Việt Nam đưa ra mục tiêu vật liệu xây không nung chiếm tỷ trọng 35 – 40% tổng lượng gạch xây vào năm 2025, giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm.
Vật liệu xanh là gì?
Theo Viện vật liệu xây dựng và trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động vật liệu xanh được hiểu là các loại vật liệu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế và phân hủy xanh.
Vật liệu xây dựng xanh phải đáp ứng tối thiểu một trong các tiêu chí như: làm từ vật liệu tái chế và có khả năng tái chế được, không chứa các chất độc hại, có vòng đời sử dụng dài, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả…
Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng vật liệu xanh ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn xây dựng nhà máy xanh tại Việt Nam điển hình như Coca Cola, Heineken, Ajinomoto Việt Nam… Để thúc đẩy việc sử dụng vật liệu xanh vào các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định từ tháng 2/2018 tất cả các công trình có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung.
Việt Nam cũng đã đưa ra chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu vật liệu xây không nung chiếm tỷ trọng khoảng 35 – 40% tổng lượng gạch xây vào năm 2025 và chiếm 40 – 45% vào năm 2030, giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm (so với lượng gạch nung khối lượng tương đương).
Xem thêm: Chi phí xây dựng nhà xưởng được quyết định bởi những yếu tố nào?
Các tiêu chuẩn vật liệu xanh
Hiện nay tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều chưa có quy chuẩn riêng biệt cho vật liệu xây dựng xanh. Tuy nhiên một số chứng chỉ công trình xanh hiện hành có quy định về nguồn gốc, chỉ số vật liệu xây dựng.
Một số chứng chỉ xanh được nhiều quốc gia chấp nhận và sử dụng rộng rãi, điển hình như chứng chỉ công trình xanh LEED của Mỹ được ban hành bởi USGBC. Để đạt được chứng chỉ này, vật liệu xây dựng của các công trình xanh phải có nguồn gốc tự nhiên, có khả năng tái chế và không chứa các chất độc hại như formaldehyde và VOCs (Volatile Organic Compounds)…
Bên cạnh đó Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cũng phát triển chứng chỉ công trình xanh LOTUS dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam. Các công trình đạt chuẩn LOTUS phải có vật liệu xây dựng là các vật liệu xây dựng bền vững có thể tái chế hoặc chế tạo nhanh, hạn chế tối đa mức độ sử dụng bê tông và vật liệu nung.
Ngoài ra, Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng đã ban hành một số tiêu chí đánh giá xi măng xanh theo Quyết định số 201/QĐ-VLXD ngày 29/9/2022 của Bộ Xây dựng. Cụ thể xi măng xanh cần phải đáp ứng một số điều kiện về sử dụng nguyên/nhiên liệu thay thế, tiêu hao năng lượng và mức phát thải mà Viện Vật liệu xây dựng đã đưa ra.
Tiêu chí đánh giá | Giá trị |
1. Yêu cầu về sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế | |
Sử dụng nhiên liệu thay thế | Đến 15% |
Hoặc sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu thay thế | Tối thiểu 39% |
2. Tiêu hao năng lượng và mức phát thải | |
a. Đối với công đoạn sản xuất clinker | |
Tiêu hao nhiệt năng | ≤ 800 kcal/kg clinker |
Tiêu hao điện năng | ≤ 65 kWh/tấn clinker |
Mức phát thải trong khí thải lò nung | + SO₂ ≤ 200 mg/Nm³ + NO₂ ≤ 800mg/Nm³ + Bụi ≤ 30mg/Nm³ |
b. Đối với công đoạn nghiền xi măng | |
Tiêu hao điện năng | ≤ 40kWh/tấn xi măng |
Lượng CO2 phát thải trong quá trình sản xuất xi măng | ≤ 650kg/tấn xi măng |
Một số tiêu chí đánh giá vật liệu xi măng xanh của Viện Vật liệu Xây dựng Việt Nam
Các loại vật liệu xanh phổ biến tại Việt Nam
Gạch không nung
Gạch không nung là một trong những vật liệu xanh được sử dụng thay thế cho gạch nung thông thường trong các công trình xây dựng công nghiệp, điển hình là các công trình có vốn nhà nước. Loại gạch này có khả năng cách âm, cách nhiệt và chống cháy chống ẩm tốt, đặc biệt thân thiện với môi trường vì không qua công đoạn nung.
Gạch không nung được làm từ những phế thải, phụ phẩm hoặc các cốt liệu như mạt đá, xi măng… được tạo hình và đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt. Hiện nay có rất nhiều loại gạch không nung phổ biến như gạch bê tông, gạch xỉ, gạch nhẹ chưng áp… tùy vào yêu cầu xây dựng của mỗi dự án mà chủ đầu tư có thể lựa chọn cho phù hợp.
Xi măng xanh
Xi măng xanh là vật liệu sản xuất từ tro bay – sản phẩm dư thừa từ sản xuất công nghiệp được nghiên cứu và phát triển bởi trung tâm công nghệ Trenchless của trường đại học công nghệ Louisiana tại Mỹ. Vật liệu này có khả năng chống ma sát cao hơn, chịu lửa tốt hơn, có sức căng và biến dạng cao hơn so với xi măng thông thường.
Bê tông xanh
Bê tông xanh được tạo thành từ quá trình trộn xi măng, đá, cát, nước, tro xỉ và phụ gia kết dính… Thành phần chủ yếu làm lên bê tông xanh là xi măng xanh và tro, xỉ muội than. Việc này giúp hạn chế tối đa lượng tro xỉ thải ra môi trường, giúp tiết kiệm nguyên liệu cũng như bảo vệ môi trường.
Bê tông vật liệu xanh có độ bền cao, các tính chất khác đều được đánh giá vượt trội hơn so với bê tông đối chứng, đặc biệt về tính chất độ bền lâu.
Tôn hữu cơ
Tôn hữu cơ là một trong những vật liệu xanh trong xây dựng có trọng lượng rất nhẹ được sản xuất từ vật liệu hữu cơ cellulose, acrylic và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớn. Loại vật liệu này có khả năng cách âm, chống nóng tốt giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả cũng như chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị ăn mòn phù hợp với các công trình có vị trí gần biển.
Sơn sinh thái
Sơn sinh thái là loại sơn không chứa các chất gây hại cho sức khỏe như Apeo, Phoóc môn, kim loại nặng và lượng chất hữu cơ bay hơi thấp. Loại sơn này có thể sử dụng trực tiếp mà không cần sơn lót, dễ thi công, nhanh khô; có khả năng chống mọi tác động của thời tiết, chống bức xạ và các tần sóng có hại cho con người, hấp thụ CO2 và có độ bền lên tới 25 năm.
Xem thêm: Sơn co giãn: Lựa chọn phù hợp cho nhà xưởng, nhà công nghiệp tại các vùng khí hậu nhiệt đới
Xem thêm: Tích hợp công nghệ IoT trong quản lý nhà xưởng