Tổng hợp các quy định khác nhau giữa Luật lao động Việt Nam và Nhật Bản về mức lương tối thiểu, hợp đồng lao động và các quy định bồi thường sa thải… mà các nhà đầu tư nước ngoài cần biết.
Sự khác biệt giữa người lao động Việt Nam và Nhật Bản
Độ tuổi lao động trung bình
Được đánh giá là một trong những quốc gia có dân số vàng, độ tuổi lao động trung bình của Việt Nam theo báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn là 31,2 tuổi. Trong khi đó tại Nhật Bản độ tuổi lao động từ 65 – 69 chiếm tới 50,8%, từ 70 – 74 chiếm 33,5% cho thấy nguồn lao động khá già. Lao động trẻ dồi dào là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn FDI, đặc biệt với những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực.
Mức lương trung bình
Mức lương trung bình của Việt Nam so với Nhật Bản và các nước trong khu vực
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm hiện tại thu nhập bình quân của lao động Việt Nam là 334 USD/tháng. Trong khi đó mức lương trung bình tại Nhật Bản là 3,537 USD/tháng. Chi phí nhân công tại Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 9,44% so với Nhật Bản và thấp hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 603 USD/tháng, Malaysia là 982 USD/tháng, Singapore là 5,600 USD/tháng… Điều này giúp Việt Nam nằm trong top những quốc gia có chi phí nhân công cạnh tranh nhất khu vực Đông Nam Á.
Sự khác biệt trong Luật lao động Việt Nam và Nhật Bản
Quy định về mức lương tối thiểu của người lao động
Hiện nay mức lương tối thiểu được quy định trong Luật lao động Việt Nam được phân chia theo vùng, cao nhất là 22.500 đồng/giờ tương ứng khoảng 0,93 USD/giờ. Mức lương tối thiểu được quy định trong luật lao động của Nhật Bản là 1002 JPY/giờ tương ứng 6,8 USD/giờ cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Có thể thấy, mức lương tối thiểu được quy định trong Luật lao động Việt Nam hiện nay không chỉ thấp hơn nhiều so với Nhật Bản mà còn thấp hơn so với mặt bằng chung các nước trong khu vực và trên thế giới, là một trong những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Xem thêm: Đề xuất tăng lương cơ bản tại Việt Nam tác động gì đến nhà đầu tư nước ngoài
Quy định về làm thêm giờ và các chi phí khác cho lao động
Quy định làm thêm giờ và các chi phí khác giữa luật lao động Việt Nam và Nhật Bản
Luật lao động Việt Nam quy định tiền lương làm thêm giờ vào các ngày bình thường tối thiểu bằng 150%, 200% lương cơ bản hoặc 300% lương cơ bản/ngày vào những ngày lễ tết và không được làm thêm quá 200 giờ/năm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật lao động Việt Nam doanh nghiệp chỉ trả chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 21,5% quỹ tiền lương tháng, trong đó chi phí cho bảo hiểm thai sản là 3%. Người lao động sẽ được nghỉ thai sản hưởng nguyên lương theo bảo hiểm xã hội trước và sau khi sinh con là 06 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Tại Nhật Bản tiền lương làm thêm giờ của người lao động sẽ được cộng thêm 25% lương cơ bản vào những ngày bình thường và cộng thêm 35% lương cơ bản vào những ngày nghỉ như thứ 7, chủ nhật và không được làm thêm quá 360 giờ/năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp tại Nhật Bản sẽ phải đóng 50% chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động, mức phí này khá cao so với Việt Nam. Người lao động sẽ được nghỉ trước khi sinh 6 tuần và nghỉ 8 tuần sau khi sinh con, được hưởng tiền trợ cấp 1 lần với số tiền 420.000 yên và được miễn đóng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ thai sản.
Quy định về hợp đồng, bồi thường, sa thải
Khác với Nhật Bản, Luật lao động Việt Nam cho phép doanh nghiệp có thể hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước, không cần bồi thường. Điều này giúp các nhà đầu tư linh động hơn khi người lao động chưa đạt yêu cầu như doanh nghiệp mong muốn trong thời gian thử việc.
Một vài điểm khác nhau giữa luật lao động Việt Nam và Nhật Bản
Hiện nay, có 2 loại hình hợp đồng được quy định trong Luật lao động Việt Nam:
- Hợp đồng không xác định thời hạn.
- Hợp đồng xác định thời hạn kéo dài không quá 36 tháng và chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Người lao động tại Việt Nam khi ký kết hợp đồng chính thức sẽ có 12 ngày phép/năm hưởng lương. Trong trường hợp sa thải lao động, doanh nghiệp phải bồi thường ít nhất 02 tháng lương cho người lao động.
Trong khi đó, Luật lao động Nhật Bản quy định hợp đồng chia làm 3 loại:
- Hợp đồng thời hạn từ 1 – 3 năm (có thể gia hạn thêm).
- Hợp đồng vô thời hạn (có thời hạn đến lúc nghỉ hưu).
- Hợp đồng cho nhân viên phái cử (thời gian và công việc thay đổi theo mỗi dự án).
Tại Nhật Bản, người lao động sẽ có tối thiểu 10 ngày nghỉ phép và tối đa là 20 ngày nghỉ phép tùy vào thâm niên làm việc. Doanh nghiệp tại Nhật Bản sẽ phải bồi thường tối thiểu 1 tháng lương cho người lao động khi quyết định sa thải.
Trên đây là các điểm khác nhau cơ bản giữa luật lao động Việt Nam và Nhật Bản mà các nhà đầu tư nước ngoài cần nắm rõ. Từ đó giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư cũng như thấy rõ được tiềm năng khai thác được từ mỗi quốc gia.
Theo Tổng cục Thống Kê, Luật lao động Việt Nam và Luật lao động Nhật Bản
Xem thêm: Tâm lý công nhân Việt Nam khi đàm phán lương
Xem thêm: 5 Đặc điểm tính cách lao động Việt Nam trong công việc