GDP Việt Nam 2023 ước đạt 5,19% và có tiềm năng đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6 – 6,5% vào năm 2024 nhờ đầu tư công, phục hồi xuất nhập khẩu và vốn đầu tư FDI.
Tổng quan tăng trưởng GDP Việt Nam 2023
Với tốc độ phục hồi và có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự đoán GDP Việt Nam quý IV/2023 ước đạt 7,72% và GDP cả năm 2023 đạt 5,19%.
Nông nghiệp luôn được coi là bệ đỡ quan trọng, qua các giai đoạn vẫn tăng từ 2 – 3% và đóng góp vào tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 ở mức 11,51%. Ngành công nghiệp và xây dựng vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng cơ cấu GDP với 37,16%, riêng công nghiệp có mức tăng khá chậm chỉ 2,41% so với cùng kỳ năm trước do gặp nhiều khó khăn khi tổng cầu thế giới suy giảm. Ngành dịch vụ duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 42,72%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 8,61%.
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024
Được dự báo sẽ thuộc hàng tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, GDP năm 2024 của Việt Nam được các tổ chức kinh tế thế giới như WB, IMF dự báo có mức tăng trưởng đạt 5,5 – 6%. CIEM cũng đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho GDP Việt Nam năm 2024, trong đó kịch bản có thể xảy ra là GDP đạt 6%, kịch bản cao nhất là 6,5% và kịch bản thấp nhất là 5,5%. Ước tính này tương đối sát với dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới đã đưa ra.
Ngoài ra, tỷ số lạm phát tính đến tháng 11/2023 bình quân là 3,22% và được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo cả năm là 3,8%, khá cao so với năm trước.
Tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam qua các năm
GDP Việt Nam 2024 được dự đoán tăng do chính sách nới lỏng tiền tệ như giảm lãi suất ngân hàng được thực hiện từ giữa năm 2023 sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng trong năm 2024. Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh kích thích dòng vốn tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi, điển hình xuất khẩu sang Trung Quốc lũy kế 11 tháng năm 2023 đã tăng 6%.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cùng việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Nhật Bản, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế như sửa đổi luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản cũng là yếu tố hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư FDI, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, lạm phát năm 2024 được ADB dự báo được duy trì mức 4% do lượng cung tiền và giá cả hàng hóa còn cao. Tăng trưởng CPI đang ở mức 3,16% và được dự báo đạt 4,5% vào 2024, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực nhà ở và vật liệu xây dựng, giáo dục và hàng hóa dịch vụ với mức tăng mạnh 7 – 8%.
Lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát giúp kích thích các hoạt động kinh tế, thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, giảm bớt gánh nặng chi phí. Ngoài ra lãi suất giảm còn tác động tích cực lên thị trường chứng khoán và bất động sản do các nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần tiền tiết kiệm sang đầu tư vào các lĩnh vực này. Đây cũng là một tín hiệu tích cực giúp nền kinh tế Việt Nam 2024 sẽ là một năm đầy khởi sắc và triển vọng.
Theo Tổng cục Thống kê và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Xem thêm: Tình hình kinh tế Việt Nam 2023 và triển vọng 2024