Dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV 2022: Việt Nam có giữ được đà phục hồi?

Theo các số liệu thống kê, quý 3 có thể là đỉnh tăng trưởng của năm 2022, nền kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất 12 năm. Tuy nhiên quý IV 2022 cũng như dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 được cho là vô cùng khó khăn và chịu nhiều sức ép.

GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng vượt dự báo

Dù đã được dự báo trước, song các số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng mà Tổng cục Thống kê công bố vẫn khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2022 đạt mức tăng trưởng tới 13,67%, mức tăng trưởng của 9 tháng đầu năm 2022 là 8,83%, vượt mọi dự báo, cao hơn nhiều so với kịch bản kinh tế mà Chính phủ đã đặt ra hồi đầu năm. Con số 8,83% tăng trưởng GDP là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%. Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. 

Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lại chỉ đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Xem thêm: Kinh tế Việt Nam 10 năm qua: những bước phát triển ấn tượng

Sau quý 3, tăng trưởng kinh tế quý 4 năm 2022 chịu nhiều sức ép

Bất ổn từ thị trường quốc tế

Hoạt động kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đầy biến động: xung đột Nga – Ukraine từ đầu năm 2022 làm giá xăng dầu quốc tế biến động phức tạp, gián đoạn nguồn cung lương thực, khí đốt…; các chi phí khác cũng tăng cao do hệ lụy của cuộc xung đột. Nếu căng thẳng chính trị tiếp tục bị đẩy lên một mức cao hơn thì có thể sẽ dẫn tới các hệ lụy vô cùng khó cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa,… Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero-Covid khiến nguồn cung hàng hóa bị gián đoạn, thị trường bị chia cắt, hoạt động giao thương trở nên khó khăn.

Sự bất ổn từ thị trường quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 7-2022 giảm 1,1% so với tháng trước đó. Theo báo cáo của ngân hàng UOB, nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở các nền kinh tế đã khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại đáng kể, giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2022 đạt 29,9 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình của năm 2022 là 31,3 tỷ USD. Riêng tại TPHCM, xuất khẩu và chế biến gỗ và hàng dệt may đang phải đương đầu với khó khăn bởi những thị trường then chốt là Mỹ và châu Âu liên tục giảm đơn hàng vì lý do lạm phát. Theo dự báo, tình hình này nhiều khả năng tiếp tục kéo dài thậm chí đến năm 2023 nếu tình hình lạm phát và chính trị tại các quốc gia này vẫn biến động. 

Lạm phát của các nền kinh tế lớn dễ dẫn tới suy thoái

Trong nửa đầu năm 2022, xu hướng tăng của lạm phát tiếp tục được kéo dài và đã lập đỉnh tại nhiều nền kinh tế. Lạm phát tổng thể đã vượt xa mục tiêu mà các Ngân hàng Trung ương đặt ra, thậm chí đã rất cao tại nhiều nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil và đang có xu hướng tăng nhanh tại khu vực Trung và Đông Âu, Mỹ La-tinh, Mỹ, Anh, dao động trong khoảng 7,6% – 10,2%. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của nước ta khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới và có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023. Lạm phát và các chính sách kiểm soát lạm phát với cường độ rất cao của các nền kinh tế lớn, theo ông Phương, dễ dẫn tới suy thoái kinh tế.

Cung tín dụng tiếp tục chịu giới hạn

Cung tín dụng tiếp tục còn chịu giới hạn do nhiều yếu tố. Rủi ro nợ xấu ngân hàng đang dần hiện hữu sau thời gian siết chặt cung tín dụng cộng với việc Thông tư 14/2021 hết hiệu lực, doanh nghiệp chỉ còn được cơ cấu nợ đến hết tháng 6/2022. Quí 3/2022 ghi nhận tổng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đều tăng cao.

Ngân hàng UOB cảnh báo triển vọng tăng trưởng 2023 là điều đáng lo ngại hơn cả, khi chính sách thắt chặt tiền tệ gay gắt từ các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đè nặng lên Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.

Hai kịch bản dự báo tăng trưởng GDP 2022

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 tổ chức mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP quý 4 và cả năm 2022. Kịch bản thấp là phương án quý 4 gặp nhiều rủi ro khó đoán định, tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 7,5%. Kịch bản thứ hai, trong bối cảnh diễn biến như hiện nay, không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam từ bên ngoài, thì dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2022 khoảng 8%.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguồn và giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, nên chịu tác động rất lớn bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường… Điều này đòi hỏi sự thận trọng, linh hoạt của cơ quan điều hành chính sách. Ngân hàng Phát triển châu Á ADB cảnh báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng: suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam; việc thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động; việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại tọa đàm

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang chịu nhiều sức ép và rủi ro từ trong và ngoài nước, thật khó để dự báo một con số chính xác kết quả tăng trưởng vài tháng tới, dự báo trong dài hạn thì càng khó hơn. Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kịch bản tăng trưởng năm 2023 sẽ khoảng 6,5%.

Tổng hợp từ: Báo Đầu tư, Báo Kinh tế Sài Gòn, Báo Quân đội nhân dân

Nguồn ảnh: Tổng cục Thống kê, Vietnambiz

Bài viết do đội ngũ nội dung của DELCO® Construction thực hiện. Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO® Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ nội dung nào khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO®. — 

Xem thêm: Xây dựng nhà máy tại Bình Dương – địa phương dẫn đầu thu hút nguồn vốn FDI tại Việt Nam nhiều năm liền

Xem thêm: Những yếu tố thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn xây dựng nhà máy ở Hưng Yên

Chia sẻ

Thẻ:,