Dự báo kinh tế Việt Nam 2023: kỳ vọng tăng trưởng 6.8 – 7.5%

Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ đối diện nhiều khó khăn hơn trong năm 2023. Trong khi đó, một số tổ chức khác lại cho rằng kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng trong khu vực và sẽ tăng trưởng vượt bậc.

Thách thức hay cơ hội?

Những ẩn số khó lường

Theo Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm như chế biến, chế tạo giảm 9,1%; khai khoáng giảm 4,9%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,4%…

Theo Bộ Công Thương, lượng đơn hàng xuất khẩu đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 9/2022. Đến nay, xuất nhập khẩu của cả nước đã đối mặt với sự sụt giảm đáng kể. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 chỉ đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ.

Sụt giảm mạnh các đơn đặt hàng xuất khẩu kể từ tháng 9/2022

Tình hình sụt giảm đơn hàng được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới, do xung đột chính trị tại nhiều khu vực, giá xăng dầu chưa ổn định, lạm phát tại nhiều nước dự báo còn kéo dài, đặc biệt là Mỹ và châu Âu – hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Cùng với đó, việc cắt giảm hỗ trợ tài chính liên quan đến Covid – 19 của các chính phủ các nước cũng khiến các hộ gia đình siết chặt chi tiêu hơn. Việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường chủ lực giảm sút sẽ tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất lên 5-5,25% khiến lãi suất trên thế giới tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng 2 lần tăng lãi suất điều hành, gây áp lực lên chi phí vốn, tạo sự trì trệ trong sản xuất và tăng áp lực lạm phát trong nước. 

Ngoài ra, Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa do Covid-19 có thể tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới. Nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam bao gồm may mặc, luyện kim, hóa chất và điện tử, phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc; cơ cấu sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tương đồng với Việt Nam nhưng trình độ công nghệ cao hơn và quy mô sản xuất lớn hơn, nên sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Dù vậy, hầu hết các dự báo đều cho rằng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng về cuối năm, các chính sách sẽ bắt đầu tốt dần lên, sau khi lạm phát được khống chế.

Những điểm sáng khả quan

Kinh tế Việt Nam được đánh giá có một số nhân tố có thể thúc đẩy tăng trưởng năm 2023. Trước hết phải kể đến nền kinh tế có tính thích ứng cao: năm 2022 vừa đối phó với dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, phục hồi mạnh mẽ và sẽ tiếp tục thích ứng với các biến động kinh tế – xã hội trong năm 2023.

Suốt thời kỳ đại dịch vừa qua, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ổn định và thuộc nhóm tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp nhằm ổn định tỷ giá VND so với USD, ổn định các cân đối vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện sẽ là điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI tăng sẽ giảm áp lực tăng tỷ giá và áp lực lạm phát của VND. Tính ổn định về chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Cuối cùng, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ cấu bộ máy của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cung cấp vốn vay trung và dài hạn sẽ là cơ sở giúp các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn giá rẻ cho hồi phục và tăng trưởng.

Sáng 12-1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là 6,47% hoặc 6,83%. Các mức tăng trưởng này khá cao so với mức dự báo tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,2% mà báo cáo đưa ra.

Quang cảnh hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023 do CIEM tổ chức

Trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4-2022 và triển vọng 2023, do bộ phận Global Economics & Markets Research của Ngân hàng UOB (Singapore) thực hiện và công bố ngày 3/1 vừa qua, UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%.

Trong chuyến thăm và làm việc đầu tiên tới Việt Nam hồi đầu tháng 1/2023, bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết, IMF ước tính Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm nay. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 10/1, Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng khoảng 6,3% cho kinh tế Việt Nam 2023. Đây đều là những mức dự báo triển vọng lạc quan so với tình hình kinh tế chung ở khu vực. 

Bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đánh giá trong buổi làm việc đầu tiên tại Việt Nam hôm 10/1 vừa qua.

Dự báo FDI năm 2023 – cơ hội nào cho Việt Nam?

Khó đón nhận dòng vốn FDI chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch IPA Vietnam – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến và tư vấn đầu tư, cho biết phần lớn trong số 12,45 tỷ đô la vốn đăng ký mới của năm 2022 (tính đến 20-12-2022) tới từ hoạt động tăng vốn, góp vốn, mở rộng sản xuất với quy mô lớn của các doanh nghiệp FDI hiện hữu. 

Ngoài ra, nhiều nền kinh tế lớn đang có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… Những rào cản về thời hạn visa doanh nghiệp không đủ cho nhà đầu tư khảo sát môi trường đầu tư tại các địa phương; vấn đề giải thích, áp dụng quy định không đồng nhất giữa các địa phương… cũng khiến việc thu hút FDI tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, giá thuế đất KCN tăng trưởng nhanh những năm gần đây cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư FDI vào Việt Nam. Một thống kê của CBRE cho thấy giá thuê đất công nghiệp trung bình của các thị trường cấp 1 ở miền Bắc ở mức 120 đô la/m2/kỳ hạn vào cuối năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Một số KCN tại Bắc Ninh và Hưng Yên tăng đáng kể giá thuê, với mức tăng chủ yếu rơi vào khoảng 6-7%/năm.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho thấy FDI đầu tư vào sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc tăng gần 60% trong năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. FDI công nghệ cao có xu hướng tăng vào Trung Quốc sẽ để lại khoảng trống trong thu hút FDI cho lĩnh vực thâm dụng lao động và chi phí rẻ và ít dùng công nghệ hơn cho các nước còn lại. Lúc này Việt Nam có thể thu hút FDI để sản xuất hàng hóa xuất qua thị trường Trung Quốc, góp phần làm giảm mức độ chênh lệch trong cán cân thương mại. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực, cơ hội này càng trở nên rõ ràng hơn.

Xem thêm: Vì sao nhà đầu tư nên lựa chọn xây dựng nhà máy ở Phú Thọ?

Những tín hiệu tích cực trong đầu tư FDI tháng 1/2023

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên có 153 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Kết quả thu hút các dự án FDI mới trong tháng 1/2023 được đánh giá là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong năm 2023. Nhiều dự báo cho thấy Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD trong năm nay.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023 có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, trong đó Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; Trung Quốc xếp thứ 2 với 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 718,72 triệu USD, chiếm 42,64% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 676,29 triệu USD, chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành vận tải kho bãi và xây dựng với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là hơn 82,92 triệu USD và 63,7 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Tổng hợp thông tin từ: vneconomy, cafeF, Báo đầu tư, Báo kinh tế Sài Gòn

 

Xem thêm: 4 quy chuẩn bắt buộc áp dụng khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam

— Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO® Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ hình ảnh, nội dung nào khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO®. — 

Chia sẻ