QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS
QUALITY GENERAL CONTRACTOR
RELIABLE PLATFORM FOR YOUR BUSINESS

Các giải pháp nền nhà xưởng phổ biến

Sàn nhà máy sản xuất linh kiện điện tử phải đáp ứng nhu cầu chống tĩnh điện, sàn nhà máy chế biến thực phẩm, dược phẩm lại có yêu cầu rất khắt khe về độ sạch, độ ẩm, áp suất… Mỗi môi trường sản xuất công nghiệp khác nhau có những yêu cầu khác nhau về hệ thống sàn. Lựa chọn giải pháp nền/sàn phù hợp với quy trình sản xuất của từng nhà máy sẽ giúp đảm bảo chất lượng và hiệu quả cho hoạt động sản xuất.

1. Sàn bê tông hardener

Sàn hardener hay còn được gọi là sàn bê tông được phủ chất tăng cứng (hardener), giúp gia tăng độ liên kết cho bề mặt bê tông, gia cố bề mặt sàn, tăng khả năng chịu mài mòn cơ học, chịu được tải trọng cao, bảo vệ nền bê tông và tạo độ bóng nhất định.

Chất làm tăng cứng nền và sàn có 2 dạng phổ biến:

  • Bột xoa nền Hardener là vật liệu dùng để xoa nền, tăng cứng và đánh bóng mặt sàn bê tông. 2-3 giờ sau khi đổ bê tông (tùy điều kiện thời tiết và mác bê tông) là thời điểm có thể thi công lớp bột tăng cứng. Bột hardener được rắc lên bề mặt bê tông, sau đó dùng máy xoa chuyên dụng để xoa và đánh bóng nền, tạo nên lớp bề mặt đặc chắc, chịu mài mòn cao.
  • Liquid hardener là chất lỏng phủ lên bề mặt bê tông, thẩm thấu và tạo ra những phản ứng hóa học bên trong khối bê tông. Thi công tăng cứng và phủ bóng sàn bằng liquid hardener có thể thi công được cho nền bê tông cũ, với độ bóng của sàn hơn hẳn dạng bột xoa nền.
  • Dùng phối hợp cả 2 cách trên có thể tăng tối đa độ bền, chống mài mòn, độ bóng và khả năng chống lại việc phát sinh bụi bẩn cho nền nhà xưởng.

Sàn đánh tăng cứng Hardener giúp tăng cứng sàn bê tông, đồng thời có thể làm bóng mặt sàn. Hardener còn có khả năng chống thấm và chống rạn nứt bề mặt hiệu quả, giảm thiểu sự thẩm thấu của dầu, nhớt trong quá trình sản xuất, ức chế sự tăng trưởng của bụi bê tông, bề mặt nhẵn dễ lau chùi, vệ sinh, đồng thời chống trơn trượt, chống mài mòn bởi hóa chất, vật lý,… Thi công sàn Hardener có chi phí không quá cao và được sử dụng khá phổ biến trong các nhà máy công nghiệp.

Thi công phun tăng cứng hardener tại Nhà máy Dainese tại KCN Yên Bình, Thái Nguyên, do DELCO là Tổng thầu cơ điện và cung cấp giải pháp nhà máy thông minh

Sàn bê tông phủ liquid hardener tại Nhà máy DORCO Living Vina 2021 do DELCO là Tổng thầu xây dựng

Thi công mài sàn sử dụng bột xoa nền sikafloor tại Nhà máy Power Plus Technology do DELCO là tổng thầu thiết kế – thi công xây dựng và cơ điện.

2. Sàn epoxy

Sơn epoxy là loại sơn sàn công nghiệp cao cấp sử dụng hỗn hợp của 2 thành phần bao gồm sơn epoxy và chất đóng rắn, tạo một lớp hoàn thiện bền, kháng dung môi cho sàn nhà máy.

