4 quy chuẩn xây dựng nhà máy bắt buộc áp dụng tại Việt Nam

Xây dựng nhà máy là bước khởi đầu quan trọng đối với mỗi chủ doanh nghiệp khi triển khai dự án đầu tư. Hiểu rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng nhà máy tại Việt Nam sẽ giúp nhà đầu tư không còn lúng túng trong các thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí và tối ưu hiệu quả đầu tư.

4 quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình thiết kế, triển khai thi công và vận hành nhà máy tại Việt Nam bao gồm:

  • Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng nhà máy
  • Tiêu chuẩn về thiết kế và kết cấu công trình
  • Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn phòng cháy chữa cháy
  • Quy định bảo vệ môi trường

Các quy chuẩn này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thẩm duyệt, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép môi trường, cấp phép hoạt động cho dự án. Nhà đầu tư cần nắm rõ các quy chuẩn để đảm bảo tính pháp lý của dự án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy.

Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng nhà máy

Chủ đầu tư không thể sử dụng 100% quỹ đất để xây dựng nhà xưởng, mà phải phân chia, quy hoạch diện tích cho các phân xưởng cũng như diện tích cho cây xanh, diện tích cho các hạng mục phụ trợ khác…

QCVN 01:2021 Quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng nhà máy quy định mật độ xây dựng thuần của lô đất xây dựng nhà máy, tức là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc chính trên diện tích lô đất, tối đa là 70%. Đối với các lô đất xây dựng nhà máy có trên 05 sàn sử dụng để sản xuất, mật độ xây dựng thuần tối đa là 60%. Tỷ lệ cây xanh tối thiểu trong các lô đất xây dựng nhà máy phải đạt tối thiểu là 20%.

Ngoài ra, mỗi khu công nghiệp cụ thể sẽ có thêm những yêu cầu khác nhau về quy hoạch xây dựng nhà máy, hàng rào, cổng, khoảng lùi chi tiết, … Nhiều khu công nghiệp quy định khoảng lùi xây dựng theo QCVN 01:2021, quy định tối thiểu là 3-6m để an toàn phòng hỏa và tạo không gian thoáng cho khu công nghiệp. KCN Thăng Long (Hà Nội) lại có yêu cầu riêng về khoảng lùi xây dựng 10m để đảm bảo tiêu chuẩn hạ tầng của toàn khu. Hay như KCN Tân Phú Trung (Tp.HCM) quy định các nhà xưởng xây dựng phải thống nhất mẫu thiết kế chung về tường rào và cửa ra vào để đảm bảo tính mỹ quan cho toàn khu công nghiệp… 

Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các quy định chung theo pháp luật Việt Nam và các yêu cầu riêng của từng khu công nghiệp, để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam một cách thuận lợi nhất.

Xem thêm: Những lưu ý khi chọn đất xây dựng nhà máy

Các tiêu chuẩn về thiết kế và kết cấu công trình

Các tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng được ban hành đã quy định rất rõ ràng và nghiêm ngặt từng hạng mục, về điều kiện địa chất công trình, biện pháp xử lý nền móng thích ứng, tiêu chuẩn thiết kế kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu thép, các tiêu chuẩn về thiết kế thông gió, hành lang an toàn điện, tiêu chuẩn chiếu sáng…

Tiêu chuẩn hiện hành TCVN 5547-2018 và TCVN 4453-1995 quy định khoan khảo sát và thiết kế nền móng nhà xưởng đảm bảo bền vững và an toàn để nâng đỡ toàn bộ tải trọng của nhà máy.

Các quy chuẩn xây dựng nhà máy liên quan đến thiết kế kỹ thuật – thi công hệ thống cơ điện được đặt ra để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và vận hành, quyết định năng suất sản xuất của nhà máy. 

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7114:2008 và Quy chuẩn Quốc gia: QCVN 09:2013/BXD quy định hệ thống chiếu sáng nhà xưởng:

  • Chỉ số hoàn màu của ánh sáng (Ra) từ 60 – 100 cho từng khu vực làm việc;
  • Ánh sáng cần luôn đảm bảo an toàn cho người lao động, không gây chói mắt, lóa mắt, mang lại hiệu quả làm việc cao. 

