Tổng hợp các thông tin mới nhất về quy chuẩn an toàn cháy QCVN 06:2022 (sửa đổi 2023) và QCVN 03:2023/BCA giúp chủ đầu tư và đơn vị thi công nắm rõ các yêu cầu mới về thiết kế và thi công PCCC cho nhà máy, nhà xưởng.
Những điểm mới quan trọng của Quy chuẩn QC:06/2022, cập nhật tháng 10/2023
Đối tượng công trình áp dụng quy chuẩn an toàn cháy QCVN 06:2022
Quy chuẩn an toàn cháy đang áp dụng tại Việt Nam: QCVN 06:2022 có hiệu lực từ 16/01/2023 và sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022 ban hành ngày 16/10/2023, có hiệu lực từ 01/12/2023.
Sửa đổi 1:2023 điều chỉnh đối tượng áp dụng quy chuẩn an toàn cháy: áp dụng với các nhà máy, nhà xưởng xây mới hoặc chỉ áp dụng với các bộ phận, khu vực trực tiếp cải tạo sửa chữa thuộc các trường hợp sau:
– Làm thay đổi công năng của nhà, khoang cháy hoặc dẫn đến nâng cao các yêu cầu an toàn cháy.
– Thay đổi các giải pháp thoát nạn của tầng nhà, khoang cháy hoặc nhà theo hướng làm giảm số lượng lối thoát nạn hoặc cầu thang thoát nạn.
– Làm tăng hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của tầng nhà, khoang cháy hoặc nhà
– Tăng quy mô dẫn đến nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và tòa nhà.
Như vậy Quy định an toàn PCCC mới nhất cho nhà máy, nhà xưởng đã quy định cụ thể các trường hợp cần áp dụng quy chuẩn an toàn cháy QCVN 06:2022 khi cải tạo, sửa chữa công trình, giúp Chủ đầu tư và đơn vị thiết kế – thi công hệ thống PCCC nắm rõ thủ tục và lựa chọn phương án phù hợp với mong muốn, mục đích cải tạo sửa chữa công trình.
Tổng hợp những điểm mới về đối tượng công trình áp dụng QCVN 06:2022
Bên cạnh đó, một số quy định mới quan trọng được bổ sung thêm tại điều 1.5.5 như: Cho phép áp dụng các giải pháp và phương án PCCC khác nhau (kể cả giải pháp, phương án không được nêu trong quy chuẩn này) để thực hiện các yêu cầu an toàn cháy, trên nguyên tắc đảm bảo mục đích của các yêu cầu đó.
Ngoài ra, có thể chấp thuận các sai số thi công khi áp dụng các quy định về kích thước, khoảng cách theo tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu tương ứng. Đối với các kích thước chiều rộng, chiều cao của lối ra thoát nạn, lỗ cửa, hành lang, thang bộ, thang máy, đường thoát nạn và tương tự thì được áp dụng sai số thi công là +-5%.
Về thiết kế, quy hoạch nhà máy, nhà xưởng
Tổng hợp những điểm mới về thiết kế, quy hoạch nhà máy, nhà xưởng
Thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng nhà máy, nhà xưởng được quy định cụ thể hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Một số sửa đổi quy chuẩn an toàn cháy quan trọng:
– Quy định về khoảng cách giữa lối thoát nạn, hành lang bên, khoảng cách thoát nạn giới hạn cho phép… để đảm bảo về cứu hộ cứu nạn.
– Quy định về buồng thang bộ: bố trí các lỗ thoát khói trên tum thang; khu vực bố trí cầu thang bộ loại 2.
– Không yêu cầu ngăn cháy đối với các gian phòng nhóm F5 (nhóm công trình phục vụ sản xuất, kho hàng hóa vật tư) có độ nguy hiểm cháy C4 – E, các gian phòng kỹ thuật nước, ẩm ướt hoặc nguy cơ cháy thấp, các khu vực chỉ phục vụ ăn uống (không có bếp nấu và kho lưu trữ thực phẩm), các phòng họp nội bộ và các trường hợp tương tự…
– Yêu cầu ngăn cháy đối với khu vực có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng A, B, C với các khu vực có công năng công cộng khác.
– Yêu cầu thiết kế bãi quay xe phù hợp phương tiện chữa cháy địa phương.
