Cái nhìn tổng quan về quy trình tư vấn thiết kế công trình xây dựng, các quy chuẩn trong thiết kế nhà máy và các tiêu chí lựa chọn nhà thầu sẽ giúp nhà đầu tư đảm bảo tính pháp lý của dự án cũng như chất lượng, độ bền và hiệu quả vận hành của nhà máy sau này.
Quy trình tư vấn thiết kế công trình xây dựng nhà xưởng
Khảo sát và lựa chọn địa điểm đầu tư
Khi khảo sát và lựa chọn địa điểm đầu tư, nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như địa hình, giao thông, môi trường xung quanh, nguồn nguyên liệu, … để chọn vị trí xây dựng nhà máy phù hợp. Nhà đầu tư nên chọn khu đất bằng phẳng để giảm thiểu chi phí san lấp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng. Nhà máy nằm gần các tuyến đường cao tốc, mạng lưới giao thông liên vùng, hoặc cảng biển sẽ có lợi thế trong việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, giảm chi phí logistic. Xây dựng nhà máy gần các vùng nguyên liệu có thể giảm đáng kể chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào, đặc biệt đối với các ngành sản xuất như thực phẩm, chế biến giấy, gỗ và nội thất …
Lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp có thể giúp nhà đầu tư tối ưu chi phí và hiệu quả hoạt động của nhà máy trong tương lai. Ngay từ giai đoạn này, nhà đầu tư nên tìm kiếm công ty tư vấn thiết kế xây dựng nhà máy uy tín để được tư vấn và lựa chọn vị trí phù hợp với ngành nghề và quy trình sản xuất, đảm bảo diện tích và công năng của nhà máy.
Thiết kế concept
Thiết kế concept là bản thiết kế sơ bộ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể về dự án, bao gồm phương án bố trí mặt bằng, sơ đồ chức năng của các khu vực như xưởng sản xuất, nhà văn phòng, và hệ thống giao thông nội bộ.
Để đảm bảo quá trình lập phương án thiết kế diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, chủ đầu tư cần xác định rõ nhu cầu sử dụng, quy mô sản xuất, kế hoạch sản xuất, khả năng mở rộng trong tương lai… Ngoài ra, tùy từng ngành sản xuất đặc thù, nhà đầu tư nên cung cấp đủ các thông tin về yêu cầu kỹ thuật cụ thể cho nhà thầu, như yêu cầu về phòng sạch, tải trọng hệ thống máy móc, yêu cầu nhiệt độ – độ ẩm khu vực sản xuất… Những thông tin này sẽ giúp định hình rõ ràng các yêu cầu thiết kế, từ đó tối ưu công năng của toàn bộ nhà máy.
Nhà đầu tư càng cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu sản xuất, yêu cầu kỹ thuật của nhà máy thì quá trình tư vấn thiết kế công trình xây dựng càng hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
Thiết kế kỹ thuật chi tiết
Giai đoạn này bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật chi tiết, đòi hỏi đơn vị tư vấn thiết kế nhà xưởng hoàn thiện bản vẽ cho từng hạng mục như kiến trúc, kết cấu, điện, cấp thoát nước, điều hòa không khí, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Thiết kế kỹ thuật chi tiết là cơ sở quan trọng để triển khai thi công nên cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, đây cũng là tài liệu phục vụ cho các thủ tục thẩm duyệt và xin cấp phép, vì vậy, cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tuân thủ đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn hiện hành như quy định về quy hoạch xây dựng QC:01/2021, phòng cháy chữa cháy QC 06:2022, Luật môi trường 2020…
Thực hiện các thủ tục thẩm duyệt và xin giấy phép quan trọng
Trước khi tiến hành xây dựng nhà máy, chủ đầu tư cần hoàn thành các thủ tục pháp lý quan trọng cho dự án như xin Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư, thực hiện thủ tục môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc xin cấp Giấy phép môi trường), thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (thẩm định thiết kế cơ sở), thẩm duyệt thiết kế về PCCC và xin cấp Giấy phép xây dựng. Các thủ tục này giúp đảm bảo tính pháp lý của công trình, cũng như tính an toàn và hiệu quả cho công trình trong suốt quá trình xây dựng và vận hành sau này.
