Thủ tướng chính phủ ra công điện tháo gỡ vướng mắc trong luật PCCC cho các doanh nghiệp trong nước và FDI

Ngày 5/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong công tác PCCC trước 30/4

Ngày 5/4/2023, thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng liên quan đến Luật PCCC, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/4/2023. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Ngoài ra, các hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khắc phục các vi phạm, thiếu sót về PCCC sau kiểm tra rà soát cũng cần được hoàn thành trước 30/4/2023. Công điện cũng yêu cầu tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về PCCC ngoài thẩm quyền giải quyết để kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết (gửi về Bộ Công an, Bộ Xây dựng trước ngày 20/4/2023).

Xem thêm: Thủ tục thành lập và xây dựng nhà máy tại Việt Nam

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép PCCC

Chỉ trong vòng 18 tháng, đã có 3 Quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy áp dụng cho nhà ở và công trình được ban hành, từ QCVN 06:2020/BXD, đến QCVN 06:2021/BXD, và mới nhất là QCVN 06:2022/BXD. Hàng loạt doanh nghiệp, các hiệp hội và tổ chức nêu ý kiến về việc quy định PCCC chưa được hiểu đúng và thực thi đúng, đồng thời gửi văn bản cho Chính phủ, Bộ Công an và các bộ để kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi xin giấy phép PCCC. 

Theo ông Phạm Văn Cường – phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, vấn đề vướng mắc nhất trong nghiệm thu PCCC là kiểm định sơn chống cháy gia tăng kết cấu chịu lửa. Trên thị trường hiện có rất ít hãng sơn sản xuất trong nước được kiểm định và cấp phép sơn chống cháy, khiến doanh nghiệp có ít sự lựa chọn và phải chấp nhận giá cao.

Nhà xưởng 2 tầng rộng hơn 8000m2 để trống suốt 2 năm do cấu kiện sắt thép chưa sơn chống cháy nên không được nghiệm thu. Chi phí để khắc phục có thể gấp 10 lần so với sơn thông thường. (Ảnh: vtv)
Nhà xưởng 2 tầng rộng hơn 8000m2 để trống suốt 2 năm do cấu kiện sắt thép chưa sơn chống cháy nên không được nghiệm thu. Chi phí để khắc phục có thể gấp 10 lần so với sơn thông thường. (Ảnh: vtv)

Bên cạnh đó, một số công trình khi đầu tư xây dựng tuân theo quy định của văn bản cũ, nhưng đến khi nghiệm thu thì văn bản mới lại được ban hành, ảnh hưởng rất nhiều đến quy trình thẩm định. Nhiều nhà xưởng không được nghiệm thu cấp phép PCCC vì lý do đó.

Toàn bộ hệ thống PCCC trị giá 350 triệu đồng, giờ phải tháo bỏ đi hết dù hệ thống đã được thẩm duyệt về PCCC, nhưng theo tiêu chuẩn mới thì lại không đạt (Ảnh: vtv)
Toàn bộ hệ thống PCCC trị giá 350 triệu đồng, giờ phải tháo bỏ đi hết dù hệ thống đã được thẩm duyệt về PCCC, nhưng theo tiêu chuẩn mới thì lại không đạt (Ảnh: vtv)

Xem thêm: 4 quy chuẩn bắt buộc áp dụng khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam

Chuyển biến từ các địa phương sau chỉ đạo của Thủ tướng

Sau công văn của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/4, các tổ công tác đã được thành lập để làm việc trực tiếp với các địa phương, với tinh thần đặt yếu tố an toàn về con người lên trên hết và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. 

Ngày 7/4, Bộ Xây dựng đã chủ trì tổ chức cuộc họp rà soát những khó khăn, vướng mắc, những “nút thắt” trong việc áp dụng QCVN 06:2022/BXD cùng với Bộ Công an và các bộ liên quan. Trong đó, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội) đã đề xuất 6 giải pháp có thể tháo gỡ cho nhiều dạng công trình phù hợp với các yêu cầu kiến trúc, kết cấu. 

Ngày 11/4, Bộ Công An đã có Công văn số 1091/C07-P3,P4,P7, hướng dẫn cụ thể một số điểm quan trọng của QCVN 06:2022. Công văn đã giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về việc thực hiện quy định PCCC như mở rộng diện tích khoang cháy, kiểm định sơn chống cháy, khoảng cách an toàn PCCC, lối thoát nạn, tính toán – thiết kế kết cấu chịu lửa… 

Ngày 14/4, Công an TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu công an tất cả các quận huyện và TP. Thủ Đức triển khai hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn về PCCC cho doanh nghiệp. Theo đó, nhiều vướng mắc về PCCC được giải quyết: Công trình được nghiệm thu từng phần có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục đang nghiệm thu; Các dự án, công trình thi công sơn chống cháy đã được kiểm định theo Nghị định số 79/NĐ-CP thì được chấp thuận để nghiệm thu về PCCC…

Tất cả các địa phương đều đã nhanh chóng lập đoàn làm việc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp khắc phục các tồn tại, và tổng hợp, báo cáo những khó khăn trong việc áp dụng quy chuẩn mới về PCCC. Theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, điều này có ý nghĩa lớn góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

Xem thêm: Quy trình thiết kế, thi công điện nhà xưởng công nghiệp an toàn

Chia sẻ