Là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu ngành da giày, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và thu hút nhiều doanh nghiệp FDI ngành công nghiệp dệt may, da giày nhờ những chính sách miễn, giảm thuế.
Tình hình ngành công nghiệp dệt may – da giày Việt Nam hiện nay
Ngành công nghiệp dệt may – da giày là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hai ngành này đã góp phần giải quyết việc làm, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đây cũng là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và có giá trị xuất khẩu chiếm 12,52% tổng GDP cả nước, doanh thu xuất khẩu đạt 71 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó ngành dệt may là 44 tỷ USD, ngành da giày là 27 tỷ USD và thu hút khoảng hơn 4 triệu nhân công.
Đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có xu hướng giảm và được hiệp hội dệt may Việt Nam ước tính đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022, nhiều công nhân bị sa thải do ảnh hưởng bởi dịch covid, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu giảm, dây chuyền sản xuất ngày càng hiện đại giúp doanh nghiệp cần ít công nhân hơn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, GDP ngành công nghiệp dệt may, da giày Việt Nam đã có xu hướng tăng trở lại.
Hiện nay, Việt Nam đang có hơn 400 khu công nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 nhà máy, nhà sản xuất dệt may và da giày. Các thương hiệu lớn như Adidas, Nike, HM, Mango… cũng đặt chuỗi sản xuất tại Việt Nam.
Xem thêm : GDP Việt Nam 2023, dự báo tăng trưởng năm 2024
Tại sao Việt Nam lại thu hút các doanh nghiệp FDI ngành dệt may – da giày
Việt Nam được nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư không chỉ bởi là quốc gia có vị trí giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công giá rẻ mà còn là quốc gia có lợi thế mạnh về xuất khẩu dệt may và da giày. Năm 2023 Việt Nam là quốc gia xuất khẩu da giày đứng thứ 2 thế giới và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Bên cạnh những lợi thế có sẵn, Việt Nam còn thu hút vốn FDI ngành công nghiệp dệt may – da giày bởi những hiệp định thương mại, những chính sách ưu đãi về thuế. Các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế xuất khẩu sang các nước EU, ASEAN theo hiệp định CPTPP, EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Các doanh nghiệp còn được giảm thuế nhập khẩu, thuế VAT; miễn thuế cho các sản phẩm hỗ trợ công nghiệp dệt may như xơ thiên nhiên, xơ tổng hợp, sợi dệt kim… theo nghị định số 57/2021/NĐ-CP.
Sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Mỹ tăng thuế lên 10% thay vì là 2 – 4% đối với mặt hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và tìm cách rút khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu hàng dệt may, da giày, lại có vị trí ngay cạnh Trung Quốc nên đã được các nhà đầu tư FDI chú ý và lựa chọn đặt nhà máy sản xuất dệt may.
Xu hướng phát triển ngành công nghiệp dệt may – da giày Việt Nam
Việt Nam đẩy mạnh phát triển ngành dệt may, da giày theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức yêu cầu cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, thiết kế và xây dựng thương hiệu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo về kỹ thuật, công nghệ, quản lý… nhằm đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp số.
Để nắm bắt được xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững của thế giới Việt Nam đã đẩy mạnh cũng đã đưa ra những định hướng phát triển dành riêng cho từng ngành.
Ngành dệt
Việt Nam tập trung phát triển sản xuất các loại xơ sợi chức năng, xơ sợi tổng hợp, xơ sợi nguyên liệu mới chất lượng cao, thân thiện với môi trường để giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Các mặt hàng vải dệt thoi, vải dệt kim, vải dệt kỹ thuật cũng được đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành dệt may, da giày lớn và ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ quy định về môi trường.
Ngoài ra, nhà nước còn định hướng thu hút đầu tư FDI ngành dệt may vào các tỉnh có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng, lao động dồi dào như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định ở phía Bắc; các tỉnh Tây Ninh, Long An… ở phía Nam và ở miền Trung là các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định…
Xem thêm : Những yếu tố thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn xây dựng nhà máy ở Hưng Yên
Ngành may
Ngành may được chú trọng lựa chọn phát triển những mặt hàng có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, dịch chuyển sản xuất về các huyện có hệ thống hạ tầng thuận lợi, nguồn lao động dồi dào. Khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ trong sản xuất đặc biệt ở các khâu như thiết kế mẫu mới, cắt vải tự động… để đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động.
Ngành da giày
Ngành da giày được định hướng chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang các sản phẩm trung và cao cấp, các sản phẩm thông dụng và thời trang. Các doanh nghiệp tập trung phát triển mẫu mốt thời trang, nghiên cứu nhu cầu thị trường, nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới đối với các sản phẩm nội địa.
Ngành da giày sẽ kết hợp với ngành dệt may xây dựng và phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các khu vực có cơ sở hạ tầng hiện đại, vị trí thuận lợi và ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Công nghiệp hỗ trợ
Các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ được định hướng tập trung phát triển tại các vùng có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giày như Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh… ở khu vực phía Bắc; Tây Ninh, Long An, Bình Phước… ở phía Nam và các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam…
Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam