án FDI tỷ đô vào Việt Nam trong năm 2024

Chia sẻ