Các loại sơn epoxy cho nền nhà xưởng phổ biến trên thị trường hiện nay gồm có:

+ Sơn epoxy gốc dầu chịu được va đập tốt, chịu được ăn mòn axit nồng độ nhẹ, tuy nhiên môi trường thi công và môi trường sử dụng trở nên độc hại do có chứa dầu.

+ Sơn epoxy gốc nước không độc hại, thân thiện với môi trường, có khả năng đóng rắn tốt trong môi trường ẩm, độ dày sàn trung bình 0.1mm.

+ Sơn epoxy tự san phẳng có độ dày lớn, trung bình khoảng 3mm, liên kết bền vững, chịu tải trọng cao, chống thấm nước, thấm dầu, kháng khuẩn, chống chịu axit, kháng hóa chất …

Quy trình thi công của sàn epoxy khá phức tạp với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, nếu không kiểm soát tốt, sau thi công xong, sơn dễ bong và không đạt độ phẳng, bóng, đồng màu, thẩm mỹ của sàn.

  • Đối với sàn epoxy tầng trệt, trước khi đổ bê tông, nền đất cần phải được kiểm tra độ đầm chặt theo yêu cầu để tránh lún sụt trong quá trình thi công, đồng thời phải có lớp chống thấm nước ngược từ dưới lên.
  • Bê tông nền nhà xưởng cần đạt mác tối thiểu 250 kg/cm2 thì mới có thể thi công sơn Epoxy.
  • Nền bê tông phải được bố trí những khe co giãn nhiệt hợp lý nhằm tránh tình trạng nứt gãy khi bê tông bị giãn nở.
  • Kiểm tra độ ẩm của sàn bằng máy đo phù hợp, độ ẩm phải dưới 6% mới được tiếp tục thi công sơn nền Epoxy.

Xem thêm: Doanh nghiệp xây dựng đứng trước những thách thức khốc liệt của thị trường

Có 2 phương pháp thi công sơn epoxy chính hiện nay, tương ứng với 2 hệ sơn:

  • Hệ sơn lăn, thi công bằng phương pháp dùng rulo lăn dàn đều sơn lên bề mặt. Số lớp sơn gồm từ 2-3 lớp hoàn thiện không kể lớp sơn lót.
  • Hệ sơn tự san, thi công theo phương pháp tự san phẳng: đổ sơn và dùng lu gai để dàn sơn tạo độ phẳng đồng đều trên toàn bộ bề mặt sàn.

Sơn epoxy được áp dụng tại nhiều phòng sạch công nghiệp, showroom, ứng dụng vào các khu vực và bề mặt sàn có yếu tố vệ sinh như: dược phẩm, thực phẩm, khu vực chế biến,…

Sàn epoxy tự san phẳng của nhà máy Hashimoto Seimitsu do DELCO là Tổng thầu thiết kế – thi công nhà máy

Sàn epoxy tự san phẳng rộng 4500 m2 của Nhà máy Ắc quy GS Bình Dương. Diện tích sàn càng lớn, việc kiểm soát thi công càng khó: tạo các mạch ngừng đúng vị trí, đảm bảo độ đồng nhất màu sơn…

Sơn epoxy bằng phương pháp lăn rulo tại  nhà máy MIE do DELCO là Tổng thầu xây dựng nhà máy

3. Sàn vinyl chống tĩnh điện

Sàn vinyl chống tĩnh điện (vinyl conductive tile) là loại sàn được cấu tạo từ nhựa, sợi carbon, bột đá và một số vật liệu phụ khác. Hệ thống sàn vinyl chống tĩnh điện bao gồm:

  • Tấm sàn vinyl
  • Keo chuyên dụng với thành phần sợi carbon
  • Dây đồng chuyên dụng
  • Dây hàn mạch

Sàn vinyl chống tĩnh điện có chức năng chống tĩnh điện bề mặt sàn, tránh gây hư hại đến các sản phẩm, linh kiện điện tử, đặc biệt là các vi mạch điện tử tinh xảo… Điện tích do tĩnh điện trong quá trình làm việc- đi lại của công nhân sẽ được dẫn qua hệ thống dây đồng chuyên dụng, đến các hộp thu tiếp địa. Cơ chế này giúp triệt tiêu tĩnh điện, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho sản phẩm mà không ảnh hưởng sức khoẻ con người.