TCVN 9208:2012 có rất nhiều yêu cầu và quy định về lắp đặt cáp, tránh cho đường cáp khỏi bị hư hỏng, hay gây ra cho cáp các lực cơ học nguy hiểm trong quá trình lắp ráp và vận hành: 

  • Các dây cáp phải có dự phòng theo chiều dài từ 1% đến 3% (đặt theo kiểu rắn bò); 
  • Cấm dự phòng cáp theo kiểu khoanh vòng (hình xoắn ốc hoặc lò xo); 
  • Khi đặt các cáp mới bên cạnh các cáp đang vận hành thì phải có biện pháp để không làm hỏng các cáp đang vận hành …

Khi thiết kế nhà máy – nhà xưởng, nhà đầu tư nên tìm hiểu tất cả các quy chuẩn xây dựng nhà máy để có thể kiểm soát và đảm bảo chất lượng thiết kế – thi công của công trình.

Các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn PCCC

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) có hiệu lực từ 16/1/2023 với một vài điểm mới liên quan đến đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam đã được Bộ Xây dựng làm rõ hồi tháng 5 vừa qua:

  • Quy chuẩn 06 không quy định về sơn chống cháy. Đối với kết cấu thép nhà xưởng, quy chuẩn cho phép sử dụng nhiều giải pháp để cảnh sát PCCC có thể thẩm duyệt, nghiệm thu mà không cần thử nghiệm, đánh giá phức tạp.
  • Theo quy chuẩn, các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao với diện tích lên đến 25.000m2 không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Như vậy đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép.
  • Quy chuẩn 06 không quy định cụ thể công trình nào phải trang bị các hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà mà cho phép sử dụng nhiều giải pháp khác, có thể chỉ cần xây dựng bể có thể tích vừa phải, kết hợp với bơm bổ sung hoặc kết hợp với nước sản xuất, không bắt buộc xây dựng bể riêng khi có các giải pháp khả thi khác và được tư vấn thiết kế, tính toán, thuyết minh phù hợp.

QCVN 06:2022 là một trong những quy chuẩn xây dựng nhà máy quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác thẩm duyệt và nghiệm thu công trình nhà máy với các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến tiến độ đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất.

Quy định Bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Theo đó, các nhà máy muốn bắt đầu hoạt động sản xuất phải tuân thủ các quy chuẩn về bảo vệ môi trường:

  • Các dự án được phân thành 4 nhóm và quản lý theo các tiêu chí môi trường: quy mô dự án, công suất sản xuất, yếu tố nhạy cảm về môi trường. Dự án nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao phải làm thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
  • Dự án có công trình xử lý chất thải, sau khi được cấp giấy phép môi trường, phải thực hiện vận hành thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy chuẩn xây dựng nhà máy. Quy chuẩn nước thải đầu ra phổ biến là loại B TCVN.
  • Nhà máy phải thực hiện quan trắc môi trường định kỳ và báo cáo công tác bảo vệ môi trường 1 năm 1 lần gửi cơ quan cấp GPMT hoặc cơ quan tiếp nhận đăng ký môi trường, nhằm giám sát chất lượng môi trường, quản lý các chất thải nguy hại, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm.

Trên đây là hệ thống 4 quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, DELCO luôn chủ động cập nhật các quy định mới nhất và tư vấn cho nhà đầu tư các phương án thiết kế – thi công, thực hiện đúng các quy chuẩn xây dựng nhà máy và các quy định pháp luật hiện hành, giúp nhà máy đi vào hoạt động sản xuất đúng kế hoạch.

Xem thêm: Thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà máy tại Việt Nam

— Bài viết do đội ngũ nội dung của DELCO® Construction thực hiện. Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO® Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ nội dung nào khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO®. —

 

Chia sẻ