– Không quy định về cách bố trí các lối vào từ trên cao khi có các phương án phù hợp khác để lực lượng chữa cháy tiếp cận.
– Thay đổi cách xác định số lượng tầng của nhà phục vụ sản xuất và kho.
– Bổ sung phương án lựa chọn khu vực lánh nạn là các vùng an toàn, định nghĩa cụ thể về vùng an toàn.
– Bổ sung phương pháp xác định các dấu hiệu để xếp nhà, công trình, gian phòng có công năng sản xuất và kho vào các hạng theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ được quy định trong các tiêu chuẩn.
– Thay đổi cách xác định chiều cao PCCC của nhà máy, nhà xưởng.
Như vậy, với những sửa đổi mới trong quy chuẩn an toàn cháy về thiết kế và kết cấu nhà công trình, chủ đầu tư cần chú ý hơn về các yêu cầu ngăn cháy, thiết kế mặt bằng và bố trí các buồng thang, khu lánh nạn. Từ đó, chủ động thiết kế bản vẽ và thi công phù hợp nhằm đáp ứng đủ điều kiện về quy định an toàn PCCC, đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình.
Về giới hạn chịu lửa của kết cấu/cấu kiện
Tổng hợp những điểm mới về giới hạn chịu lửa của kết cấu/cấu kiện
Về giới hạn chịu lửa của kết cấu/cấu kiện, sửa đổi 1:2023 cũng đã bổ sung thêm nhiều quy định mới để áp dụng kết hợp cùng quy chuẩn an toàn cháy QCVN 06:2022:
– Quy định bộ phận ngăn cháy làm bằng vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1) với giới hạn chịu lửa ít nhất El15 đối với nhà có bậc chịu lửa II, III, IV.
– Không quy định giới hạn chịu lửa của bản thang và chiếu thang trong buồng thang bộ được bảo vệ bởi các tường trong có giới hạn chịu lửa.
– Không yêu cầu về cấp nguy hiểm cháy đối với các vật liệu hoàn thiện, trang trí, ốp lát, phủ sàn ở mặt ngoài cùng của tường, trần, sàn.
– Không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với cửa giếng thang máy mở ra hành lang bên.
– Không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với vách ngăn khu vực có bố trí cầu thang bộ loại 2 hoặc hành lang thông với cầu thang bộ loại 2 khi nhà máy (hoặc khoang cháy có cầu thang bộ loại 2) có chiều cao PCCC không lớn hơn 9m, diện tích một tầng không quá 300 m2 hoặc khi nhà máy có trang bị chữa cháy tự động.
– Không yêu cầu giới hạn chịu lửa của đường ống, kênh dẫn khói và ống cấp không khí vào nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện của sửa đổi 1:2023.
– Cho phép nhân đôi diện tích lỗ mở không được bảo vệ chống cháy nếu nhà máy, nhà xưởng được trang bị chữa cháy tự động. Cho phép sử dụng giải pháp khác ngăn cháy lan như quy định tại điểm 4.35 đối với các ô cửa từ E 60 trở xuống.
– Không yêu cầu giới hạn chịu lửa của mái hiên, mái che phần phụ, mái che hành lang, sảnh ngoài nhà.
Về hệ thống phòng cháy chữa cháy
Tổng hợp những điểm mới về hệ thống PCCC
Sửa đổi 1:2023 đã bổ sung và làm rõ hơn về hệ thống hút xả khói, cửa nắp hút khói và quy định chi tiết về việc trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Các sửa đổi quy chuẩn an toàn cháy quan trọng cần phải lưu ý:
– Quy định nhà hạng C phải được trang bị chữa cháy tự động, nhà có chiều cao PCCC từ trên 21m đến 25m phải được bảo vệ bằng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động.
– Yêu cầu hệ thống hút xả khói được điều khiển tự động từ xa, hoặc luôn sẵn sàng hoạt động khi có cháy; có tác dụng xả khói và các sản phẩm cháy qua cửa thu khói ra ngoài trời.
– Yêu cầu cửa nắp hút khói (cửa trời hoặc cửa chớp) được điều khiển tự động từ xa hoặc luôn mở sẵn.