Nhà đầu tư nên chọn đơn vị tư vấn thiết kế nhà xưởng chuyên nghiệp để chuẩn hóa quy trình, đảm bảo hồ sơ đầy đủ và chính xác, tránh bị kéo dài thời gian xét duyệt. Thực hiện đúng các thủ tục pháp lý ngay từ đầu sẽ giúp dự án diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Giám sát thi công – Quản lý chất lượng và tiến độ
Khi bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy, đơn vị tư vấn thiết kế công trình xây dựng có thể tham gia vào quá trình giám sát thi công nhằm đảm bảo thi công tuân thủ đúng thiết kế, sử dụng vật liệu và thiết bị đúng chủng loại theo hồ sơ thiết kế.
Ngoài ra, chủ đầu tư có thể thuê thêm một tư vấn giám sát độc lập, có chuyên môn kỹ thuật về tư vấn xây dựng nhà máy, để đảm bảo chất lượng công trình được giám sát ở mức độ cao nhất. Đơn vị tư vấn giám sát độc lập không chỉ giám sát việc thi công của nhà thầu xây dựng sao cho đúng chất lượng và tiến độ công trình, mà còn có thể tư vấn triển khai bản vẽ shop-drawing, đảm bảo thiết kế phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và tính khả thi, an toàn trong thực tiễn thi công.
Đơn vị tư vấn giám sát độc lập có thể giám sát cũng như tư vấn thiết kế xây dựng nhà xưởng trong suốt quá trình triển khai thi công, đảm bảo chất lượng công trình.
4 quy chuẩn quan trọng trong tư vấn thiết kế xây dựng nhà máy
Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng nhà máy
Trong quá trình tư vấn thiết kế xây dựng nhà máy, tuân thủ QCVN 01:2021 về Quy hoạch xây dựng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo các thủ tục xin cấp phép xây dựng diễn ra thuận lợi. Theo đó, thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật của nhà máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn về mật độ xây dựng và tỷ lệ cây xanh. Cụ thể, mật độ xây dựng thuần của lô đất xây dựng nhà máy tối đa là 70%, với nhà máy có trên 05 sàn nhà xưởng sản xuất, mật độ xây dựng thuần tối đa là 60%. Mật độ cây xanh trong lô đất xây nhà máy chiếm ít nhất 20% tổng diện tích, nhằm đảm bảo môi trường xanh, sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2022/BXD là một trong những quy chuẩn quan trọng, liên quan trực tiếp đến thẩm duyệt và nghiệm thu hệ thống PCCC trước khi đưa nhà máy vào hoạt động. Hồ sơ thiết kế và tư vấn xây dựng nhà máy bắt buộc phải tuân theo quy chuẩn, bao gồm thiết kế phân chia phòng, các vách ngăn phòng, hệ thống báo cháy, chữa cháy, lối thoát hiểm, và các thiết bị an toàn khác. Hệ thống PCCC của nhà máy được thiết kế đúng chuẩn sẽ giúp bảo vệ con người và tài sản, đồng thời tránh những rủi ro không mong muốn trong quá trình vận hành sản xuất.
Quy chuẩn về bảo vệ môi trường
Tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy chuẩn liên quan đến thiết kế hệ thống xử lý nước thải, kế hoạch bảo vệ môi trường,… là điều kiện để dự án được phê duyệt các giấy phép liên quan đến môi trường, được nghiệm thu và đưa nhà máy vào vận hành hợp pháp.
Theo đó, tư vấn thiết kế xây dựng nhà máy cần đảm bảo các quy chuẩn về hệ thống xử lý chất thải và nước thải, sao cho nước thải sau xử lý đạt các thông số theo yêu cầu. Đối với hầu hết các nhà máy, nước thải sau xử lý thường phải đạt thông số theo cột B để có thể xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, kiểm soát tiếng ồn phát sinh từ hoạt động sản xuất cũng rất quan trọng, cần tính toán thiết kế hệ thống lọc bụi và xử lý khí thải, hoặc lắp đặt thiết bị giảm âm, xây dựng tường chắn âm… phù hợp với sản xuất của nhà máy.
Các quy chuẩn về thiết kế kết cấu và kỹ thuật
Một số quy chuẩn quan trọng trong thiết kế kết cấu nhà máy bao gồm: quy chuẩn về thiết kế kết cấu bê tông TCVN 5574:2018, thiết kế kết cấu thép TCVN 5575:2012, tiêu chuẩn về tải trọng và tác động TCVN 2737:2023, các quy chuẩn thiết kế khung, cột, dầm và các kết cấu chịu lực khác. Tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn về kết cấu trong quá trình tư vấn thiết kế nhà xưởng giúp đảm bảo công trình có khả năng chịu lực tốt, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn về tải trọng, độ bền, và tuổi thọ công trình.
