Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đạt doanh thu hơn 900.000 tỷ đồng và trở thành điểm đến trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn như Apple, LG, Panasonic, Intel…
Công nghiệp phụ trợ thu hút nhiều nhà đầu tư FDI trong những năm gần đây
Công nghiệp phụ trợ là gì?
Công nghiệp phụ trợ hay công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp sản xuất nguyên, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp này ngày càng được chú trọng phát triển, trở thành một trong những ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Một số ngành dẫn đầu phải kể đến như công nghiệp phụ trợ ngành điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, ngành công nghiệp phụ trợ ô tô…
Tình hình ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam những năm gần đây
Hiện nay, cả nước có khoảng 5000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, đạt doanh thu hơn 900.000 tỷ VNĐ và chiếm 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến chế tạo.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 240 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung, 60 doanh nghiệp là nhà cung cấp của Toyota, trong đó có 13 nhà cung cấp là thuần Việt. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã trở thành điểm đến trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trong ngành sản xuất, dịch vụ như Apple, LG, Panasonic, Intel, GS,..
Nhà máy Ắc quy GS Việt Nam tại Bình Dương
Những lợi thế thu hút FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam
Ngoài những lợi thế có sẵn về vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn thu hút nguồn vốn FDI nhờ những hiệp định thương mại ký kết với các nước ASEAN và EU như ATIGA, EVFTA… Những hiệp định này giúp nguồn cung ứng linh kiện và chi phí vận chuyển đến Việt Nam lắp ráp hoặc ngược lại vận chuyển từ Việt Nam sang các nước khác sẽ rẻ hơn và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, những năm gần đây các tập đoàn lớn như Samsung tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Apple cũng xác nhận sẽ dịch chuyển một phần dây chuyển sản xuất ipad sang Việt Nam, kéo theo nhiều nhà cung ứng cũng lên kế hoạch đầu tư vào nước ta, điển hình như Foxconn.
Đặc biệt, sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm cách rời khỏi Trung Quốc để tránh bị thiệt hại khi các chính sách thuế trừng phạt được ban hành. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, có nền kinh tế – chính trị ổn định, chính sách ưu đãi hấp dẫn, do vậy nhiều doanh nghiệp FDI đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm để đặt nhà máy sản xuất.
Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài với các cảng nước sâu lớn thuận lợi giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế.
Vốn FDI tăng nhờ có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn
Nhiều chính sách thúc đẩy phát triển được triển khai
Để thu hút nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đến đầu tư, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách phát triển phù hợp nhằm nâng cao năng lực của người lao động, cải thiện trình độ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng lớn:
- Hợp tác cùng Samsung để triển khai chương trình phát triển nhà cung cấp, tổ chức đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam, tư vấn cải tiến doanh nghiệp.
- Thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc, Trung, Nam.
- Hỗ trợ năng lực, điều kiện tín dụng và tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế về quy mô, nguồn nhân lực.
- Mở rộng danh mục sản phẩm CNHT cho phù hợp với xu thế hiện nay.
Doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam
Ngoài những lợi thế về vị trí thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, chính sách phát triển phù hợp, Việt Nam còn đang áp dụng nhiều ưu đãi đặc quyền cho ngành công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
- Ưu đãi thuế suất: Doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất thu nhập 10% thay vì 20% như thông thường.
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập 4 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
- Ưu đãi thuế nhập khẩu: Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu với máy móc thiết bị tạo tài sản cố định; linh kiện phụ tùng không sản xuất được trong nước, các sản phẩm hỗ trợ công nghiệp dệt may.
- Ưu đãi tiền thuê đất: Doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Điều 14 Nghị định 35/2017/NĐ-CP.
Áp dụng thuế suất 10% cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam
Xem thêm: Tổng hợp các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam mới nhất
Xu hướng phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam giai đoạn 2024 – 2025, tầm nhìn 2030
Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều tập đoàn lớn dịch chuyển và mở rộng một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, kéo theo ngành công nghiệp phụ trợ cũng được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Một số ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất ô tô, điện tử, dệt may… đang phát triển nhanh chóng, tạo ra nhu cầu lớn về các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, nâng mức tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đạt 41,9%, tăng gần 10% trong 10 năm.
Nhằm mở rộng thị trường cho các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục tập trung đẩy mạnh một số ngành ưu tiên như cơ khí, ô tô, dệt may, da giày và điện tử; cũng như nghiên cứu các chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ mở rộng danh mục sản phẩm và thị trường mới; chú trọng vào đầu tư, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất sản phẩm, thiết bị phụ trợ công nghiệp có giá trị cao hơn.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, cơ khí, ô tô, điện tử…
Chính phủ cũng đã ký quyết định đầu tư hơn 870,7 tỷ VNĐ vào ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2024 – 2025, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp này sẽ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và đến năm 2030 sẽ là 70%, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có thể nói đây là một quyết định quan trọng giúp ngành công nghiệp hỗ trợ được đẩy mạnh phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Xem thêm: Một số dự án nhà máy phụ trợ ở Việt Nam do Delco tư vấn thiết kế xây dựng
Xem thêm: Xu hướng phát triển của ngành công nghiệp dệt may – da giày tại Việt Nam