Các công nghệ như AO, MBR, MBBR… được ứng dụng khá phổ biến trong xử lý nước thải nhà máy hiện nay, do có nhiều ưu điểm nổi trội giúp nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu ra của nước thải, cũng như tiết kiệm tối đa chi phí vận hành.
Quy định về xử lý nước thải công nghiệp tại Việt Nam
Xử lý nước thải công nghiệp là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đối với những dự án xây dựng trong KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, doanh nghiệp sẽ được ký hợp đồng và được đấu nối trực tiếp đường ống vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà không cần xây dựng công trình xử lý nước thải. Tuy nhiên, đối với những dự án xây dựng trong KCN/CCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, hoặc trong nguồn nước thải có chứa các chất độc hại, kim loại nặng, doanh nghiệp cần phải có hệ thống xử lý nước thải riêng để xử lý trước khi xả vào hệ thống xử lý tập trung. Doanh nghiệp cần đảm bảo, nước thải sau khi xử lý phải đạt loại B, các thông số ô nhiễm trong nước như chì, thủy ngân, BOD, COD… không được phép vượt quá giới hạn cho phép được quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT.
5 công nghệ xử lý nước thải công nghiệp phổ biến hiện nay
Khi thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhà máy, nhà đầu tư cần lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với quy mô, đặc thù sản xuất để đảm bảo nước thải được xử lý đúng cách, đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam.
Công nghệ xử lý AO
Công nghệ AO sử dụng quá trình hiếu khí (anoxic) và quá trình có oxy (oxic) để loại bỏ các chất ô nhiễm, phù hợp với nguồn nước thải có chứa hàm lượng nitơ cao, BOD và COD ở mức trung bình. Đây là công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt nhà máy phổ biến tại Việt Nam, do dễ vận hành và có thể tự động hóa. Sử dụng công nghệ AO nhà đầu tư có thể thiết kế hệ thống xử lý nước thải dạng module hợp khối, giúp tiết kiệm diện tích và dễ dàng tăng công suất. Ngoài ra, chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống công nghệ này không cao, chi phí bảo hành bảo trì thấp, vận hành ổn định giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí hiệu quả.
Sử dụng công nghệ xử lý nước thải AO tại nhà máy HAEM Vina do DELCO là Tổng thầu Design – Build
Công nghệ xử lý sinh học màng MBR
Công nghệ xử lý nước thải MBR thường được áp dụng cho các nhà máy có nồng độ nước thải ô nhiễm sinh học cao như nhà máy sản xuất bia, sữa, chế biến thủy sản… Sử dụng công nghệ này, chủ đầu tư có thể tiết kiệm diện tích xây dựng do không cần bể lắng thứ cấp, cũng như tiết kiệm chi phí bằng cách tái sử dụng nguồn nước để tưới cây, rửa đường… Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài có thể bị tắc màng, chi phí đầu tư và thay màng mới khá cao.
Công nghệ xử lý sinh học giá thể di động MBBR
Bằng cách sử dụng các giá thể di động để tăng diện tích tiếp xúc cho vi sinh, công nghệ xử lý MBBR có hiệu quả cao trong việc xử lý các chất ô nhiễm như BOD, COD, nitơ… Công nghệ này chịu được tải trọng hữu cơ cao, tiết kiệm diện tích, vì vậy phù hợp với những ngành công nghiệp có lượng nước thải lớn, chứa nhiều chất hữu cơ như sản xuất giấy, dệt nhuộm…
Công nghệ xử lý nước thải SBR
SBR là công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt nhà máy bằng vi sinh vật theo từng mẻ, gồm 2 cụm bể là Selector và C-tech. Công nghệ hoạt động trên hệ thống tự vận hành, giảm thiểu các thiết bị phải sử dụng trong bể lắng và không cần tuần hoàn bùn giúp hệ thống hoạt động ổn định, bền bỉ, đồng thời tiết kiệm được các chi phí xây dựng bể lắng, hệ thống dẫn truyền và bơm liên quan. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ SBR yêu cầu kỹ sư vận hành phải có chuyên môn cao, cần theo dõi sát sao hệ thống.
Công nghệ hóa lý
Sử dụng công nghệ hóa lý là một trong những lựa chọn phổ biến trong xử lý nước thải sản xuất của nhà máy. Bằng cách sử dụng hóa chất keo tụ, tạo bông, tạo phức kết hợp với chất oxy hóa, công nghệ hóa lý có thể loại bỏ được phần lớn các chất rắn lơ lửng, kim loại nặng, các chất ô nhiễm dạng keo có kích thước nhỏ và vi sinh vật. Do đó, công nghệ này phù hợp với hầu hết các loại nước thải, đặc biệt là nước thải sản xuất chứa hóa chất, kim loại nặng và độ màu cao.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của công nghệ này là chi phí vận hành cao, nhà máy phải thường xuyên mua hóa chất để xử lý nước thải, ngoài ra yêu cầu kiểm soát chặt chẽ loại hóa chất, liều lượng sử dụng, đảm bảo an toàn cho người lao động và tránh lãng phí hóa chất.
Những yếu tố cần lưu ý trong thiết kế xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhà máy
Đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật
Hệ thống xử lý nước thải nhà máy cần được được thiết kế và xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật. Doanh nghiệp nên làm việc kỹ lưỡng với nhà thầu về hồ sơ thiết kế kỹ thuật của nhà máy, để làm thủ tục xin phép môi trường phù hợp với công nghệ sử dụng, đáp ứng các quy định pháp luật, tránh phải thay đổi, làm thủ tục nhiều lần, gây tốn kém thời gian và chi phí.
Lựa chọn công nghệ xử lý hiệu quả
Mỗi công nghệ xử lý nước thải có ưu, nhược điểm riêng. Nhà đầu tư không chỉ cần quan tâm đến chi phí đầu tư xây dựng hệ thống mà còn phải tính toán kỹ chi phí vận hành, khả năng tái sử dụng nước sau xử lý… để lựa chọn hệ thống xử lý nước thải phù hợp.
Tủ điều khiển hệ thống xử lý nước thải tích hợp tại nhà máy thông minh Power Plus Technology, cho phép Nhà đầu tư tái sử dụng nước sau xử lý để tưới cây, rửa đường
Thiết kế và xây dựng hệ thống linh hoạt, tối ưu chi phí
Doanh nghiệp cần trao đổi với nhà thầu về đặc thù của ngành sản xuất cũng như ngân sách của mình để thiết kế và lựa chọn thiết bị, kỹ thuật xây dựng phù hợp, đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, tiết kiệm điện năng. Ngoài ra, một nhà thầu uy tín sẽ giúp chủ đầu tư thiết kế hệ thống xử lý nước thải linh hoạt, dễ dàng nâng cấp, mở rộng bằng cách tính toán dung tích bể, công suất bơm, công suất máy thổi khí… phù hợp với kế hoạch mở rộng trong tương lai. Việc này giúp nhà máy tối ưu thời gian và chi phí nâng cấp, sửa chữa khi mở rộng quy mô sản xuất.
Hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy in ấn thương mại Hà Nam do DELCO là Tổng thầu Xây dựng, đã được tính toán và thiết kế để dễ dàng mở rộng ở các giai đoạn sau.
Xem thêm: Các dự án xử lý nước thải và khí thải nhà máy tiêu biểu do Delco triển khai
Xem thêm: Cải tạo nhà xưởng – những khó khăn trong quá trình thi công