Những quy định nhập cảnh Việt Nam mới nhất năm 2023

Người nước ngoài trước khi nhập cảnh Việt Nam cần nắm rõ thông tin về các quy định nhập cảnh có hiệu lực trong năm 2023 để hoàn thành thủ tục nhập cảnh thuận lợi và nhanh chóng.

Những quy định về giấy tờ nhập cảnh Việt Nam đối với người nước ngoài

Theo quy định nhập cảnh Việt Nam tại Điều 20 Luật số 47/2014/QH13, người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam cần có đủ hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và các loại visa cho người nước ngoài tại Việt Nam. Các loại visa được dùng để nhập cảnh Việt Nam phổ biến nhất hiện nay như:

  • Visa du lịch (DL) có thời hạn không quá 90 ngày
  • Visa công tác (DN1, DN2) có thời hạn không quá 01 năm
  • Visa đầu tư (ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4) có thời hạn từ 01 đến 05 năm tùy loại visa mà người nước ngoài muốn cấp.
  • Visa lao động (LĐ1, LĐ2) có thời hạn không quá 02 năm
  • .…..

Người nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam cần tuân thủ pháp luật, tôn trọng văn hóa tại Việt Nam và phải thực hiện đúng những hoạt động phù hợp với mục đích nhập cảnh, nếu vi phạm các quy định này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thủ tục nhập cảnh mới nhất 2023

Nhập cảnh bằng Visa đầu tư 

Người nước ngoài khi nhập cảnh bằng visa đầu tư có thể xuất nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần, tùy vào quy định trên visa. Người sở hữu visa ĐT 1, ĐT 2, ĐT 3 có thể làm thẻ tạm trú để tiện nhập cảnh mà không bị giới hạn số lần nhập cảnh theo visa. 

Ngoài ra, người nước ngoài được cấp visa đầu tư có thể được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài, như: miễn, giảm thuế, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ,…

Tham khảo chi tiết thủ tục làm visa đầu tư tại bài viết: Thủ tục xin cấp visa đầu tư tại Việt Nam cho người nước ngoài – cập nhật mới nhất 2023

Nhập cảnh bằng thẻ tạm trú

Thẻ tạm trú sẽ giúp người nước ngoài có thể nhập cảnh vào Việt Nam nhiều lần mà không cần xin cấp visa mỗi lần nhập cảnh. Đặc biệt, nếu người nước ngoài đã có visa đầu tư thì có thể xin cấp thẻ tạm trú có thời hạn lên đến 10 năm (ĐT1), lên đến  05 năm (ĐT2) hoặc  03 năm (ĐT3) giúp cho việc nhập cảnh dễ dàng hơn, cư trú và làm việc tại Việt Nam lâu dài hơn.

Quy trình, thủ tục khi người nước ngoài muốn xin cấp thẻ tạm trú sẽ thực hiện theo các bước sau:

  1. Người nước ngoài cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của luật hiện hành Việt Nam.
  2. Sau khi đã chuẩn bị đủ hồ sơ, người nước ngoài cần nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại Việt Nam. Nếu đủ hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ in và cấp giấy hẹn trả kết quả cho người nước ngoài.
  3. Tiếp theo cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành thu phí và giao biên lai thu tiền cho người nước ngoài hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để thanh toán trực tuyến và nhận biên lai điện tử.
  4. Hồ sơ sẽ được xử lý và cấp cho người nước ngoài trong vòng 5 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ (từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần trừ những ngày lễ, Tết).
  5. Tới ngày hẹn, người nước ngoài phải đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để nhận kết quả trực tiếp. Khi đến, cần mang theo giấy hẹn, giấy tờ tùy thân và biên lai thu tiền để đối chiếu.

Nhập cảnh bằng E – visa (Visa điện tử)

E-visa là loại thị thực được cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử tiện lợi và dễ dàng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và thời hạn không quá 90 ngày. Quy trình, thủ tục xin visa trực tuyến nhanh chóng và khá đơn giản, người nước ngoài chỉ cần điền thông tin chính xác theo các bước sau:

  1. Người nước ngoài cần điền thông tin đề nghị cấp E-visa tại Form này
  2. Sau khi đã điền đầy đủ thông tin sẽ nhận được thông báo về email. 
  3. Sau đó, người nước ngoài sẽ được yêu cầu nộp phí cấp visa điện tử trực tuyến theo theo thông báo được gửi về email.
  4. Sau khi đã hoàn thành các bước trên, người nước ngoài sẽ nhận được Mã hồ sơ điện tử và thực hiện in visa điện tử để thực hiện việc nhập cảnh vào Việt Nam.
  5. Khi nhập cảnh, nhân viên hải quan sẽ tiến hành kiểm tra hộ chiếu và visa điện tử, nếu hợp lệ sẽ được đóng dấu hộ chiếu và người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng E-visa được quy định đầy tại Bảng này.

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đề nghị cấp visa điện tử cho người nước ngoài thì sẽ cần làm thủ tục đề nghị cấp tài khoản truy cập và đăng ký sử dụng bút ký điện tử, sau đó sẽ được cấp tài khoản truy cập trong vòng 3 ngày làm việc. 

Tiếp theo, việc đăng ký và gửi hồ sơ đề nghị cấp visa điện tử cho người nước ngoài sẽ theo các bước dưới đây:

  1. Sử dụng tài khoản được cung cấp để đăng nhập vào hệ thống
  2. Nhập đầy đủ thông tin của từng người nước ngoài mà cơ quan, tổ chức muốn mời, bảo lãnh.
  3. Sử dụng bút ký điện tử để xác nhận thông tin đề nghị.
  4. Nộp phí cấp thị thực điện tử (như trên)
  5. Kết quả sẽ có mã hồ sơ điện tử để in thị thực điện tử và sau đó nhập cảnh Việt Nam theo quy trình trên.

