Tình hình kinh tế Việt Nam 2023 và triển vọng 2024

Kinh tế Việt Nam năm 2023 có nhiều biến động với tăng trưởng GDP 3 quý đầu đạt 4,24% tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại và du lịch. Dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi vào quý IV/2023 và tăng trưởng GDP 2023 đạt 4,7%.

Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023

Chỉ số tăng trưởng GDP 

Trong 3 quý đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 4,24% và đang trong đà tăng trở lại, đây là một tín hiệu tương đối tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Tăng trưởng tập trung chủ yếu ở các ngành dịch vụ, thương mại và du lịch, tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn do tổng cầu thế giới suy giảm, chỉ tăng 1,65% và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2023.

Chỉ số tăng trưởng GDP 2023

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, các nước G7 và EU đều đang tăng trưởng âm hoặc gần bằng 0 nhưng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam 2023 

Trước khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi có nhiều biến động do những yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài và cả trong nước làm thay đổi xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2023.

Sự suy giảm của các nền kinh tế đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu dẫn đến sụt giảm cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm 12%, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm 15,8%, xuất khẩu sang các nước EU giảm 8,9%. Nhập khẩu cũng giảm mạnh ở mức 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu 2023

(Nguồn: Tổng cục Thống Kê)

Bên cạnh đó các chỉ số như CPI tăng ở mức 3,16%, đặc biệt tăng mạnh trong các lĩnh vực giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng lần lượt là 8% và 7%. Lạm phát cơ bản khá cao, tính đến thời điểm hiện tại tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022. 

Lạm phát tăng khiến cho các ngân hàng buộc phải tăng mạnh lãi suất nhiều lần, xung đột giữa Ukraine và Nga kéo dài làm đứt gãy các chuỗi cung ứng khiến cho nền kinh tế toàn cầu suy thoái, rơi vào khủng hoảng. Ngoài ra nhu cầu trong nước suy yếu cũng dẫn đến kinh tế tăng trưởng chậm.

Kinh tế Việt Nam trong tương quan với các nước trong khu vực và thế giới 

Nhìn chung kinh tế thế giới đều đang gặp khó khăn trong thời điểm hiện tại. Một số nước lớn có tăng trưởng âm như các nước EU, vương quốc Anh, điển hình là Nhật Bản có mức tăng trưởng âm 0,6%, các nước G7 gần như tăng trưởng bằng 0. Với mức tăng trưởng hiện tại, có thể thấy Việt Nam vẫn đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Bảng số liệu tăng trưởng GDP quý III/2023 giữa Việt Nam và các nước khác

Tên nướcViệt NamTrung QuốcThái lanNhật BảnHàn QuốcMỹ
GDP5,33%5,2%3,5%-2,1%1,4%5,2%

Trước tình hình kinh tế toàn cầu, các tổ chức kinh tế thế giới đồng loạt hạ mức kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói riêng và tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung. Cụ thể, OECD đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng 2023 của một số quốc gia như Malaysia 3,9%, Singapore 1,4%, Thái Lan 2,8%… Trong khi đó Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP 2023 đạt 4,9% khá cao so với các quốc gia khác. 

Dự báo tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam

Có thể thấy đây là một khoảng thời gian khó khăn của toàn nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng do các xung đột chiến tranh giữa các nước làm đứt gãy các liên kết thương mại giữa các quốc gia lớn, lạm phát tăng cao tại Mỹ và châu Âu làm ảnh hưởng đến tỷ giá. Điều này cũng làm ảnh hưởng xấu đến năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho nền kinh tế tăng trưởng chậm.

Xem thêm: Báo cáo thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam 2023: tiếp đà tăng trưởng, hấp dẫn nhà đầu tư trên toàn thế giới

Dự báo GDP Việt Nam 2023

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, xu hướng kinh tế Việt Nam vẫn có chuyển biến tích cực khi duy trì được mức tăng trưởng GDP khá cao. Việt Nam được nhiều tổ chức kinh tế như IMF, WB dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 4,7% vào năm 2023 và đạt 5 – 6% vào giai đoạn năm 2024 – 2025, trong khi đó mức tăng trưởng toàn cầu được kỳ vọng ở mức 3%. Như vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang được nhiều tổ chức quốc tế và nhà đầu tư đánh giá cao, nhờ các điều chỉnh và chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại phù hợp:

  • Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%; các chính sách mở cửa, kích cầu du lịch hiệu quả giúp lượt khách tới Việt Nam phục hồi mạnh mẽ so với thời gian trước đại dịch. 
  • Việc thu hút vốn đầu tư FDI tại Việt Nam tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng mạnh trở lại. Các chính sách xúc tiến đầu tư, ưu đãi đầu tư đối với các quốc gia lớn như Mỹ, các nước châu Âu được đẩy mạnh. Các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững được Việt Nam chú trọng phù hợp với xu thế và mối quan tâm của các nhà đầu tư lớn.
  • Ngoài ra, Việt Nam sở hữu nguồn lao động dồi dào, mức lương lao động tại Việt Nam so với các nước châu Âu còn thấp. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư về chuyển giao công nghệ cũng là các yếu tố thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài.

Dự báo GDP Việt Nam 2023-2024-2025

Với những thay đổi tích cực vào quý III/2023, khi mức tăng trưởng GDP có xu hướng tăng trở lại kết hợp cùng các chính sách kinh tế phù hợp, kinh tế Việt Nam được dự báo hoàn toàn có thể phục hồi mạnh trong quý IV/2023 và trong 2 năm tiếp theo.

Thông tin tổng hợp từ: Tổng cục Thống Kê, Bộ Tài Chính.

Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – cập nhật 2023

Chia sẻ