Ngoài tính năng chống tĩnh điện, hệ sàn vinyl còn có nhiều ưu điểm khác:

  • Dễ dàng sửa chữa, bảo trì: sàn vinyl được cấu tạo từ các tấm (60x60cm) hoặc các cuộn (20m x 2m), vì vậy có thể dễ dàng thay thế các tấm vinyl khi cần sửa chữa – bảo trì, tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Kháng mài mòn, không sinh bụi: sàn vinyl được phủ một lớp wax chống tĩnh điện, vì vậy giúp ngăn hiện tượng bám bụi trên bề mặt sàn. Ngoài ra, sàn vinyl cũng có thể kháng mài mòn, không sinh bụi trong quá trình vận hành.
  • Chống cháy: chống cháy theo tiêu chuẩn DIN 4102 (B1)
  • Dễ dàng vệ sinh: sàn vinyl có thể làm sạch dễ dàng bằng nước sạch hoặc nước lau nhà thông thường mà không ảnh hưởng đến khả năng chống tĩnh điện

Ứng dụng của sàn vinyl chống tĩnh điện: các nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, phòng Lab, phòng nghiên cứu, bệnh viện, phòng máy IT, phòng sạch…

Thi công sàn vinyl chống tĩnh điện tại Nhà máy sản xuất sạc pin điện thoại HAEM VINA do DELCO làm Tổng thầu Design – Build.

4. Sàn PU

Sơn sàn PU – sơn Polyurethane là loại sơn chất lượng cao gốc nhựa Polyurethane 4 thành phần; không chứa dung môi và có tính tự trải phẳng. Sàn sơn polyurethane rất bền, có khả năng chống trơn, kháng được acid – hoá chất nồng độ cao, giảm mài mòn cơ học và chống sốc nhiệt tốt.

Sơn sàn PU phù hợp cho các môi trường làm việc với yêu cầu khắc nghiệt như:

– Kho lạnh, với khả năng chịu được độ sốc nhiệt liên tục dao động trong khoảng -40°C đến 150°C;

– Các nhà máy dược phẩm, thực phẩm theo tiêu chuẩn phòng sạch kháng khuẩn GMP – WHO;

– Nhà máy sản xuất hóa chất hàng loạt…

Yêu cầu về thi công sàn PU khá phức tạp. Bề mặt thi công cần được vệ sinh sạch sẽ, sàn bê tông cần chống ẩm, chống thấm và sơn lót cẩn thận để kiểm soát độ ẩm, tránh tạo bọt khí và bong tróc sàn sau khi hoàn thiện.

Trong quá trình thi công sàn PU, khi sàn ở dạng lỏng chưa khô hoàn toàn, Polyurethane phát ra mùi nồng và hơi khó ngửi. Mùi hương khó chịu sẽ hoàn toàn biến mất khi sơn ở dạng rắn, khi đó sàn đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng.

Sàn PU tại nhà máy Ắc quy GS số 3 do DELCO là Tổng thầu Thiết kế – thi công và cung cấp giải pháp nhà máy thông minh

Là Tổng thầu thiết kế – thi công có nhiều kinh nghiệm xây dựng nhà máy đa dạng lĩnh vực, DELCO có thể tư vấn giúp nhà đầu tư lựa chọn giải pháp nền, sàn nhà xưởng ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng liên tục, mức độ cao, hóa chất mạnh … của từng nhà máy, từng lĩnh vực sản xuất đặc thù.

Xem thêm: 12 phương án chống nóng hiệu quả cho nhà máy

— Bản quyền bài viết trên website delco-construction.com thuộc về DELCO® Construction. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa bất cứ hình ảnh, nội dung nào khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản từ DELCO®. —

Chia sẻ