– Quy định về việc trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà máy, nhà xưởng: Đối với các nhà khi nằm trong phạm vi phục vụ của các nguồn cấp nước chữa cháy ngoài nhà (bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên/nhân tạo và các nguồn nước tương tự khác) thì không yêu cầu bắt buộc phải trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà.
– Vị trí lắp đặt bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo phải đặt tại vị trí bảo đảm bán kính phục vụ.
– Yêu cầu mỗi tầng nhà máy phải có họng nước chữa cháy với số lượng, vị trí, kích thước và lắp đặt theo tiêu chuẩn thiết kế áp dụng.
– Quy định về lưu lượng nước cho cấp nước chữa cháy ngoài nhà máy, nhà xưởng. Bổ sung bảng 10 về lưu lượng nước cho cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với nhóm nhà F5.
– Quy định về thời gian chữa cháy và thời gian phục hồi nước dự trữ.
Như vậy sửa đổi quy chuẩn an toàn cháy mới nhất đã quy định chi tiết về lưu lượng nước cũng như thời gian chữa cháy và phục hồi nước dự trữ. Những điểm mới trong quy chuẩn an toàn cháy giúp các nhà đầu tư nắm rõ hơn về thiết kế, vị trí và thể tích bồn, bể chứa nước, từ đó dễ dàng thiết kế và thi công, đáp ứng đủ điều an toàn cháy cho nhà và công trình.
Những điểm mới trong QCVN 03:2023/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy QCVN 03:2023/BCA được Bộ Công an ban hành vào 30/10/2023 và có hiệu lực từ 01/04/2024. Quy chuẩn quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy, quy định về quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục phải kiểm định trước khi đưa vào thị trường Việt Nam.
Tổng hợp những điểm mới về tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện PCCC trong QCVN03:2023
QCVN 03:2023 đã điều chỉnh và bổ sung chi tiết một số quy định quan trọng:
– Quy định chi tiết về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các hạng mục phương tiện chữa cháy: Máy bơm chữa cháy, vòi chữa cháy, lăng chữa cháy, trụ nước chữa cháy, đầu nối cháy, bình chữa cháy, bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy có bánh xe, bình bột chữa cháy tự động kích hoạt, bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo, bình khí chữa cháy tự động kích hoạt, chất bột chữa cháy, chất tạo bọt.
– Quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các hạng mục phương tiện báo cháy: Hệ thống báo cháy tự động, đầu báo cháy tự động, đầu báo cháy kết hợp, đầu báo cháy lửa, đầu báo cháy nhiệt, đầu báo cháy khói, đầu báo cháy khói quang điện, đầu báo cháy khói ion hóa, đầu báo cháy điểm, bộ phát hiện khói công nghệ hút/đầu báo khói kiểu hút, thiết bị phát hiện khói dùng cho cá đường ống/đầu báo cháy khói dùng trong các đường ống, nút ấn báo cháy.
– Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các hạng mục đầu phun nước chữa cháy: đầu phun, đầu phun kín, đầu phun hở.
– Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các hạng mục chiếu sáng: Chiếu sáng khẩn cấp, chiếu sáng thoát hiểm khẩn cấp.
– Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật lô.
– Yêu cầu loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu kê khai, khai báo phải phù hợp với danh mục phương tiện đã được quy định tại QCVN 03:0001.
– Yêu cầu quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
– Yêu cầu phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được kiểm định theo quy định.
Như vậy, so với quy định cũ QCVN 03:2023 đã bổ sung và quy định chi tiết và chặt chẽ hơn tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Việc này giúp các chủ đầu tư yên tâm hơn về việc sử dụng và lắp đặt hệ thống PCCC đảm bảo an toàn theo quy định.
Trên đây là những điểm mới trong quy chuẩn an toàn cháy mà các chủ đầu tư có thể tham khảo. Từ đó nắm bắt rõ quy chuẩn an toàn cháy mới nhất hiện nay và có những biện pháp phòng cháy chữa cháy trong nhà máy phù hợp và hiệu quả nhất.
Nguồn:
Bộ Xây dựng – Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Bộ Xây dựng – QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Xem thêm: Những lưu ý khi thiết kế và thi công hệ thống cơ điện nhà máy
Xem thêm: Xu hướng xây dựng nhà máy công nghiệp 2024