Bên cạnh đó, các quy chuẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật như Quy chuẩn về thiết kế hệ thống chiếu sáng TCVN 7114-1:2008, thiết kế hệ thống thông gió và điều hòa không khí TCVN 9208:2012, và các quy chuẩn thiết kế hệ thống cấp điện – nước, hệ thống cơ điện khác của nhà máy cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Các quy chuẩn này không chỉ giúp đảm bảo công trình vận hành an toàn, mà còn tối ưu hiệu quả hoạt động của nhà máy.
Tiêu chí lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế nhà xưởng
Giấy phép hành nghề và năng lực pháp lý
Khi lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế nhà xưởng, yếu tố đầu tiên cần xem xét là giấy phép hành nghề và năng lực pháp lý. Nhà thầu cần có Chứng chỉ năng lực thiết kế từ hạng II trở lên mới có đủ năng lực đảm nhận các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật cao như nhà máy công nghiệp.
Liên quan đến thiết kế và thi công các hạng mục chuyên ngành quan trọng như Phòng cháy Chữa cháy (PCCC), nhà thầu phải có thêm chứng chỉ đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC. Chứng chỉ này là bắt buộc theo quy định pháp luật, là một yếu tố quan trọng để chứng minh năng lực chuyên môn của nhà thầu, đảm bảo chất lượng thiết kế cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC.
Đội ngũ nhân sự và chuyên gia
Đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của nhà thầu đóng vai trò quyết định đến chất lượng thiết kế của dự án. Nhà đầu tư nên lựa chọn công ty tư vấn thiết kế xây dựng uy tín, có đội ngũ kỹ sư và chuyên gia giàu kinh nghiệm, đã được cấp các chứng chỉ hành nghề cá nhân phù hợp như chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu, thiết kế điện – cơ điện công trình, tư vấn thiết kế về PCCC… giúp đảm bảo dự án được thiết kế chuyên nghiệp, đúng quy chuẩn. Đội ngũ nhân sự của nhà thầu cũng cần được đào tạo liên tục và thường xuyên cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới nhất liên quan đến thiết kế nhà máy.
Khả năng hợp tác và phản hồi
Khả năng phản hồi nhanh chóng và hợp tác hiệu quả của nhà thầu là yếu tố quan trọng để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án. Nhà đầu tư nên đánh giá cao những nhà thầu có khả năng hợp tác và phản hồi tốt trong quá trình tiếp nhận thông tin, tư vấn thiết kế công trình xây dựng, xử lý các yêu cầu hoặc vấn đề phát sinh từ phía chủ đầu tư.
Ngoài ra, nhà thầu cần có mối quan hệ tốt và khả năng phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, và cơ quan quản lý nhà nước. Sự phối hợp hiệu quả này sẽ giúp dự án được triển khai thuận lợi, đúng kế hoạch.
Kinh nghiệm và chuyên môn
Nhà đầu tư nên chọn nhà thầu đã có kinh nghiệm tư vấn thiết kế xây dựng nhà máy có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự với dự án của mình. Với những kinh nghiệm này, nhà thầu đã có hiểu biết nhất định về đặc thù ngành, các yêu cầu kỹ thuật, do đó có thể đưa ra các giải pháp thiết kế tối ưu.
Bên cạnh đó, để đánh giá chính xác năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư nên xem xét các dự án đã hoàn thành trước đó và tham khảo ý kiến, mức độ hài lòng của các chủ đầu tư từng hợp tác với nhà thầu. Điều này cung cấp cái nhìn thực tế hơn về năng lực và chuyên môn của nhà thầu.
Là nhà thầu tư vấn thiết kế công trình xây dựng chuyên nghiệp, DELCO chuyên thực hiện các dự án nhà máy FDI chất lượng cao và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ chủ đầu tư. Các thiết kế của DELCO luôn được tính toán kỹ càng từ giải pháp quy hoạch – kiến trúc – kết cấu, đến các phương án thi công an toàn, tối ưu chi phí, đảm bảo thẩm mỹ và độ bền cao cho nhà máy cũng như đảm bảo tính pháp lý cho nhà đầu tư. Bên cạnh tư vấn thiết kế nhà máy, DELCO luôn sẵn sàng phối hợp với chủ đầu tư để tăng cường giám sát và minh bạch về quá trình thi công, hoàn thiện nhà máy.
Xem thêm: Những điểm mới trong Luật đất đai 2024 ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư FDI
Xem thêm: Bảng báo giá thiết kế thi công nhà xưởng trọn gói 2024, chi tiết các hạng mục