Nhập cảnh khi được miễn visa

Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP 2023, có 13 quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh vào Việt Nam, cụ thể:

STTQuốc giaThời hạn tạm trú (ngày)
    1Đức45
    2Pháp45
    3Italia45
    4Tây Ban Nha45
    5Anh và Bắc Ai-len45
    6Nga45
    7Nhật Bản45
    8Hàn Quốc45
    9Đan Mạch45
    10Thuỵ Điển45
    11Na Uy45
    12Cộng hòa Phần Lan45
    13Cộng hòa Bê-la-rút45

Các quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh vào Việt Nam

Công dân từ các nước này có thể vào Việt Nam mà không cần thị thực, không phân biệt loại hộ chiếu, không phân biệt mục đích nhập cảnh và được miễn thị thực xuất nhập cảnh với thời hạn tạm trú không quá 45 ngày nếu đáp ứng các điều kiện như có hộ chiếu hợp lệ còn giá trị ít nhất 6 tháng, vé phương tiện giao thông khứ hồi hoặc đi tiếp nước khác và không thuộc đối tượng cấm nhập cảnh hoặc hạn chế nhập cảnh Việt Nam. 

Ngoài ra, công dân của các quốc gia trong khối ASEAN luôn được miễn thị thực khi đến Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 30 ngày, không phân biệt mục đích nhập cảnh.

 

STT

Quốc gia

Thời hạn tạm trú (ngày)
  1Brunei14
  2Myanmar14
  3Philippines21
  4Campuchia30
  5Thái Lan30
  6Malaysia30
  7Singapore30
  8Indonesia30
  9Lào30

Các quốc gia trong khối ASEAN được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam

Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam:

  1. Người nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: 01 tờ khai theo mẫu NA9, hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 01 năm, 02 ảnh mới chụp cỡ 4cm x 6cm phông trắng và giấy tờ chứng minh thuộc diện cấp Giấy miễn thị thực để nộp.
  2. Nếu người nước ngoài đang ở nước ngoài thì sẽ nộp hồ sơ tại Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại và trong trường hợp đang tạm trú ở Việt Nam thì sẽ hộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. 
  3. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp giấy hẹn trả kết quả và người nước ngoài cần nộp phí và sẽ được giao biên lai thu tiền hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để thanh toán trực tuyến và nhận biên lai điện tử.
  4. Hồ sơ sẽ được xử lý nhanh chóng trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ như trên.
  5. Người nước ngoài đến nhận kết quả trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh và mang theo giấy hẹn trả kết quả và giấy tờ tùy thân để kiểm tra, đối chiếu.

Thủ tục hải quan khi nhập cảnh Việt Nam

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được yêu cầu thực hiện theo đúng những thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu hải quan về tiền tệ, hàng hóa và hành lý. Những thủ tục mà người nước ngoài cần thực hiện bao gồm:

Thủ tục trao đổi tiền tệ

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế cần khai báo nếu mang theo hộ chiếu và ngoại tệ tiền mặt vượt quá 5.000 USD hoặc tương đương 15.000.000 VNĐ.

Để mang theo ngoại tệ tiền mặt, người nước ngoài cần gửi số tiền đó vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của mình, người nước ngoài sẽ được cấp tờ khai nhập cảnh và làm thủ tục trực tiếp tại hải quan cửa khẩu.

Thủ tục kiểm tra hàng hóa

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam cần khai hải quan về hàng hóa và những hành lý mà mình đem theo. Việc kiểm tra hàng hóa giúp cơ quan hải quan xác định đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, giá trị,… của hàng hóa để xác định chính xác số thuế phải nộp, xác định đúng hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, xuất khẩu,…Các bước khai hải quan như sau:

  1. Người nước ngoài khi tới hải quan cửa khẩu sẽ được phát tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong trường hợp người người nước ngoài có chứng từ liên quan thì sẽ nộp kèm theo tờ khai cho hải quan.
  2. Thủ tục này sẽ được xử lý trực tiếp tại Cơ quan hải quan khi nhập cảnh vào Việt Nam

Người nước ngoài cũng cần lưu ý danh mục các mặt hàng bị cấm và mặt hàng có điều kiện khi được đưa vào Việt Nam như sau:

  • Các mặt hàng bị cấm nhập khẩu gồm: vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, ma túy, hàng tiêu dùng, vật tư, phương tiện đã qua sử dụng… và các mặt hàng khác do các Bộ, ngành quy định theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
  • Danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện bao gồm hóa chất, thiết bị y tế, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, vật liệu nổ. Các mặt hàng tươi sống, động thực vật phải tuân thủ quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, người nhập cảnh có thể mang theo hành lý cá nhân, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh đối với các loại hành lý như rượu, thuốc lá điếu,…theo định mức được quy định cụ thể tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Thông tin tổng hợp từ: Cục Di trú Việt Nam – Bộ Công an, Luật số 47/2014/QH13, Luật số 51/2019/QH14, Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh Việt Nam, Nghị quyết số 128/NQ-CP 2023, Thông tư số 15/2011/TT-NHNN, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, Cổng dịch vụ Bộ Công an, Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-VPQH Luật Hải quan, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Thông tư số 264/2016/TT-BTC.

Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam

Xem thêm: Lương cơ bản ở Việt Nam và mức đãi ngộ thực tế – những vấn đề nhà đầu tư cần biết 

Chia sẻ